Sự kiên quyết trong cuộc chiến chống 'giặc nội xâm' của Việt Nam

(Mặt trận) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hiệu quả từ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất để bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc bản chất của cuộc đấu tranh này cũng như phủ nhận những ảnh hưởng tích cực mà cuộc chiến mang lại.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Sáng 10/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tác phẩm "Kiên quyết chống 'giặc nội xâm'" cung cấp cho độc giả những đánh giá khách quan của giới chuyên gia, học giả quốc tế về cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, qua đó phản bác những luận điệu vu khống, xuyên tạc, thiếu thiện chí của các thế lực thù địch.

Tác phẩm gồm 2 bài: Bài 1 - Củng cố niềm tin và Bài 2 - Động lực phát triển

Bài 1: Củng cố niềm tin

Giữa lúc quyết tâm chính trị, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang lên cao thì các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để thực hiện các hoạt động chống phá. Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội và kênh truyền thông không thiện chí với Việt Nam như đài RFA, VOA… xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo về chiến dịch "đốt lò" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. 

Một số đối tượng bất mãn, chống đối ở trong và ngoài nước cho rằng Đảng ta “không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”, đồng thời đưa ra những thông tin bịa đặt, vu khống như “chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là cuộc đấu đá phe nhóm, thanh trừng nội bộ”,  thậm chí còn rêu rao rằng "Việt Nam đang trở nên bất ổn vì đấu đá quyền lực". Các đối tượng này cho rằng nhiều vụ việc tham nhũng còn "giơ cao đánh khẽ", "đánh trống bỏ dùi", "xử lý không đến nơi đến chốn". Thậm chí, chúng còn mượn chuyện chống tham nhũng để hướng vào chống đối chế độ, chống phá Đảng với những luận điệu như: "Tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo"….

Thực tế, dù cách thức, thủ đoạn có tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì những luận điệu của các phần tử chống đối, thù địch cũng chỉ là những tiếng nói lạc lõng, đi ngược lại đánh giá chung của dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế trong suốt thời gian qua về nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước  ta.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) mới đây đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, trong đó ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam đã tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020. Cũng theo TI, phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, theo thể chế tư bản chủ nghĩa. Việc coi tham nhũng là “căn bệnh kinh niên” của chế độ xã hội chủ nghĩa, hay “chế độ một đảng không chống được tham nhũng” là hoàn toàn sai lầm cả về lý luận và thực tiễn.

Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam lại quyết liệt và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận như thời gian qua. Hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý triệt để, đúng người, đúng tội, nhân văn. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, thu hồi lại tài sản quốc gia mà quan trọng hơn là củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, từ đó tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

Đảng ta xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, do vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực giống như chống “giặc nội xâm". Việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, được coi là "xu thế không thể đảo ngược" dù cuộc chiến này còn nhiều cam go, phức tạp.

Sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành kim chỉ nam thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lan tỏa mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, cả đương chức và nghỉ hưu, kể cả trong những lĩnh vực nhạy cảm;  không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhất là sau khi các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập tại 63 tỉnh, thành phố, cho thấy tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Chỉ sau một năm thực hiện, nhiều ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thể hiện nỗ lực lớn, quyết tâm cao, có những kinh nghiệm quý, cách làm hay cần phát huy, nhân rộng.

 Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong giai đoạn 10 năm từ 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng. Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore), đánh giá những biện pháp mạnh tay nhằm đưa ra ánh sáng các vụ việc nổi cộm và trừng phạt các quan chức cấp cao của Việt Nam thời gian qua được người dân và dư luận trong nước cũng như quốc tế ủng hộ và đánh giá cao, cho thấy sự nghiêm minh, quyết liệt trong cách tiếp cận đối với vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cũng cho thấy phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là khẩu hiệu suông mà đã trở thành biện pháp được thực hiện rốt ráo, thường xuyên nhằm đạt được mục tiêu lâu dài là loại bỏ tham nhũng, tiêu cực khỏi hệ thống chính trị. Điều này hoàn toàn trái với luận điệu mà các thế lực thù địch thường rêu rao là “xử lý không đến nơi đến chốn” .

Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Kotolov thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (LB Nga) nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất đúng đắn khi cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả những quan chức cao cấp vẫn phải bị kỷ luật và chịu trách nhiệm hình sự. Chuyên gia Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) của LB Nga Valeria Vershinina cũng cho rằng việc rất nhiều quan chức cấp cao bị cách chức là minh chứng cho thấy cách tiếp cận nghiêm túc và sự quyết liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực loại bỏ tham nhũng, tiêu cực.       

Theo chuyên gia Valeria Vershinina, chính sách chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang triển khai là rất kịp thời và đúng đắn về mặt chiến lược. Chiến dịch chống tham nhũng cùng với các tài liệu về vấn đề tham nhũng, trong đó có cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" cho thấy “Việt Nam và Đảng Cộng sản đang tìm cách xây dựng tầm nhìn về chống tham nhũng".

Với quyết tâm chính trị rất cao, công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có những bước tiến vượt bậc, tạo nên những cơ chế và hành lang pháp lý tương đối chặt chẽ và hiệu quả. Tiến sĩ Vijay Sakhuja thuộc Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ) khẳng định: "Những gì Việt Nam đã và đang làm  rất đáng được ghi nhận. Với tôi là người nước ngoài thì đó là sự công nhận quốc tế rằng Việt Nam đã tiến hành chống tham nhũng mạnh mẽ..... Trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam luôn được triển khai trên hai mặt: xây dựng chính sách và triển khai thực thi”.

Đề cập vai trò của người dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Kotolov nhấn mạnh: "Để đạt được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, cần phải có luật pháp nghiêm minh, sự tham gia tích cực của các thành viên trong cộng đồng. Tất cả các cơ sở đó đang có ở Việt Nam". 

Có thể lấy “thước đo” lòng dân để đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách thuộc Đại học Queensland (Australia), cho rằng nếu có chỉ số đánh giá mức độ tín nhiệm của người dân đối với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, chắc chắn chỉ số đó sẽ tăng qua từng năm, bởi “số vụ  tham nhũng được đưa ra xử lý công khai càng nhiều thì mức độ tín nhiệm đối với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam càng được nâng lên".

Cuộc chiến chống phòng, tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành, cũng như những đánh giá khách quan của các chuyên gia và học giả quốc tế là thực tế rõ nét nhất để đập tan những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch. Những kết quả không thể phủ nhận trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, giúp nhân dân thêm tin tưởng vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đúng như Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đã nhấn mạnh: “Chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2016 tới nay, là bước đi kịp thời, tích cực và hiệu quả trong việc đẩy lùi tham nhũng, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, tạo sự công bằng xã hội, đồng thời củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào phẩm chất, năng lực và uy tín cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sáng 19/6/2023. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Bài cuối: Động lực phát triển

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh tham nhũng sẽ kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội khi vấn nạn này làm mục ruỗng bộ máy thực thi, xói mòn động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và cả nền kinh tế cũng như làm lung lay lòng tin của nhân dân vào tương lai phát triển của đất nước.

Một trong những mục tiêu của Đảng ta khi đẩy mạnh quyết liệt cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh trong sạch, lành mạnh, minh bạch, tạo dựng niềm tin và nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thế nhưng, thời gian qua, các thế lực thù địch vẫn cố tình rêu rao những luận điệu rằng “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam” hay “cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện gây bất ổn môi trường chính trị và làm chùn bước các nhà đầu tư nước ngoài”.

Năm 2022, một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam đã bị khởi tố, bị bắt, như vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân hay vụ xét xử Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện… Ngay lập tức, các đài RFA, VOA… liên tục có những bài viết hướng lái dư luận rằng các “đại án” tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế làm hoang mang giới đầu tư, làm gián đoạn các giao dịch và có nguy cơ ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các thế lực này lợi dụng vụ việc để suy diễn rằng “cuộc chiến tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, khiến nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm giảm xuất khẩu”, hay “việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực, nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh,…”.

Cùng phụ họa với RFA, VOA là các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam đã chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm của người dân, nhất là giới doanh nhân, cán bộ trong bộ máy nhà nước. Bằng cách lan truyền những nhận định chủ quan mang tính quy chụp, các thế lực thù địch không chỉ có ý đồ làm suy giảm sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, mà sâu xa hơn, đó còn là âm mưu hòng khiến người dân mất lòng tin vào sự phát triển kinh tế của đất nước, từ đó làm mất động lực phấn đấu, xây dựng đất nước.

Thế nhưng, các thế lực thù địch không hiểu rằng nhận thức về tham nhũng trong xã hội Việt Nam hiện nay đã khác, và sự quyết liệt của hệ thống chính trị Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực “không vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy những nhân vật vướng vào vòng lao lý thời gian qua đều vì hành vi thao túng, gây rối loạn thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán - những lĩnh vực đã phát triển quá nóng thời gian qua. Việc kịp thời ngăn chặn sự bùng nổ của những thị trường bong bóng, làm trong sạch thị trường giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư chân chính vào xu hướng phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế Việt Nam, bởi tình trạng bong bóng, đầu cơ vốn là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trong quá khứ, như khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997.

Ông Park Min-jun thuộc Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) khẳng định rằng việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường tính minh bạch là “cách Chính phủ Việt Nam làm để tăng niềm tin vì điều đó sẽ có lợi hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam về dài hạn. Việt Nam đã xử lý nhanh vấn đề này”.

Có thể khẳng định rằng sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những yếu tố giúp môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng minh bạch, hấp dẫn. Theo Tiến sĩ Vijay Sakhuja thuộc Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ), minh bạch là nền tảng cơ bản, là cơ sở để các nước làm ăn với Việt Nam và thành quả chống tham nhũng những năm qua ở Việt Nam là đáng tự hào, bởi cuộc chiến chống tham nhũng đã góp phần tạo dựng lòng tin không chỉ ở người dân trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải khẳng định rằng phòng, chống tham nhũng không hề khiến guồng máy kinh tế chậm lại, mà thực sự tạo đà cho phát triển và là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Đầu tư nước ngoài và các hạng mục đầu tư của Việt Nam trong những năm qua liên tục ở mức cao và ổn định, là minh chứng cho thấy niềm tin của giới đầu tư ngày càng mạnh mẽ.

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới (báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, UNCTAD). Theo đánh giá, khảo sát của nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được xem là một điểm sáng trên toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất của Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh), Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý 2/2023 khi tăng tới 12 bậc, nhiều nhất trong số các quốc gia có bước tiến lớn nhất trong bảng xếp hạng của EIU.

Theo bảng xếp hạng năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trình độ phát triển thị trường của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021, trong đó chỉ số Tự do kinh tế tăng 6 bậc từ 90 lên 84. Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 ghi nhận Việt Nam tăng 3 điểm so với năm trước, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100, là một trong 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và 25 quốc gia trên thế giới được ghi nhận có những tiến bộ rõ rệt. Rõ ràng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã giúp tăng tính minh bạch và dễ dự đoán của thị trường - một trong những yếu tố quan trọng trong đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng việc Việt Nam thăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số nhận thức tham nhũng hay môi trường kinh doanh thời gian qua cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã có tác động và hiệu quả thực tế, giúp các nhà đầu tư quốc tế dễ dàng hơn trong hoạt động, giảm chi phí trong việc kinh doanh tại Việt Nam. Đây là những kết quả đáng ghi nhận, là chỉ số giúp đo lường hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia, nhận định kết quả này cho thấy bước tiến trong cải cách thể chế, hoàn thiện bộ máy chống tham nhũng, hiện thực hóa chiến lược chống tham nhũng thông qua những kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là quyết tâm và sự quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bản chất cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam cũng như ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều giống nhau, đều tác động đến tất cả các lĩnh vực theo chiều hướng tích cực và mang lại tương lai tốt đẹp cho người dân cũng như đất nước.

Giáo sư Chu Hoàng Long thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, hướng tới những mục tiêu lớn hơn, có ý nghĩa hơn, để các thế hệ sau có thể dành thời gian, nguồn lực vào những hoạt động đóng góp thiết thực hơn cho xã hội.

Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự đồng lòng, ủng hộ mạnh mẽ của người dân và sự ghi nhận, đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế sẽ càng tạo động lực vững vàng cho cuộc chiến này, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngày càng nâng cao vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Vì thế, những luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc bản chất cũng như hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam sẽ chỉ thêm lạc lõng, vô giá trị.