Quảng Ngãi: Nhân rộng mô hình xử lý rác thải ở nông thôn

(Mặt trận) -Xử lý, phân loại rác hữu cơ không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, mà còn giúp nhà nông có nguồn phân bón phục vụ trồng trọt, giảm chi phí sản xuất.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

“Từ khi phân loại và xử lý rác hữu cơ, tôi tiết kiệm được khoản kinh phí mua phân bón cho vườn cây ăn quả. Phân hữu cơ tự ủ giúp cây phát triển tốt và ít sâu bệnh”, bà Nguyễn Thị Phước, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cho biết. Gia đình bà Phước có 6 người, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khá nhiều, trong đó phần lớn là rác hữu cơ. Lúc đầu, bà Phước chủ động phân loại tại nguồn để giảm mùi hôi. Sau đó, bà thử làm bể xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh và thu được một lượng lớn phân hữu cơ để bón cho hàng trăm gốc bưởi, chôm chôm và mít.

 Người dân xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) sử dụng phân bón được xử lý từ rác thải hữu cơ để bón lót cho cây ăn quả.

Cũng thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, ông Lương Văn Năm, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cho rằng, giá phân bón tăng cao nên việc tận dụng rác thải hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa giảm gánh nặng cho nông dân, vừa giúp vườn nhà sạch đẹp. Theo kinh nghiệm của ông Phước, việc phân loại và xử lý rác hữu cơ không mất nhiều thời gian. Sau khi ủ, định kỳ khoảng 25 - 30 ngày thì tưới chế phẩm vi sinh lên bề mặt rác hữu cơ. Khi các loại rác chuyển màu đen và không còn mùi hôi, có thể bón cho cây trồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, phong trào phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình thành phân bón vi sinh đang được người dân tích cực hưởng ứng. Theo tính toán, mỗi ngày, các xã thải ra khoảng 2 tấn rác các loại, trong đó rác hữu cơ chiếm từ 50 - 60%. Nếu người dân chủ động phân loại và xử lý, mỗi năm địa phương tự sản xuất được gần 400 tấn phân hữu cơ vi sinh bón trở lại cho đồng ruộng. Điều này không chỉ giúp người dân giảm chi phí sản xuất, mà còn làm cho môi trường sạch đẹp hơn. 

Bên cạnh việc thu gom, xử lý các loại rác hữu cơ tại hộ gia đình, các địa phương trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đẩy mạnh thực hiện mô hình “Phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình”, “Chi hội 5 không, 3 sạch”, “Nói không với rác thải nhựa”... Cùng với đó, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đã phát động và duy trì phong trào quét dọn đường làng, ngõ xóm; nạo vét ao hồ, kênh mương... giúp diện mạo làng quê ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình vừa giảm áp lực cho các bãi chôn lấp tập trung, vừa giải được bài toán đảm bảo vệ sinh môi trường nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các địa phương triển khai, nhân rộng các mô hình xử lý rác thải, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường tại các địa phương.

THANH PHONG