Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

(Mặt trận) - Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 13/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Tọa đàm 

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thái Học cho biết, triển khai kế hoạch Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, hiện nay Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện nội dung Đề án để chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII. Tọa đàm khoa học hôm nay nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Việc chọn chủ đề “Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” làm chủ đề tọa đàm nhằm để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, phân tích sâu về cơ sở lý luận, thực tiễn của mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; qua đó thu hoạch, chắt lọc ý kiến xác thực, phù hợp phục vụ hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII.

Đồng chí Nguyễn Thái Học đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữa kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các nhiệm vụ, giải pháp khác nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong mối quan hệ này, đâu là nhân tố quyết định, đâu là nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện ngay. Làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là hiện nay chúng ta đang nghiên cứu tham mưu ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án này cũng đang gấp rút hoàn thành để trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII cùng với Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng).

Đồng chí cũng đề nghị các ý kiến đề xuất xác định những nhiệm vụ, giải pháp đối với kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Tọa đàm, đã có 11 ý kiến phát biểu, trao đổi, nhiều ý kiến phân tích, thể hiện rõ quan điểm về một số vấn đề đang quan tâm như hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp của Quốc hội… nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, dẫn chứng cụ thể, chi tiết thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị chu đáo về nội dung tham luận.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu, là các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia đã dành nhiều thời gian, tâm huyết góp ý nhũng ý kiến bổ ích, có chất lượng cao.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương một lần nữa khẳng định, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có mối liên hệ chặt chẽ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới vừa xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, vừa tác động tích cực đến Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị với tư cách là đối tượng chịu sự lãnh đạo của Đảng; tạo tiền đề, cơ sở để kiểm soát hiệu quả quyền lực của Đảng và Nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Ngược lại, tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhân tố thúc đẩy đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, là tiêu chí đánh giá tính đúng đắn, hiệu quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và cùng có chung mục tiêu với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Do vậy, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhiều lần nhấn mạnh: Phải tăng cường kiểm soát quyền lực, phải nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ lâu dài, không ngừng, không nghỉ và đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể tách rời nhiệm vụ kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà phải gắn kết chặt chẽ với nhau và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ đề của Tọa đàm lần này một lần nữa làm rõ hơn các khái niệm, yêu cầu và nhiệm vụ, cũng như bổ sung những phướng pháp mới trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Với những ý kiến thảo luận, đề xuất tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Quang Dương đề nghị Tổ biên tập, Tổ giúp việc tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm, đưa những nội dung thiết thực, có giá trị vào Đề án, báo cáo trình các cơ quan có liên quan, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Hội nghị Trung ương 6 sắp tới./.