Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Đột phá từ Trung ương

(Mặt trận) - Khi Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” thì đó không chỉ là vấn đề về tổ chức bộ máy mà hơn thế, chính là tương lai phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển vươn tầm

Dấu ấn hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1924 - 1927

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội: Xóa nhà tạm, nhà dột nát đã có các giải pháp rất cụ thể

Hội nghị lần thứ Mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII diễn ra từ ngày 18-20.9.2024 

Năm 2017, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Chuyên đề giám sát được tiến hành khi chủ trương cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách tổ chức bộ máy đã được Đảng ta đề ra gần 30 năm. Dù thế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, và quan trọng hơn, động lực cải cách bị suy giảm. Kết thúc cuộc làm việc với các bộ, ngành, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội khi ấy là Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chia sẻ rằng, “cơ quan nào cũng kêu khó thì công cuộc này còn trần ai lắm!”.

Cũng trong năm đó, Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 7 năm qua, công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã có những chuyển động tích cực. Dù thế, sức ỳ của bộ máy còn rất lớn. Sự đột phá mà Trung ương và Quốc hội mong muốn sau khi có 2 nghị quyết trên vẫn chưa đạt được. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong phiên họp sáng qua đặc biệt nhấn mạnh “chúng ta phải thừa nhận là bộ máy hành chính của chúng ta rất cồng kềnh, qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thể sắp xếp được”.

Ở bình diện rộng hơn - với tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong Bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”: “vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”.

Những hệ lụy của một bộ máy như vậy đã bộc lộ rất rõ trong thực tiễn phát triển của đất nước vừa qua. Chính vì thế, khi Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” thì đó không chỉ là vấn đề tổ chức bộ máy mà hơn thế, chính là tương lai phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Gần 40 năm đổi mới cũng là gần 40 năm chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, khi tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2017 đã nhận xét, “các tư tưởng đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy của Đảng đã chưa được chấp hành đầy đủ và rất lúng túng khi thực hiện”.

Trong 7 năm qua, Đảng và Nhà nước vẫn đang quyết liệt tháo gỡ, khắc phục những điểm nghẽn về cải cách tổ chức bộ máy, đặc biệt là những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực, kỷ luật công vụ và kỷ luật Đảng. Đây là nền tảng cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Bước đột phá để thực hiện cuộc cách mạng này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII vừa qua. Đó là “tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”; là, “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường, sáng tạo hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các địa phương”; là “tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước”; là “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới”; là “đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong Đảng; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương thức, nguyên tắc, đường lối công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở”…

Những nhiệm vụ hệ trọng nêu trên được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong phần những vấn đề lớn tiếp tục hoàn thiện Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhưng ngay sau Hội nghị, chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy đã được thực hiện ngay. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, ở Trung ương đã có kết luận của Bộ Chính trị, thành lập Ban Chỉ đạo và có kế hoạch sắp xếp ở Trung ương. "Tới đây, Trung ương như thế nào thì địa phương sẽ như thế đó”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Với sự quyết liệt cả trong quan điểm, chủ trương và hành động từ cấp Trung ương như vậy, cuộc “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị” dù sẽ rất khó khăn, phức tạp, nhưng chắc chắn sẽ thành công và phải thành công! Đó cũng là trọng trách của Đảng đối với đất nước, với Nhân dân!