(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các bộ, ngành ở trung ương hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động chuyên môn lồng ghép vào mục tiêu bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
|
Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đầu tư bể chứa rác trên đồng ruộng cho xã Gio Quang, Gio Linh - Ảnh: N.K |
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, thông qua tuyên truyền vận động và các hoạt động thực tế có ý nghĩa, nhận thức của cộng đồng ngày càng được nâng cao và tham gia ngày càng sâu rộng, tích cực hơn vào công tác bảo vệ môi trường. Phong trào thi đua chuyên đề bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được phát động và được các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tích cực tham gia; tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm; triển khai các dự án xử lý về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, công tác bảo vệ môi trường được chỉ đạo lồng ghép chặt chẽ với thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm đạt được hiệu quả tiêu chí số 17 trong Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đặc biệt là tổ chức rộng rãi và có hiệu quả thiết thực các phong trào “Chống rác thải nhựa” của Bộ TN&MT; chương trình “Vì một Việt Nam xanh, vì một Quảng Trị xanh” của Tỉnh đoàn; các kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM” của Hội LHPN tỉnh; các kế hoạch thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình của Sở TN&MT; kế hoạch xây dựng mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, hướng dẫn xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; kế hoạch xây dựng mô hình “Bếp đun không khói” của Hội Nông dân; cuộc vận động “Hội Cựu chiến binh chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh” của Hội CCB; phong trào “Xanh- sạch- đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” của LĐLĐ tỉnh... cùng nhiều kế hoạch, chương trình, chỉ đạo thực hiện các hoạt động của “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; tổ chức hưởng ứng “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”, “Tuần lễ biển và hải đảo”…
Thông qua các hoạt động đã xây dựng được một số mô hình tiêu biểu, có hiệu quả và ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng dân cư như: Mô hình phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình khu vực nông thôn được thực hiện từ năm 2017 tại Hải Lăng, sau đó được nhân rộng ra hơn 200 hộ gia đình ở huyện Hải Lăng và huyện Đakrông.
Các mô hình hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; công trình “Xây dựng khu xử lý rác thải trên đảo Cồn Cỏ” thuộc đề án Cải thiện môi trường huyện đảo Cồn Cỏ; công trình “Xây dựng mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cụm xã Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao, huyện Đakrông”; mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn ở xã Hải Vĩnh (Hải Lăng) thí điểm năm 2019 và nhân rộng tại xã Triệu Nguyên (Đakrông); mô hình hạn chế sử dụng đồ nhựa, bao bì nilon của Hội phụ nữ xã Cam Hiếu (Cam Lộ); mô hình “Chống rác thải nhựa” và ra quân làm sạch bờ biển trên đảo Cồn Cỏ; mô hình đường hoa ở xã Cam Chính (Cam Lộ); mô hình thu gom rác của Hội phụ nữ xã Hải Xuân (Hải Lăng); mô hình phân loại, xử lý rác dễ phân hủy tại thôn Hà La, xã Triệu Phước (Triệu Phong); mô hình hạn chế sử dụng túi nilon của Hội phụ nữ Khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà; mô hình thu gom ve chai của Hội phụ nữ Khu phố 8, Phường 2, thành phố Đông Hà; mô hình “Khu dân cư hài hòa, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường” được triển khai và duy trì nhân rộng ở hơn 400 khu dân cư; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” được triển khai xây dựng tại 8/10 huyện, thị xã, thành phố, mỗi địa phương có từ 1-2 mô hình, riêng thành phố Đông Hà triển khai 83 mô hình ở 83 khu dân cư; mô hình “Bếp đun không khói” tại huyện Đakrông, Hướng Hóa vận động được sự tham gia của 1.000 hộ nông dân; mô hình sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất bún tại huyện Triệu Phong, Hải Lăng; dây truyền làm đũa hợp vệ sinh tại thị xã Quảng Trị; sản xuất, chế biến cá mực tẩm gia vị hợp vệ sinh tại Triệu An (Triệu Phong): mô hình hỗ trợ, khuyến khích người dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh với 2.224 nhà; mô hình “đường hoa yêu thương” có 90 cơ sở tham gia…
Ngoài ra, còn có rất nhiều mô hình khác đưa công tác bảo vệ môi trường lồng ghép vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải tự quản, phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; mô hình xây dựng công trình nước sạch... Bên cạnh đó cũng đã tổ chức các hội thi liên quan đến phong trào chống rác thải nhựa, thực hiện văn minh đô thị, tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Phong trào đi xe đạp tuyên truyền chống rác thải nhựa; đổi chai nhựa lấy quà. Các cơ quan, đơn vị nhà nước cũng đã sử dụng bình đựng nước bằng thủy tinh thay cho nước đóng chai nhựa...
Hoạt động ra quân vệ sinh môi trường diễn ra thường xuyên và rộng rãi trên 10 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường trung tâm, các khu phố, thôn, xóm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và phát động phong trào chống ô nhiễm nhựa huy động sự tham gia của hơn 50.000 người mỗi năm. Cuộc thi Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên, nhi đồng hằng năm bao gồm nội dung về bảo vệ môi trường; ra quân vệ sinh môi trường ngày Thứ 7 tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh hằng tháng, quý, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.
Tuy nhiên do kinh phí thực hiện các phong trào, mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, chủ yếu được cân đối, lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, hoạt động chuyên môn của các cơ quan đơn vị từ nguồn sự nghiệp môi trường, ngân sách địa phương hằng năm và một phần trong chương trình xây dựng NTM. Mặt khác, một bộ phận cộng đồng và nhiều tổ chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị liên ngành còn hạn chế và rời rạc, chưa phát huy được hiệu quả sức mạnh của từng ngành trong quá trình phối hợp.
Vì vậy cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường và xây dựng NTM. Phân bổ hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn nhằm tập trung tổ chức thực hiện các hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực, vận động sự tham gia tích cực của người dân. Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến cá nhân, người dân tham gia bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng NTM. Duy trì lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các nội dung hoạt động của ngành mình, thường xuyên, chú trọng sự phối hợp thực hiện giữa các ngành, các tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lâm Khanh