Toàn quốc kháng chiến - Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Trước thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân tại các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã nhất tề đứng lên, cùng sự hưởng ứng, phối hợp của quân dân trên khắp cả nước, đã anh dũng chiến đấu chống quân Pháp xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm tại các đô thị đã làm thất bại một bước chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo động lực và niềm tin để quân và dân ta chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, là tiền đề đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Toàn quốc kháng chiến đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam, trong đó, có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP: Từ 1/1/2025, chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN 

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Toàn quốc kháng chiến

Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và nhận thức sâu sắc vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn để phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Với tư tưởng chỉ đạo “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”, Đảng chủ trương tăng cường và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

Trong các văn kiện quan trọng của Đảng như Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (11/1945), Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12/1946), Đảng chủ trương phải mở rộng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước trong nhân dân. Để làm việc đó, một mặt, Đảng chủ trương mở rộng hơn nữa thành phần tham gia Mặt trận Việt Minh, “bao gồm mọi tầng lớp nhân dân (chú trọng: kéo địa chủ, phong kiến và đồng bào Công giáo)”1; mặt khác, tổ chức một hình thức mặt trận mới nhằm “đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng vô phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”2.

Bên cạnh Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập tháng 5/1946, đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết, các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến.

Đảng cũng chú trọng đến xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức các hội quần chúng cứu quốc để làm hạt nhân tổ chức, tập hợp lực lượng tham gia kháng chiến. Trong thời gian ngắn, tổ chức Đảng đã được củng cố vững chắc từ Trung ương đến địa phương. Những nhóm Cứu quốc bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được nhanh chóng củng cố và phát triển. Đồng thời, thành lập các đảng phái và tổ chức xã hội như: Đảng Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Khi toàn quốc kháng chiến diễn ra, trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”4.

Để tập hợp và phát huy sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp, các lực lượng thành một khối sức mạnh thống nhất, Đảng đã phát huy cao độ vai trò của chính quyền nhân dân các cấp, vai trò của Mặt trận và các tổ chức, đảng phái chính trị, xã hội để tuyên truyền, vận động, đoàn kết mọi lực lượng với những hình thức phong phú, đa dạng và linh hoạt. Nội dung tuyên truyền chú trọng khơi dậy lòng yêu nước, ý thức dân tộc và khát vọng độc lập tự do, lòng căm thù quân xâm lược cho mỗi người dân; giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên cùng quân, dân về chủ trương và quyết tâm kháng chiến của Đảng; động viên mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia các vào tổ chức, các lực lượng để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi tầng lớp nhân dân, từ người già đến trẻ, không phân biệt gái, trai, giàu, nghèo; không phân biệt đảng phái, tôn giáo; đều hăng hái tham gia kháng chiến. Người người xung phong gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn, tham gia các đội tự vệ chiến đấu, các lực lượng phục vụ chiến đấu và hướng dẫn tản cư. Tại các đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, nhân dân ở các khu phố nơi chiến sự xảy ra đã không tiếc của cải, sẵn sàng mang bàn ghế, giường tủ cùng các vật dụng trong nhà... để dựng chiến lũy trên các đường phố; tham gia đào giao thông hào, ngả cây dựng chướng ngại vật để ngăn cản bước tiến của quân Pháp; sẵn sàng nhường nhà, đục tường nhà cho Vệ quốc quân và Tự vệ, dựa vào đó để tổ chức hình thành các ổ đề kháng, đường cơ động, triển khai thế trận đánh địch. Lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoài công nhân, nông dân, trí thức, còn có cả phụ nữ, thanh thiếu niên, các nhà sư... Tất cả mọi người đều có chung một tinh thần yêu nước cao độ, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Đảng đã tổ chức và tập hợp được lực lượng to lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, là người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài; tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong các đô thị để hậu phương có điều kiện tổ chức triển khai thế trận chiến đấu lâu dài; bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng tài sản, phương tiện, máy móc... di chuyển đến các an toàn khu để tiếp tục chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Toàn quốc kháng chiến - Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay

Thứ nhất, Đảng nhận thức đúng vị trí và tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đảng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn sức mạnh và vai trò của quần chúng nhân dân: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”5, “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”7.

Thứ hai, Đảng luôn thực hiện nhất quán quan điểm “đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”8.

Phát huy những điểm tương đồng, điểm chung của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, già hay trẻ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, nếu “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”9, nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ ba, phải luôn khơi dậy được lòng yêu nước, khát vọng độc lập, hòa bình và ý chí tự lực, tự cường của dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng luôn “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”10. Đây chính là cội nguồn, là chất keo để tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, không ngừng củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Từ kinh nghiệm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Toàn quốc kháng chiến, cũng như trong thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và mục tiêu, lý tưởng, đường lối cách mạng mà Đảng đề ra và lãnh đạo chính là cơ sở tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Đảng cần phải tiếp tục nâng cao trình độ lý luận và năng lực hoạch định đường lối để luôn đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn.

Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực. Các cấp ủy Đảng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với những giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”11, Đảng luôn lãnh đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và các phương thức, hình thức tổ chức cho phù hợp với đặc điểm bối cảnh hiện nay để Nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”12. Bảo đảm để Nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của Nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Tạo điều kiện để người dân phát huy sức sáng tạo, tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng luôn tăng cường lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đổi mới tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm của toàn thể Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng vận dụng và phát huy cao độ trong Toàn quốc kháng chiến và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc nền độc lập, hòa bình của dân tộc; thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, tập 8, tr.26.

2.  Cương lĩnh của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam công bố ngày 29/5/1946.

3.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

4.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.480.

5.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, H, 2011, tr. 65.

6.   Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr. 27-28.

7.   Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 244.

8.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158.

9.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 611.

10.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 27.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr. 159.

Trần Thị Nhẫn - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh