(Mặt trận) - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, thực hiện miễn nhiệm, từ chức,... theo quy định của Đảng, Nhà nước; vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
|
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai_Nguồn: ubkttw.vn |
Những kết quả đạt được
Nhìn lại 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn, thể hiện qua số lượng vụ án được xử lý ngày càng nhiều, trên hầu hết lĩnh vực, ở tất cả địa phương. “Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng”(1). Ngành thanh tra, kiểm toán nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc; tập trung thanh tra, kiểm toán các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. “Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can”(2).
Những kết quả nêu trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ và có “sức bật mới”, ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn rất cam go, đầy khó khăn, thách thức, vì thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và được “ngụy trang”, “che đậy” rất kín đáo, hòng “lách luật”, tìm mọi cách để “qua mặt” các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước; do đó, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định thật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh này.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận; cụ thể là:
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã thể hiện sự nhất trí, đồng lòng, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, qua đó tạo ra chuyển biến về chất trong nhận thức và hành động, bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, các quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành theo hướng cập nhật, đồng bộ, kịp thời(3). Những quy định này đã cập nhật đầy đủ, rõ ràng những hành vi vi phạm mới của tổ chức đảng, đảng viên; qua đó, góp phần khắc phục “kẽ hở” trong quy định của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, với quyết tâm cao; một số lĩnh vực, một số trường hợp đã từng được coi là “ngoại lệ”, “vùng cấm”, thì nay được tăng cường, chú trọng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với những vi phạm. Việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cấp tỉnh đã tạo ra sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức, bộ máy hoạt động, thể hiện rõ tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
Thứ tư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã kịp thời công khai kết luận kiểm tra, kết quả giám sát, quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật cá nhân, tổ chức vi phạm một cách công khai, minh bạch, giúp định hướng đúng dư luận xã hội; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát động đội ngũ cán bộ, đảng viên và huy động nhân dân cùng tham gia giám sát, đồng hành cùng với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nhận diện một số vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng cần tập trung xử lý hiệu quả
Một là, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một “cuộc chiến” rất cam go với nhiều khó khăn, thử thách, trong khi các thế lực thù địch lại thường xuyên lợi dụng, thổi phồng, bóp méo… để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ. Trong bối cảnh đó, cần “phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”(4).
Hai là, Đại hội XIII của Đảng đã tách công tác cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức ra thành một nội dung riêng trong công tác xây dựng Đảng, do đó xây dựng Đảng bao gồm các mặt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(5). Tuy nhiên, hiện nay, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều bất cập; do đó, một mặt, sẽ khó thu hút được người tài vào bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, vào các cơ quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng; mặt khác, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức băn khoăn, dao động trước sự cám dỗ của các lợi ích vật chất và phi vật chất, dễ sa ngã, vi phạm pháp luật.
Ba là, cần phải khẳng định rằng, hành vi tham nhũng, tiêu cực là rất khó bị “phanh phui” và có được chứng cứ rõ ràng, vì đây là một “vòng khép kín”, với nhiều lợi ích đan xen, chằng chịt, sẵn sàng bao che, bảo vệ nhau. Khi người đưa hối lộ, người nhận hối lộ, kẻ môi giới hối lộ đều có tội thì khi đó, các đối tượng thường quanh co, che giấu, thậm chí tìm mọi cách đối phó với các cơ quan chức năng, khiến cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở nên rất phức tạp, khó lường. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Phát hiện đã khó nhưng xử lý phải nghiêm. Ta muốn xử lý nhanh nhưng bao nhiêu công đoạn, một vụ án chằng chịt bao nhiêu mối quan hệ, giám định kê khai có đúng không, giám định người khai có đúng không... rất phức tạp. Chưa kể nhiều lần nói đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, ông mất chân giò, bà thò chai rượu... những quan hệ lằng nhằng với nhau”(6).
Bốn là, các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có, nhưng so với diễn biến thực tế hiện nay, thì vẫn còn chưa bao quát được hết tính chất phong phú và phức tạp của đời sống xã hội đang diễn ra hằng ngày; do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xây dựng thêm những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn để có thể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nên đã không giữ được mình, dẫn đến sa vào chủ nghĩa cá nhân, có hành vi sách nhiễu nhân dân, doanh nghiệp, tiêu cực trong công tác và thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào””(7). Việc xử lý thuyết phục chính là ở chỗ vừa nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa rất nhân văn, thấu tình đạt lý, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Tổng Bí thư từng nói: “Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình; hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”(8). Điều quan trọng nhất ở đây chính là củng cố, bảo đảm, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với hệ thống chính trị và chế độ.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh trong nội bộ, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhằm không để xảy ra hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vị thế, uy tín của một Đảng duy nhất cầm quyền, được nhân dân tin tưởng, giao phó. “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó, để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”(9). Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì và đồng bộ các biện pháp; lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính, không chỉ nhằm mục đích trừng trị.
Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mới nâng cao được trách nhiệm, có thái độ và động cơ đúng đắn, có ý chí quyết tâm cao, tích cực, tự giác thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố một cách hiệu quả, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch. Phát hiện từ sớm, từ xa, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, góp phần khắc phục hạn chế và hậu quả của tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật. Xử lý kịp thời và thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ phẩm chất, năng lực, đức, tài để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chất lượng, hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực”(10). Cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thực sự là người nêu gương về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc, trách nhiệm được giao.
Thứ tư, tổ chức và thực hiện tốt, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao hiện nay.
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường kiểm soát một cách thực chất, hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, thì bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là điều kiện kiên quyết để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị lạm dụng. Theo đó, cần có biện pháp phù hợp để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật, cơ quan và tổ chức có sự phản hồi chính xác, kịp thời ý kiến của nhân dân; đồng thời, phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và toàn xã hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, thực hiện tốt hoạt động phối hợp của các chủ thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong tổ chức thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luậtđể tăng cường sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.
Tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hộichính là thực hiện tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, nhằm tổ chức, động viên nhân dân phát hiện, tham gia góp ý, phê bình hành vi, việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lan tỏa cả về chiều rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Thứ sáu, thực hiện tốt, nền nếp, thường xuyên công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rút ra bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục vận dụng hiệu quả trong tình hình mới. Qua tổng kết thực tiễn, các cơ quan chức năng có thể rút ra kinh nghiệm quý, mô hình hay, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xây dựng, hình thành và bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
PGS, TS LÊ VĂN CƯỜNG - TS MAI VIỆT BÁCH
Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Tạp chí Cộng sản
…………………………….
(1), (2), Hiền Hòa: “Năm 2023, kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 1-2-2024, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nam-2023-ky-luat-19-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-658953.html
(3) Như: Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022, của Bộ Chính trị, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 1-8-2022, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “Về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”; Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022, Kết luận của Bộ Chính trị, “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”.
(4) Xuân Linh: “Tổng Bí thư: Diệt chuột đừng để vỡ bình”, Báo điện tử VietNamnet, ngày 6-10-2014, https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 280
(6) Xuân Linh: “Tổng Bí thư: Diệt chuột đừng để vỡ bình”, Báo điện tử VietNamnet, ngày 6-10-2014, https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html
(7) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 117
(8) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 118 - 119
(9) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 24
(10) Hương Giang: “Không liêm, không sạch không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”, Báo Thanh tra điện tử, ngày 27-11-2020, https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/khong-liem-khong-sach-khong-noi-duoc-ai-khong-kiem-tra-giam-sat-khong-ky-luat-duoc-nguoi-khac-174796.html
Theo Tạp chí Cộng sản