Sạch đẹp những thôn, làng

(Mặt trận) -Từ sự đổi thay trong nhận thức, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, từng bước làm cho môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Những con đường hoa cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các thôn, làng.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Những năm trước đây, người dân làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) thường có thói quen đốt rác trong vườn, chưa bỏ rác sinh hoạt đúng nơi quy định. Những loại rác thải như túi ni lông, rác sinh hoạt vứt bừa bãi càng làm cho môi trường sống ô nhiễm.

 Phụ nữ làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) chăm sóc công trình đường hoa phụ nữ. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU

Nay, những hình ảnh như vậy rất hiếm gặp. Thay vào đó, định kỳ vào cuối tuần, chi hội phụ nữ làng Hà Văn Trên vận động hội viên, phụ nữ đồng bào Bana tổ chức dọn vệ sinh tại các tuyến đường làng; nhắc nhở người dân quét dọn và sắp xếp nhà cửa ngăn nắp; chăm sóc các tuyến đường hoa… Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần tạo nên diện mạo xanh, sạch, đẹp cho làng.

Bà Đinh Thị Lược, người dân làng Hà Văn Trên, chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, tôi biết bảo vệ môi trường (BVMT) là việc làm cần thiết. Gia đình tôi đã được các hội viên hỗ trợ đào hố rác để tiện thu gom, tiêu hủy rác thải; xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở. Trong nhà giờ cũng đã có nhà vệ sinh hợp quy chuẩn. Hầu như nhà nào ở đây cũng có thói quen giữ vệ sinh nhà mình và nơi công cộng”.

Theo bà Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận, thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, Hội LHPN xã phối hợp với các ban, ngành tích cực vận động nhân dân tham gia hiệu quả các mô hình, phong trào như: Xử lý rác thải nhựa tại hộ gia đình; hố thu gom rác thải công cộng; trồng và chăm sóc cây xanh, hoa; thường xuyên quét dọn, thu gom rác góp phần thực hiện các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp… Qua đó, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Huyện miền núi Vĩnh Thạnh là địa phương có đông đồng bào dân tộc Bana sinh sống. Việc triển khai các giải pháp BVMT cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Minh Thông, hằng năm, huyện bố trí kinh phí khoảng 900 triệu đồng cho công tác BVMT, thu gom, xử lý rác thải, công tác truyền thông. Ngoài ra, các hội đoàn thể trong huyện còn xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động, nhân rộng các mô hình BVMT cho người dân tham gia như: Mô hình hộ gia đình phân loại rác tại nguồn, xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn…

“Với những giải pháp đồng bộ, công tác bảo vệ và cải thiện môi trường sống tại các vùng đồng bào DTTS trong huyện đã có nhiều tiến triển. Từ đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng lên đáng kể, tạo nên diện mạo, sức sống mới cho từng cộng đồng dân cư”, ông Thông cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), công tác BVMT ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Bằng những cách làm phù hợp, sáng tạo, hiệu quả của các địa phương, đơn vị, đồng bào DTTS đã nâng cao nhận thức hơn trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan, thay đổi tập quán sinh sống, sản xuất nhằm BVMT sống…

“Để nâng cao ý thức của người dân miền núi về BVMT, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường truyền thông và nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm thay đổi hành vi và thái độ, cách ứng xử của người dân để chung tay BVMT. Đồng thời, thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới… gắn với BVMT”, ông Cường nhấn mạnh. 

CHƯƠNG HIẾU