Sức mạnh từ tinh thần đoàn kết

(Mặt trận) -Sức mạnh từ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức luôn là động lực để Quảng Ninh đạt được những thành công thời gian qua. Đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, sức mạnh đó tiếp tục được lan tỏa, giúp Quảng Ninh chiến thắng dịch bệnh, giữ vững đà tăng trưởng, hoàn thành "mục tiêu kép".

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Tạo "lá chắn" chống dịch

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh cùng với cả nước phải đối phó với đại dịch Covid-19 lan rộng. Quảng Ninh là tỉnh biên giới; có đường biển, đường bộ, đường hàng không; số lượng người lưu thông vào/ra rất nhiều, nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn rất cao, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tạo thành một pháo đài chống dịch. Nhờ đó, trong gần 3 tháng qua, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thứ phát trong cộng đồng.

 Đoàn viên thanh niên TP Cẩm Phả tham gia hỗ trợ nhập dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Một minh chứng khác cho thành quả của sức mạnh từ sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng là Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất nước hiện nay. Đợt tiêm chủng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra an toàn, hiệu quả, không có bất kỳ trường hợp nào tử vong do tiêm chủng.

Đóng góp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này, cùng với lực lượng y tế, cán bộ công chức, viên chức cấp xã, phường, các tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng, lực lượng công an, quân sự, thanh niên tình nguyện, giáo viên, còn có các cán bộ tại thôn, bản, khu phố. Họ đã trở thành cầu nối quan trọng để đưa thông tin tới từng người, thay đổi căn bản nhận thức của người dân, giúp đa phần người dân hiểu rằng vắc-xin tốt nhất chính là vắc-xin được tiêm sớm nhất.

Ở khu phố Hai Giếng 2 (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả), từ cách đây 3 tháng, khi có chỉ đạo của tỉnh về chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, ông Trần Xuân Nhữ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu, đã đến từng hộ gia đình rà soát, nắm thông tin biến động dân cư, để lập danh sách những người đủ điều kiện tiêm. Sau khi rà soát, khu của ông có 600 người được tiêm vắc-xin đợt 1, trong đó có 300 người tuổi cao, gặp khó khăn đi lại. Để hỗ trợ người cao tuổi, ông Nhữ đã huy động các nguồn xã hội hóa bố trí 6 chuyến xe miễn phí đưa, đón người cao tuổi từ Nhà văn hóa khu đến điểm tiêm an toàn, thuận lợi. Đồng thời, cắt cử các lực lượng tham gia hỗ trợ người dân lên xuống xe, điều phối xe phù hợp, bố trí chỗ ngồi tại Nhà văn hóa... Nhờ đó, tất cả người dân được chỉ định tiêm của khu phố đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19.

 Người dân khu phố Hai Giếng 2 (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) trao ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19.

Hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19" của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khu phố Hai Giếng 2 đã phát động, vận động, kêu gọi cán bộ, nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ công tác phòng, chống dịch và Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, được gần 60 triệu đồng.

Ông Trần Xuân Nhữ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hai Giếng 2, chia sẻ: "Nhân dân khu phố rất vui mừng, yên tâm khi được sớm tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Để tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch thì ý thức của mỗi người dân rất quan trọng. Mỗi người dân khu phố đều nâng cao trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của các ngành, các cấp".

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã huy động tổng lực sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực, từ hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, đến dành cơ sở vật chất phục vụ làm nơi cách ly, tình nguyện làm công tác hậu cần phục vụ chống dịch...

 Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 khu vực Cổng tỉnh (TX Đông Triều) kiểm soát chặt chẽ người ra, vào.

Tại hội nghị sơ kết chiến dịch tiêm chủng diện rộng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Để tiếp tục giữ vững "vùng xanh" an toàn, cả hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phát huy cao độ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Mỗi người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, không tự mãn với kết quả bước đầu, phải luôn tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch. “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn là một pháo đài chống dịch và mỗi cơ quan đơn vị phải chủ động bảo vệ mình trước dịch bệnh”, đó là yếu tố quyết định hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới.

Chung sức hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số

 Công ty Than Hạ Long phấn đấu năm 2021 khai thác trên 1,8 triệu tấn than nguyên khai. Trong ảnh: Trung tâm điều hành điện, Phân xưởng Cơ điện khu Tân Lập.

Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, 9 tháng qua, Quảng Ninh liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, logistics cảng biển, thu hút FDI... Tuy nhiên, những khó khăn như: Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong nước; nguyên liệu đầu vào tăng cao; hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề..., cần tiếp tục có sự đoàn kết, đồng lòng để vượt qua, hoàn thành "mục tiêu kép", đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân. Sự đồng tâm không chỉ ở sự đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao với các giải pháp của tỉnh trong phòng, chống dịch, mà còn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Trong giai đoạn tăng tốc này, TKV và các đơn vị trong Tập đoàn đã tập trung vừa phòng, chống dịch, vừa tăng sản lượng, năng suất, tiết kiệm chi tiêu, đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh. Điển hình như Công ty Than Hạ Long, từ nay đến cuối năm, tổ chức điều hành sản xuất linh hoạt; tăng cường quản lý kỹ thuật, an toàn, quản trị chi phí; phát huy hơn nữa hiệu quả của công trình cơ giới hóa, chú trọng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất; đẩy nhanh tiến độ đào lò. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các gói thầu thuộc dự án Khe Chàm II-IV, đầu tư thiết bị hạ tầng mức -200m khu Tân Lập; ban hành đề án tái cơ cấu Công ty giai đoạn 2021-2025... Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2021 là khai thác trên 1,8 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ hơn 1,6 triệu tấn than, đào trên 22.600m lò xây dựng cơ bản...

 Công nhân Công ty Dệt may Weili Việt Nam (KCN VIệt Hưng, TP Hạ Long) đẩy mạnh sản xuất.

Sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức cũng đang lan tỏa ở những "nhân tố mới". Với quyết tâm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh, các doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến, chế tạo đang đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa nhà máy vào sản xuất ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) đang đẩy nhanh việc sản xuất linh kiện điện tử với mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi có giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD trong năm 2021. Công ty TNHH Sản xuất bột mì Vimaflour (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) vận hành 3 dây chuyền sản xuất bột mì, tổng công suất xay nghiền tối đa 1.500 tấn/ngày, phấn đấu đạt sản lượng sản lượng 378.000 tấn, nộp ngân sách cho tỉnh trên 145 tỷ đồng. Tập đoàn Vĩnh Trọng đẩy nhanh tiến độ đưa nhà máy dệt may thứ 2 - Công ty Dệt may Weili Việt Nam (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long), vào sản xuất ổn định...

Ông Hà Tử Văn, Giám đốc nhân sự Công ty Dệt may Weili Việt Nam, cho biết: Từ giữa tháng 8/2021, Tập đoàn đã đưa nhà máy thứ 2 tại KCN Việt Hưng vào hoạt động thử nghiệm. Đơn vị quyết tâm đưa nhà máy vào hoạt động chính thức vào tháng 11 tới đây. Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, đơn vị đang tích cực tuyển dụng lao động, nhập khẩu thiết bị, hoàn thiện nhà xưởng; đón chuyên gia nước ngoài về lắp đặt, vận hành, hướng dẫn sử dụng máy móc. Nhà máy sẽ gia công hoàn chỉnh sản phẩm mũ từ nguyên liệu vải cho các thương hiệu lớn để xuất khẩu sang thị trường quốc tế, thay vì chỉ gia công một phần như nhà máy đầu tiên. Tập đoàn cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa nhà máy sản xuất thiết bị dẫn điện, tản nhiệt và các sản phẩm chiếu sáng, doanh nghiệp vào hoạt động trong quý I/2022.

 Công nhân Công ty TNHH Jung Jin Electronics (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) bốc xếp thiết bị sản xuất linh kiện điện tử.

Càng khó khăn, sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng càng được người dân Vùng mỏ phát huy, nhân lên mạnh mẽ, giúp Quảng Ninh chiến thắng đại dịch, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Cao Quỳnh