Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới

(Mặt trận) - Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới (Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022).

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 

Sau khi nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Tờ trình số 06-TTr/BCĐTW, ngày 29/7/2022 của Ban Chỉ đạo), ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận:

Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X, công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ, công tác nhân đạo có chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy, cán bộ hội chữ thập đỏ các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp ngày càng phong phú, thiết thực, đóng góp tích cực, có hiệu quả trong công tác nhân đạo, bảo đảm an sinh xã hội và hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có mặt, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực tham mưu chính sách, vận động nguồn lực hoạt động nhân đạo của một số tổ chức và cán bộ hội còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan trong công tác nhân đạo chưa được xây dựng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí cán bộ làm công tác hội chữ thập đỏ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác nhân đạo và vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới

Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng, hội chữ thập đỏ các cấp và nhân dân về công tác nhân đạo. Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh, tiến bộ xã hội của địa phương, đất nước.

Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo. Khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị.

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, tích cực thực hiện công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, cổ vũ gương “Người tốt, việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo

Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hoạt động chữ thập đỏ và các văn bản liên quan. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo.

Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác nhân đạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và điều kiện để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp

Củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở; tập trung phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư... Phát huy vai trò các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động; mỗi hội viên, tình nguyện viên là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu chính sách, vận động nguồn lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, tính chuyên nghiệp và tinh thần tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ an sinh xã hội và thực tiễn địa phương, đơn vị; hướng về cơ sở, lấy con người làm trung tâm; kết hợp giữa giúp đỡ trực tiếp, trước mắt với hỗ trợ lâu dài về sinh kế; mở rộng phạm vi giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, công sức, trí tuệ; lan tỏa sâu rộng truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, giá trị nhân văn của công tác chữ thập đỏ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

4. Đẩy mạnh phối hợp hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo; tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến các đối tượng khó khăn, yếu thế. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, nhân ái; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người; sơ, cấp cứu dựa vào cộng đồng; phòng ngừa và ứng phó thảm họa...

Tăng cường tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia hoạt động chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện.

Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính, phân bổ nguồn lực tài trợ, giúp đỡ... bảo đảm đúng quy định, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ và đối tượng thụ hưởng.

5. Tổ chức thực hiện

Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW và Kết luận này.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bảo đảm đồng bộ, thống nhất; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, từ thiện.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với đảng đoàn, cấp ủy các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia hoạt động chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện.

Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động chữ thập đỏ; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh.

Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW và Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.