Quy định số 97-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do Bộ Chính trị quyết định thành lập, thành viên của Đảng đoàn do Bộ Chính trị quyết định

(Mặt trận) - Tại Quy định số 97-QĐ/TW ngày 7/2/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương đã đề cập đến một điểm mới là Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do Bộ Chính trị quyết định thành lập, thành viên của Đảng đoàn do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề nghị của Đảng đoàn (trong Quy định số 172-QĐ/TW, thành viên Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do Ban Bí thư quyết định). Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn nội dung Quy định quan trọng này.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”  làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam ngày 1/12/2022

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 97-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2023

 

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA ĐẢNG ĐOÀN, BAN CÁN SỰ ĐẢNG Ở TRUNG ƯƠNG

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,

Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và một số hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sau đây gọi chung là đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương) như sau:

 

Chương I

 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí, chức năng

Đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương là tổ chức đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và một số hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phương hướng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức bộ máy, cán bộ theo thẩm quyền, phân cấp; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng; phối hợp với các cấp ủy đảng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong đảng bộ.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng thảo luận tập thể, biểu quyết và quyết nghị các vấn đề sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực được phân công. Cụ thể hoá chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch thực hiện của cơ quan, ngành, lĩnh vực.

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quan trọng mà đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo.

- Triển khai thí điểm một số chủ trương mới theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, bộ máy và biên chế, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp.

- Lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng trong lĩnh vực được phân công. Cho chủ trương, quan điểm xử lý kỷ luật đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý.

3. Phối hợp với các ban, cơ quan Trung ương của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng ủy cơ quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Quyền hạn

1. Thực hiện quyền hạn của mình theo quy định và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các quyết định của mình.

2. Được sử dụng bộ máy giúp việc chuyên trách của cơ quan để thực hiện nhiệm vụ.

3. Dự các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập.

4. Được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin:

- Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành và các thông tin có liên quan.

- Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ban, cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có liên quan đến nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng.

Việc cung cấp thông tin cho các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do bí thư (hoặc phó bí thư được ủy quyền) xem xét, quyết định.

 

Chương II

 

CƠ CẤU TỔ CHỨC, NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

 

Điều 4. Đảng đoàn, ban cán sự đảng do Bộ Chính trị quyết định thành lập. Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề nghị của đảng đoàn, ban cán sự đảng

1. Thành viên Đảng đoàn Quốc hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy viên Trung ương Đảng (chính thức và dự khuyết) đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư Đảng đoàn, 1 Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Bí thư Đảng đoàn.

2. Thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư Ban cán sự đảng, 1 Phó Thủ tướng làm Phó Bí thư Ban cán sự đảng.

3. Thành viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các Ủy viên Trung ương Đảng (chính thức và dự khuyết) tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trưởng Ban Tổ chức cán bộ cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Bí thư Đảng đoàn, 1 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Bí thư Đảng đoàn.

Điều 5. Đảng đoàn, ban cán sự đảng do Ban Bí thư quyết định thành lập. Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do Ban Bí thư quyết định trên cơ sở đề nghị của đảng đoàn, ban cán sự đảng

1. Thành viên đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và một số hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch (là đảng viên) của tổ chức đó và trưởng ban tổ chức cán bộ. Chủ tịch làm bí thư đảng đoàn, 1 phó chủ tịch làm phó bí thư đảng đoàn. Đối với đảng đoàn các hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì Ban Bí thư căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ có thể xem xét, chỉ định đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương tham gia làm phó bí thư hoặc ủy viên đảng đoàn.

2. Thành viên Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao gồm: Chánh án, các Phó Chánh án, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Chánh án làm Bí thư Ban cán sự đảng, 1 Phó Chánh án làm Phó Bí thư Ban cán sự đảng.

3. Thành viên Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Viện trưởng làm Bí thư Ban cán sự đảng, 1 Phó Viện trưởng làm Phó Bí thư Ban cán sự đảng.

4. Thành viên ban cán sự đảng các bộ, ngành gồm: Bộ trưởng hoặc người đứng đầu ngành, các thứ trưởng hoặc các cấp phó ngành và vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ. Bộ trưởng làm bí thư ban cán sự đảng, 1 thứ trưởng hoặc cấp phó ngành làm phó bí thư ban cán sự đảng.

Điều 6. Nguyên tắc làm việc

Đảng đoàn, ban cán sự đảng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Đối với những nội dung công tác quan trọng vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Khi bàn về nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nếu các thành viên của đảng đoàn, ban cán sự đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 7. Chế độ làm việc

1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng họp định kỳ 1 tháng một lần, họp chuyên đề và đột xuất khi cần; các cuộc họp chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Nội dung cuộc họp phải ghi biên bản và ra nghị quyết để tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết và đột xuất không tổ chức được cuộc họp thì được lấy ý kiến bằng văn bản.

2. Bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng điều hành công việc chung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chủ trì các cuộc họp, trực tiếp báo cáo hoặc ký các văn bản của đảng đoàn, ban cán sự đảng. Khi có yêu cầu đột xuất, nếu bí thư đi vắng hoặc chưa có bí thư thì phó bí thư hoặc một ủy viên (nơi không có phó bí thư) được ủy quyền chủ trì cuộc họp và ký văn bản, báo cáo.

3. Phó bí thư hoặc một ủy viên (nơi không có phó bí thư) được phân công giải quyết công việc thường xuyên, trực tiếp phụ trách văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng; các ủy viên khác thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng phải thực hiện nghiêm chế độ bảo mật và phát ngôn về nội dung cuộc họp đảng đoàn, ban cán sự đảng.

4. Căn cứ nội dung cuộc họp, đảng đoàn, ban cán sự đảng mời đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan dự. Cuộc họp có nội dung về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ phải mời đại diện các ban, cơ quan Trung ương của Đảng có liên quan dự.

5. Sau mỗi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng là ủy viên Trung ương Đảng (hoặc được mời dự Hội nghị Trung ương) có trách nhiệm truyền đạt nhanh những nội dung cơ bản của Hội nghị đến cán bộ chủ chốt trong cơ quan; chỉ đạo thực hiện các nội dung trong nghị quyết liên quan đến cơ quan.

Điều 8. Văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng

1. Thành lập văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng

a) Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được lập văn phòng chuyên trách gồm chánh văn phòng, 1 phó chánh văn phòng và một số cán bộ giúp việc chuyên trách thuộc biên chế của cơ quan, do đảng đoàn, ban cán sự đảng xem xét, quyết định.

b) Đảng đoàn, ban cán sự đảng các tổ chức khác lập văn phòng kiêm nhiệm đặt tại văn phòng cơ quan hoặc vụ (ban) tổ chức cán bộ; chánh văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng là chánh văn phòng cơ quan hoặc vụ trưởng (trưởng ban) tổ chức cán bộ kiêm nhiệm, có 1 phó chánh văn phòng và một số cán bộ giúp việc kiêm nhiệm hoặc chuyên trách, do đảng đoàn, ban cán sự đảng xem xét, quyết định; đảng đoàn, ban cán sự đảng được sử dụng đội ngũ cán bộ của cơ quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng ban hành quy chế hoạt động của văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng; sử dụng con dấu theo quy định của Ban Bí thư.

3. Văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng có nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp, tham mưu, giúp đảng đoàn, ban cán sự đảng chuẩn bị nội dung, ghi biên bản cuộc họp, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ. Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp thông tin, theo dõi, đôn đốc việc phối hợp giữa đảng đoàn, ban cán sự đảng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ và lãnh đạo công tác kiểm tra; thực hiện các nhiệm vụ khác do đảng đoàn, ban cán sự đảng giao.

 

Chương III

 

QUAN HỆ CÔNG TÁC

 

Điều 9. Quan hệ với Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng. Tham mưu, đề xuất những chủ trương, giải pháp quan trọng liên quan đến ngành, lĩnh vực. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hoặc khi có yêu cầu.

Điều 10. Quan hệ với các ban, cơ quan Trung ương của Đảng

1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các ban, cơ quan Trung ương của Đảng về triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ của ngành, đơn vị.

2. Phối hợp tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trương, đường lối trên lĩnh vực được giao và công tác tổ chức, cán bộ theo quy định phân cấp quản lý.

3. Kịp thời gửi báo cáo và các văn bản có liên quan về các ban, cơ quan Trung ương của Đảng.

Điều 11. Quan hệ với các đảng ủy khối Trung ương

1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng phối hợp với các đảng ủy khối Trung ương trong công tác xây dựng Đảng theo phân công, phân cấp; định kỳ hằng năm hoặc khi cần thì chủ động trao đổi ý kiến với ban thường vụ đảng ủy khối để kịp thời phối hợp công tác.

2. Phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng theo quy định đối với đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

3. Phối hợp tham gia ý kiến với đảng ủy khối (có liên quan) đối với nhân sự cấp ủy của đảng bộ mình.

Điều 12. Quan hệ với đảng ủy cơ quan

1. Đảng đoàn, ban cán sự đảng có trách nhiệm phối hợp với đảng ủy cơ quan trong việc tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, quy định của Đảng; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, quyết định của đảng đoàn, ban cán sự đảng liên quan đến nhiệm vụ chính trị; lãnh đạo công tác kiểm tra và trao đổi ý kiến bằng văn bản đối với những nội dung về công tác cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý; xây dựng đảng bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng kịp thời thông báo với đảng ủy cơ quan những chủ trương, nghị quyết của đảng đoàn, ban cán sự đảng liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan để đảng ủy cơ quan góp ý kiến, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

3. Định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi cần thì đảng đoàn, ban cán sự đảng nghe đại diện đảng ủy cơ quan thông báo việc thực hiện nhiệm vụ, các chế độ, chính sách trong cơ quan để có phương hướng, biện pháp phối hợp giải quyết.

Điều 13. Quan hệ với thủ trưởng (người đứng đầu) và tập thể lãnh đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội

1. Căn cứ nghị quyết, kết luận của đảng đoàn, ban cán sự đảng, thủ trưởng (người đứng đầu) và tập thể lãnh đạo cơ quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, điều lệ mỗi tổ chức.

2. Thủ trưởng (người đứng đầu) và các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng được phân công phụ trách từng mặt công tác có trách nhiệm chuẩn bị nội dung để đưa ra thảo luận và quyết nghị trong đảng đoàn, ban cán sự đảng.

Điều 14. Quan hệ giữa các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Quan hệ giữa đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là quan hệ phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ được giao dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 15. Quan hệ với tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương

1. Phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, chấp hành chủ trương, quy định của Đảng ở các đơn vị thuộc trách nhiệm quản lý hoặc liên quan đến hoạt động của ngành, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn.

2. Phối hợp đầy đủ, kịp thời trong công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên theo quy định phân cấp quản lý.

3. Khi cần thiết thì đại diện đảng đoàn, ban cán sự đảng trao đổi với cấp ủy địa phương về nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực và nghe ý kiến của cấp ủy địa phương về các vấn đề có liên quan; trường hợp có ý kiến khác nhau thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Chế độ, chính sách

Chế độ, chính sách đối với ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng và văn phòng đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương (bao gồm chuyên trách và kiêm nhiệm) thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.

Điều 17. Điều khoản thi hành

1. Ngoài các nội dung nêu tại Quy định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương còn được thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2. Các ban, cơ quan Trung ương của Đảng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm theo dõi hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương theo quy định. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, cơ quan Trung ương của Đảng định kỳ trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương.

3. Căn cứ Quy định này, đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng ủy khối Trung ương, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng và bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác của tổ chức mình, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

4. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy định số 172-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Bộ Chính trị. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh mới thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét, quyết định.


Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

 




Võ Văn Thưởng