Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức Hội trên phạm vi cả nước

(Mặt trận) - Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 93.425 hội, gồm 571 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù) và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương (trong đó có 28.940 hội có tính chất đặc thù). Các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước đã được giao 686 biên chế.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Nhiều hội viên đã có những mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả tại khu dân cư. Ảnh: TTXVN

Cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước

Bộ Nội vụ cho biết, về cơ bản, mô hình tổ chức và hoạt động của các hội phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội, đa dạng về hình thức tổ chức. Các hội đã thể hiện vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đông đảo hội viên tham gia vào các hoạt động, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều hội có các hoạt động nổi bật trong một số lĩnh vực như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường hiểu biết hữu nghị giữa các quốc gia, các dân tộc, tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ), các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (hội có tính chất đặc thù, trong đó có hội được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và 10 hội được thành lập đảng đoàn để lãnh đạo hoạt động) đã phát huy tốt vai trò, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Các hội tham gia ngày càng nhiều hơn vào hoạt động cung ứng dịch vụ, xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; văn hóa, thể dục thể thao; bảo vệ môi trường... Các hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có hội viên là các tổ chức kinh tế hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại, mở rộng hoạt động tiếp thị, tư vấn, hỗ trợ thị trường. Các hội hoạt động trong lĩnh vực xã hội nhân đạo từ thiện đã hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với nạn nhân chất độc da cam; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ…

Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID -19 bùng phát, diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đã tích cực vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành phòng, chống dịch; tham gia ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho người dân vùng dịch, trợ giúp người dân bị mắc bệnh, đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ, ủng hộ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Những đóng góp kịp thời, thiết thực của các hội đã góp phần chung tay cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

28 hội có tính chất đặc thù được giao 686 biên chế

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật về hội, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền của công dân được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền lập hội. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng. Do vậy, Quốc hội chưa thông qua dự án Luật này. Trong thời gian chưa ban hành Luật về hội, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khắc phục những tồn tại, vướng mắc để tạo điều kiện cho các hội hoạt động hiệu quả trong tình hình mới.

Bà Thang Thị Hạnh cho biết, dự thảo thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính như: cơ chế chính sách đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (bỏ quy định hội có tính chất đặc thù); chế độ, chính sách của người làm việc tại hội; giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội, xử lý vi phạm pháp luật, quản lý hội sau cấp phép (đình chỉ hoạt động hội có thời hạn, xác định hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng); đẩy mạnh phân cấp theo Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức và công dân và hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về hội cho người làm công tác quản lý hội và người làm việc tại hội; kịp thời ban hành một số văn bản hướng dẫn, trả lời vướng mắc cho các địa phương, công dân, tổ chức trong quá trình thực hiện quy định pháp luật hội. Qua đó, giúp cho các cơ quan, đơn vị nắm bắt và thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của hội.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đảm bảo, tạo điều kiện để công dân, tổ chức thực hiện quyền lập hội theo tinh thần Hiến pháp 2013, chủ trương của Đảng về hội quần chúng. Việc cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ Nội vụ, các địa phương đã triển khai, đẩy mạnh thực hiện thủ tục về hội thuộc phạm vi quản lý qua Bộ phận Một cửa. Năm 2021, Bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ đã tiếp nhận 299 hồ sơ liên quan đến hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hồ sơ thực hiện 100% trên môi trường điện tử.

Các hội không được công nhận là hội có tính chất đặc thù hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải, kinh phí hoạt động. Hiện trên 30% hội có trụ sở do Nhà nước hỗ trợ, 10% thuê và 3% tự có; còn lại các hội mượn nhà của hội viên làm trụ sở. Trong quá trình hoạt động, các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, điều kiện hoạt động khi thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cũng theo bà Thang Thị Hạnh, theo quy định của pháp luật, các hội có tính chất đặc thù được cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao. Đến nay, đã giao 686 biên chế cho 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động phạm vi cả nước; đã giao 16.452 biên chế hoặc định biên cho 28.940 hội đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương. Để bảo đảm ổn định cho các hội có tính chất đặc thù hoạt động, tránh xáo trộn, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm vẫn giao biên chế cho các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế (ổn định từ năm 2015 đến nay).

Việc giao biên chế hoặc định biên cho hội có tính chất đặc thù tại địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong văn bản thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hàng năm đối với các địa phương, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương tách biên chế hội có tính chất đặc thù thành một mục riêng để quản lý cho phù hợp quy định.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, tổ chức, hoạt động của hội và công tác quản lý nhà nước về hội còn một số hạn chế, tồn tại, khó khăn. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng còn chưa kịp thời. Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, đến nay đã phát sinh nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và điều lệ trong quá trình hoạt động; chưa có quy định đình chỉ hoạt động của hội và thu hồi con dấu khi hội có mâu thuẫn nội bộ và vi phạm pháp luật. Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành đối với tổ chức, hoạt động của các hội còn chưa rõ ràng, hiệu quả phối hợp chưa cao.

Về phía các hội, không ít hội chưa thực hiện được vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, chưa đại diện thực sự cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, chưa gắn hoạt động của hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số hội hoạt động còn mang nặng tính hình thức; chưa phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, khả năng tập hợp, thu hút hội viên; hoạt động kém hiệu quả. Các hội chưa chủ động trong tổ chức, hoạt động, một số hội còn xu hướng hành chính hóa hoạt động hội. Tổ chức và hoạt động của một số hội có xu hướng vụ lợi hóa, không tuân thủ nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”…