Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế vận hành nguyên tắc tập trung dân chủ

(Mặt trận) - Cơ chế vận hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được xây dựng bởi các thể chế, chế độ và quy định theo đường lối chính trị, được thực hiện bằng tổ chức các cấp và các cá nhân đảng viên một cách thống nhất. Để tiếp tục đổi mới, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ hiện nay, cần tiếp tục bổ sung và hoàn tất một số phương diện chủ yếu.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: TTXVN 

Trước hết là thể chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ về chính trị

 Đảng lãnh đạo bằng đường lối chính trị và các quyết sách chính trị một cách toàn diện đối với toàn bộ xã hội và xây dựng, chỉnh đốn nội bộ Đảng. Để việc xây dựng và ra các quyết sách đó thật sự đúng đắn, cần hoàn thiện chế độ thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm mối quan hệ chính trị gia - chiến lược gia - kỹ trị gia - khoa học gia ở tầm vĩ mô trong công tác lý luận thật sự dân chủ nhằm thu hút một cách rộng rãi nhất và phát huy trí tuệ của đông đảo các chuyên gia trên các lĩnh vực trong môi trường nghiên cứu dự báo phát triển một cách tự do, cầu thị và sáng tạo, vì mục tiêu phát triển chung.

Ở tất cả các cấp của Đảng, trước những vấn đề lý luận mới mẻ và thực tiễn phức tạp, phải được bảo đảm bằng chế độ nghiên cứu và tổ chức thí điểm một cách hệ thống, thận trọng với thái độ cầu thị, trân trọng, khuyến khích và bảo vệ mọi sáng kiến khác nhau của mọi đảng viên gắn chặt với quy chế hóa trách nhiệm một cách minh bạch theo quyền, trách nhiệm cá nhân và tổ chức. Dân chủ trong thảo luận và xác quyết là con đường ngắn nhất để tiếp cận đúng đắn sự thật, quyết định chính xác công việc lãnh đạo, cầm quyền về chính trị. Đặc biệt, các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp trước hết phải nêu gương và định chế bảo vệ, phát triển công việc rất cơ bản và quan trọng này.

Thứ hai là thể chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ về tư tưởng

“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”[1]. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp phải là mẫu mực về tấm gương dân chủ và kỷ luật. Mất dân chủ trong việc thảo luận và quyết sách về đường lối và nghị quyết chính trị dù ở bất cứ cấp nào nhất định sẽ mất tập trung về hành động, sẽ buông lỏng kỷ luật và thất bại là không tránh khỏi.

Vì vậy, để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật”[2], cùng với định chế về bảo đảm và phát huy dân chủ đồng thời định chế về giữ vững và bảo vệ kỷ cương, kỷ luật của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng. Cùng với việc tôn vinh cống hiến của đảng viên trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời cụ thể hóa các điều không được làm đối với đảng viên trong nói, viết, tuyên truyền hợp thành chế độ vừa phát huy dân chủ, thúc đẩy sáng tạo, vừa bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật trong công tác tư tưởng của Đảng.

Thứ ba là thể chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ về tổ chức, về Đại hội Đảng

Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định bảo đảm Đại hội đại biểu toàn quốc thật sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng; đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên là cơ quan lãnh đạo có vị trí, vai trò cao nhất trong tổ chức đảng, loại bỏ sự hình thức của đại hội đảng ở các cấp.

Về thực hiện thẩm quyền của tổ chức đảng các cấp, tiếp tục ban hành và hoàn thiện hệ thống quy định về việc tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình bảo đảm không trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm thẩm quyền, trách nhiệm dẫn tới tình trạng ban hành các nghị quyết sai, trái và vượt thẩm quyền.

Về bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, bầu người đứng đầu trong các tổ chức của Đảng, bổ sung quy định về chế độ bầu cử theo hướng mở rộng bầu cử trực tiếp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến năm 2030. Để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức và dân chủ bắt buộc trong bầu cử, theo tinh thần mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, cần giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn, quy định bắt buộc có số dư trong giới thiệu ứng cử và bầu cử cấp ủy và cả các chức danh là người đứng đầu. Đồng thời, bên cạnh đó, cũng cần tập trung nghiên cứu thực hiện chế độ để những người tham gia bầu có thể bãi miễn đại biểu do mình bầu ra.

Về thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng và vai trò của người đứng đầu, cần hoàn thiện các quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo (cấp ủy, ban thường vụ, ban cán sự đảng...) về quyết sách những vấn đề căn bản và quan trọng lớn của tổ chức đảng, về sự quản lý trực tiếp người đứng đầu; đồng thời, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân là thành viên tập thể lãnh đạo, người đứng đầu (nhất là bí thư, các phó bí thư cấp ủy) song song với hoàn thiện các thiết chế kiểm soát quyền lực bằng chế độ kiểm tra, giám sát, bỏ phiếu bất tín nhiệm... Hoàn thiện quy định riêng về chế độ tổ chức, chế độ làm việc của thường trực cấp ủy, ban cán sự đảng và đảng đoàn, về chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp với cơ cấu tổ chức đặc biệt (hình thành không do bầu cử trực tiếp). Trong trường hợp bí thư cấp ủy đồng thời giữ chức chủ tịch UBND, phải bố trí thường trực cấp ủy đủ 3 thành viên. Hoàn thiện thể chế tuyển chọn người đứng đầu cấp ủy các cấp phù hợp, trước hết phải là người hội đủ tối thiểu 5 tư chất: tầm nhìn, danh dự, trung thực, trong sạch, quyết đoán và tận tâm.

Chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm phát huy dân chủ song hành với với tuân thủ kỷ luật, giữ vững kỷ cương, phòng ngừa tình trạng tùy tiện giữa nói và làm, chấp hành không nghiêm kỷ luật của Đảng thống nhất với pháp luật của Nhà nước; khắc chế tình trạng “theo đuôi số đông”, “chia bè kéo cánh”, chia rẽ nội bộ, “cá nhân lãnh đạo nhưng tập thể lại chịu trách nhiệm”.

Về thực hiện quyền và nhiệm vụ của đảng viên, cần cụ thể hóa các quy định thực sự bình đẳng bảo đảm thực hiện dân chủ các quyền của đảng viên về: quyền được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng; quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương; quyền phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời; quyền trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình. Xem xét, bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp suốt nhiệm kỳ nhằm bảo đảm sự giám sát và kiểm tra những quyết sách của đại hội, trước hết, trực tiếp và quan trọng nhất là, về chính trị, nhân sự trong thực tiễn sau đại hội và trọn vẹn nhiệm kỳ.

Về thực hiện chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số: Hiện nay, dù Điều lệ Đảng quy định việc đảng viên được quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến bảo lưu đó sẽ được báo cáo với các cấp ủy cấp trên; và trong khi chờ cấp trên xem xét, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của tổ chức đảng, không được truyền bá những quan điểm, ý kiến trái với nghị quyết của Đảng, nhưng hiện nay chưa có một quy định riêng hướng dẫn việc thực hiện quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên, nên việc thực hiện quyền bảo lưu ý kiến là vẫn đang là “khoảng trống”. Do đó, cần xây dựng quy định về chế độ bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số, gồm: về quyền được bảo lưu ý kiến; về quyền được theo dõi và kiểm tra ý kiến của mình; về quy trình và thời gian xử lý của cấp ủy có thẩm quyền xử lý ý kiến bảo lưu; về quyền và trách nhiệm của đảng viên có ý kiến được bảo lưu; về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng bảo lưu mang tính hình thức; về ngăn ngừa sự lợi dụng, lạm dụng quyền dân chủ của một số đảng viên trong bảo lưu, phát tán ý kiến cá nhân vô nguyên tắc... bảo đảm vừa thực hiện tốt tập trung vừa bảo đảm quyền lợi chính trị thật sự dân chủ của đảng viên vừa bảo vệ đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số nguy cơ bị vô hiệu hóa.

Thứ tư là thể chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và thay thế xứng đáng người có đức, có tài theo hướng đa nguồn, đa hình thức và đa cấp độ; hoàn thiện chế độ ràng buộc trách nhiệm về chính trị, đạo đức và kinh tế với người đề cử, tiến cử trong công tác nhân sự nhằm chống tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; đồng thời, tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc trong công tác cán bộ.

Hoàn thiện chế độ kiểm tra, giám sát tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những hiện tượng chạy chức chạy quyền, tình trạng tự đặt tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, những sự áp đặt, làm sai lệch bản chất nhằm vụ lợi cá nhân, phe nhóm hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu hoặc thực hiện quy trình công tác cán bộ; tình trạng nhân thân (vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột…) lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của những người có trọng trách về công tác cán bộ để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lựa chọn, kiểm soát chặt chẽ và sàng lọc thường xuyên đội ngũ những người làm công tác cán bộ; đổi mới việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Thứ năm là thể chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổng thể thực thi phương thức lãnh đạo, cầm quyền

Về xây dựng và thực hành đạo đức lãnh đạo, cầm quyền, “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”[3]. Theo đó, tiếp tục bổ sung quy định về tư cách phẩm hạnh cá nhân người đứng đầu cấp ủy, các cấp ủy viên và đảng viên phù hợp và thống nhất với Luật Công chức và các đạo luật khác. Ở phương diện đạo đức tầm vĩ mô, đây là nhân tố căn bản để tiến tới có thể xây dựng một bộ luật về đạo đức quy định đạo đức hành động và hành động đạo đức.

Về kiểm tra, giám sát và thực thi kỷ luật, thực hiện chặt chẽ chế độ kiểm tra, giám sát và kỷ luật các cơ quan ra quyết định của tổ chức đảng các cấp, đảng viên vi phạm kỷ luật trên cơ sở nguyên tắc, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp trên và chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, Nhân dân và Đảng cũng là một”[4].

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện thể chế về kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về không bố trí những người có quan hệ nhân thân (vợ, chồng; bố, mẹ của vợ hoặc chồng; con, anh chị em ruột…) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan (bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra) cùng cấp ủy; cùng địa phương (chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp, thành viên cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn); người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong có quan hệ cùng quê quán hoặc thân tộc... “Không giữ vững kỷ luật của Đảng, không kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, không thiết tha quan tâm đến lợi ích của Đảng - là trái với nghĩa vụ của đảng viên”[5].

Về thực hiện chế độ thông tin, chế độ báo cáo và thông báo hoạt động của cấp ủy, thiếu thông tin hoặc độc quyền thông tin nhất định lâm vào tình trạng không có quyết sách đúng đắn; đồng thời nảy nòi, dung dưỡng sự độc đoán, vụ lợi và thao túng nội bộ, đồng thời gây nhiễu loạn tình hình, vô hình tạo môi trường cho các luồng thông tin xấu độc thâm nhập, thậm chí dẫn dắt quyết sách, phá rối tổ chức. Do đó, tiếp tục đổi mới quy định của Đảng về quyền được thông tin của đảng viên (và nhân dân); về quyền và trách nhiệm thông tin của người đứng đầu, cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định cụ thể về chế độ cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất tự phê bình và phê bình; về chế độ hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp; về báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước cấp dưới; về quyền và trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội các cấp… Tất cả thật sự phải là một “kênh” kiểm soát quyền lực trong và của Đảng…

Về hoàn tất những điều kiện cần và đủ thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ, thực thi tái cấu trúc tổ chức hệ thống và bộ máy đảng và hệ thống chính trị liên thông, tinh nhuệ và hiện đại. Tổng rà soát và sắp xếp tổng thể các tổ chức đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị bảo đảm không vùng trống và không vùng trắng tổ chức đảng và đảng viên trên bất cứ phương diện nào, địa bàn nào và lĩnh vực nào. Lựa chọn công cụ bảo đảm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, công việc quản trị của Nhà nước và thể chế hoạt động của các thành viên hệ thống chính trị một cách hiện đại và chuyên nghiệp. Tin học hóa và số hóa toàn bộ công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Hoàn thiện, bảo đảm thống nhất Điều lệ, quy định của Đảng và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội với hệ thống pháp luật của Nhà nước một cách tổng thể, đồng bộ và thống nhất.

-------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 378

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 17.

[3] (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đd, t.I, tr.184.

[4] 6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 11       

[5] (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 284