Quy định số144-QĐ/TW - Sự kế thừa, chắt lọc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

(Mặt trận) - Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là sự kế thừa, chắt lọc những yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu ra; không chỉ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, mà còn là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên, lâu dài đặt ra đối với cán bộ, đảng viên.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

ĐẠO ĐỨC LÀ GỐC CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG

“Đạo đức cách mạng” vốn đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ ra, yêu cầu người cán bộ cách mạng phải chú trọng rèn luyện từ thời dựng Đảng, vì trong tư tưởng của Người thì “đức” là gốc. Trong quá trình chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Quảng Châu, Trung Quốc, những học viên của lớp Huấn luyện chính trị đã được học về “Tư cách một người cách mệnh”. Đó chính là chuẩn mực đạo đức cần phải có mà Người yêu cầu mỗi người cách mạng phải thực hành; trong đó, “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(1).

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, trong từng hoàn cảnh cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều chỉnh, bổ sung một cách phù hợp những yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu và coi đó một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm phòng, chống và đấu tranh “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, không lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người không chỉ quan tâm xây dựng một Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân, mà còn đặc biệt chú trọng vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong một số tác phẩm như: Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945); Chính phủ là công bộc của dân (19/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945)... Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là những người “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng”, phải chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống những “lầm lỗi rất nặng nề” như “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”, “tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo” để “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2)...

Để phù hợp với yêu cầu thời kỳ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong mục III “Tư cách và đạo đức cách mạng” của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm”(3) - các đức tính đó chính là “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Theo đó, những cán bộ, đảng viên có đủ “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” là những người có đạo đức mới, không phải đạo đức “thủ cựu” - tức là “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu “mỗi đảng viên, trước hết là cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”(4)...

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2-1951 

Được bổ sung phù hợp với thời kỳ cả nước cùng đồng thời tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược (xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc), nội dung về đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày cụ thể, rõ ràng và toàn diện trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (12/1958). Theo Người, “đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(5); “là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng...”(6); là “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết” và “lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”…

Đặc biệt, trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thêm một lần khẳng định rằng “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(7). Cuối cùng, trong Di chúc, Người căn dặn “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(8)...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nêu trên và hiển hiện trong những bài nói, phát biểu, tác phẩm khác của Người là minh chứng cho thấy rằng: luận điệu “chẳng mấy ai” có thể hiểu được ngọn ngành cái gọi là “đạo đức cách mạng”, vì khái niệm đó “mông lung, chung chung” mà các phần tử cơ hội, bất mãn, phản động suy diễn chỉ là sự quy chụp, xảo biện cá nhân; chỉ là chiêu trò nói lấy được. Thực tế, với những người cộng sản nói chung, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, thì đạo đức là “gốc” và rèn luyện đạo đức cách mạng là yêu cầu không thể thiếu để mỗi người kiên định lý tưởng cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân, chứ không phải chỉ để “phụng sự Đảng” như các thế lực thù địch bẻ cong sự thật. Và cũng vì thế, luận điệu phản động “đạo đức là thứ xa lạ” với Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là xuyên tạc sự thật, là cố tình bôi nhọ những người cộng sản, cần phải bác bỏ.

QUY ĐỊNH SỐ 144 LÀ SỰ CHẮT LỌC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. Ảnh: VGP 

Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên muốn xứng đáng với vị thế của mình - Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn về mọi mặt. Một điều không thể phủ nhận là, nếu người cán bộ, đảng viên xa rời đạo đức cách mạng, thiếu sự tu dưỡng thì tất yếu sẽ trở thành thoái bộ, lạc hậu, suy thoái. Cho nên, trong tập thể của những con người ưu tú đó, việc có những người thụt lùi, thiếu trau dồi đạo đức cách mạng rồi sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật; đã bị khai trừ khỏi Đảng cũng là điều không tránh khỏi. Những phần tử thoái hóa biến chất đó (dù là cán bộ, đảng viên ở cấp nào) thì cũng không phải đại diện cho toàn Đảng, cho nên họ không thể làm lu mờ hình ảnh một Đảng chân chính không có mục tiêu nào khác là vì nước, vì dân.

Hơn nữa, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù sử dụng nhiều bí danh, bút danh khác nhau, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Trần Lực, T. L, XYZ, CB… thì những tác phẩm mà Người đề cập vấn đề đạo đức cách mạng; yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng phù hợp với yêu cầu của từng thời điểm, tình hình, nhiệm vụ cách mạng đều rất quan trọng, đều có ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực không thể bôi đen. Dù có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp bối cảnh cụ thể, song những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong những thời điểm khác nhau đều là những tiêu chuẩn quan trọng, cần thiết; là yêu cầu bắt buộc mỗi người cán bộ, đảng viên phải chú tâm, thường xuyên rèn luyện, tự soi, tự sửa trong mọi hoàn cảnh, để “giàu sang không thể quyến rũ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Uy lực không thể khuất phục”(9).

Vì thế, việc các thế lực thù địch lợi dụng vào một số sự vụ, cá nhân liên quan đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để quy chụp cả đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “là hư hỏng, là cơ hội, là chủ nghĩa cá nhân” chỉ là thủ đoạn chia rẽ để chống phá Đảng. Cũng không ngoài ý đồ xấu khi chúng tung ra luận điệu cho rằng sau hơn 60 năm rèn luyện đạo đức cách mạng (kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, tháng 12/1958) đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn chỉ là những người “đua nhau tham nhũng”, nên việc ban hành Quy định số 144 chỉ là “bình cũ mà rượu… không mới”(!).

Cần khẳng định, với 5 Điều quy định (Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời và từng nội dung cụ thể của mỗi Điều, cùng với Điều 6. Tổ chức thực hiện), Quy định số 144 được ban hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đây không chỉ là mệnh lệnh cần phải thực hiện để vun bồi đạo đức cách mạng phù hợp yêu cầu cụ thể của sự nghiệp cách mạng, mà còn là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm, sự trung thành, tâm huyết, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; sự dấn thân, hăng hái, vì nước, vì dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; uy tín, sự gương mẫu, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, sự đề kháng... của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

5 Điều với 19 nội dung cụ thể, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới trong Quy định số 144 chính là sự chắt lọc, kế thừa, làm mới những yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu ra. Nội dung các quy định này không chỉ thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo; sự nhất quán vể lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết trên mọi lĩnh vực, mà còn là thực thi nguyên tắc, biện pháp tu dưỡng đạo đức cách mạng có tính vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài đối với mỗi người cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng. 5 Điều trong Quy định số 144 thể hiện rõ mối quan hệ giữa xây và chống (xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết) trong rèn luyện đạo đức cách mạng; trong tổng thể xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đảm bảo để Đảng và hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh.

Quy định số 144 và những chuẩn mực đạo đức cách mạng được xác định cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn với bối cảnh đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những nội dung trong đó chắc chắn không phải là một “đòi hỏi trái ngược với thực tế” như các thế lực thù địch quy kết, bởi, với mỗi cán bộ, đảng viên thì nội dung thứ nhất của Điều 1: “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” là yêu cầu tất yếu, không hề mẫu thuẫn. Đồng thời, khi người cán bộ, đảng viên thực hiện 5 nội dung tại Điều 3 của Quy định số 144 mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh thì cũng tất yếu “nâng cao sức đề kháng” trước sự cám dỗ của vật chất, quyền lực, đủ tự trọng để “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Sự từ chức được nêu trong nội dung 5 của Điều 3 tại Quy định số 144 là sự kế thừa, phát triển từ Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; trong đó có việc cán bộ “tự nguyện xin thôi giữ chức vụ” do “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao” được nêu tại mục 1 Điều 6 của Quy định. Văn hóa từ chức vừa cho thấy sự “nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ. Từ đó có sức răn đe, cảm hóa lớn” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, vừa đồng thời khẳng định một sự thật là, trong công tác cán bộ và công tác nhân sự đều sẽ “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” chứ không phải là tranh giành, đấu đá, triệt hạ nhau vì phe cánh như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Vì thế, khi cả hệ thống chính trị đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng như hiện nay thì với việc thực thi Quy định số 144, đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm trọng trách của mình trong các cơ quan công quyền càng phải nghiêm khắc hơn với bản thân trong tu dưỡng và phấn đấu, nhất là phải biết “giữ mình” - tự mình kiểm soát quyền lực được giao với tinh thần tự soi, tự sửa và gương mẫu trong thực thi công vụ để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dăn. Đồng thời, tin tưởng chắc chắn rằng, việc nghiêm túc thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định số 144 không chỉ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực về cả nguyên tắc và hành động trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, mà còn thiết thực bác bỏ luận điệu phản động cho rằng “đạo đức cách mạng không có thật”, “chỉ là những câu khẩu hiệu cửa miệng...” mà các thế lực thù địch và phần tử xấu tung lên mạng xã hội./.

TS. VĂN THỊ THANH MAI - TS. TRẦN THỊ KIM NINH

________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.2, tr.280-281.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

(3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.291, 291.

(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603, 609.

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.547, 611-612.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50.