Quan điểm của đồng chí Trường Chinh về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

(Mặt trận) - Đồng chí Trường Chinh là nhà cách mạng lớn, nhà lãnh đạo tài năng, nhà lý luận kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã vận dụng sáng tạo, nhất quán chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc vào công tác tổ chức và hoạt động thực tiễn. Những quan điểm của đồng chí Trường Chinh về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là những đóng góp to lớn cho sự nghiệp củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

 Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh 

Mặt trận Dân tộc thống nhất là một hình thức tập hợp quần chúng rộng rãi, đại diện cho quyền lợi dân tộc

Từ năm 1941, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng1, đồng chí Trường Chinh đã nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Trên quan điểm “phải đoàn kết bất cứ người nào ta có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ người nào ta có thể tranh thủ, càng ít kẻ địch càng tốt, càng nhiều người tham gia phong trào cứu quốc càng hay”2.

Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Phải thu hút các lực lượng yêu nước vào các Mặt trận đó, để chĩa mũi nhọn của cuộc đấu tranh cách mạng vào kẻ thù chính là phát xít Nhật - Pháp. Muốn cho đông đảo những người yêu nước tham gia Mặt trận Việt Minh, Đảng đã nhấn mạnh mục đích cứu nước trong Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc thống nhất và Điều lệ các hội phản đế, đổi tên các hội ấy thành các hội cứu quốc3.

Ngoài ra, khi cần thiết, có thể kết nạp những đảng phái chính trị hoặc đoàn thể quần chúng yêu nước khác vào Mặt trận. Phải tìm kiếm sự liên minh với các nhóm, các đảng phái có ít nhiều tính chất cách mạng, làm cho các nhóm ấy bỏ ảo tưởng là lúc này có thể lợi dụng đế quốc Nhật để chống thực dân Pháp, hoặc trung lập hoá đế quốc Nhật để giảm bớt kẻ thù.

Trong xây dựng Mặt trận Việt Minh và lãnh đạo Mặt trận, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh “sự thống nhất về chính trị của Mặt trận chỉ có thể thực hiện chắc chắn, nếu ta thực hiện được sự thống nhất hành động giữa các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận, giữa các tầng lớp nhân dân. Kinh nghiệm đã cho ta thấy rằng: chỉ trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù chung, việc thống nhất Mặt trận mới được thực hiện vững chắc”4.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để tập hợp được tối đa sức mạnh của các thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo, đảng phái, để mật thiết liên hệ với quần chúng, thu phục được đông đảo quần chúng vào các đoàn thể cứu quốc, phải lợi dụng mọi khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, thành lập những tổ chức thông thường, đơn sơ, không điều lệ, như: phường, họ, hội hiếu hỷ, hội tương tế, đội thể dục, thể thao, nhóm tự học, tổ âm nhạc, đoàn du lịch,... Và biến những tổ chức ấy thành những bậc thang cho quần chúng bước lên các hội cứu quốc.

Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II)5, đồng chí Trường Chinh tiếp tục khẳng định: Mặt trận ở nước ta hiện nay là Mặt trận dân tộc thống nhất… Nhiệm vụ là đoàn kết các dân tộc (đa số và thiểu số), các giai cấp dân chủ, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân, các kiều bào hải ngoại và tất cả các phần tử yêu nước, các thân sĩ tiến bộ trong toàn quốc, chung quanh giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Lao động Việt Nam, kết thành một khối lớn mạnh để kháng chiến và kiến quốc6.

Từ đó, đồng chí đã khẳng định: Mặt trận Dân tộc thống nhất là một trong những nhân tố thắng lợi của cách mạng, là vũ khí chính trị không thể thiếu được để Nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Về sự đoàn kết trong Mặt trận

Đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề đoàn kết trong Mặt trận. Trong bài “Điều kiện đoàn kết” đăng trên báo Sự thật, đồng chí khẳng định bốn điều kiện đoàn kết trong Mặt trận:

“Một là, những phần tử trong Mặt trận quốc dân liên hiệp phải chân thành vì dân, vì nước, chứ không thể đeo mặt nạ cách mạng, ái quốc mà phản nước, hại dân. Hai là, các đảng phải đoàn kết không phải chỉ đoàn kết bằng lời nói suông, mà phải hành động chung, nghĩa là cùng làm những việc nhất định để đạt mục đích chung. Ba là, các đảng phái trong Mặt trận có quyền giữ nguyên bản sắc chính trị và tổ chức của mình, nhưng phải tuân theo một chương trình tối thiểu chung của Mặt trận và tham gia sinh hoạt Mặt trận. Bốn là, trong khi đoàn kết các đảng phái phải luôn luôn giám sát lẫn nhau và phê bình nhau một cách thân mật và có nguyên tắc”7.

Đó là bốn điều kiện về sự đoàn kết của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Mặt trận dân tộc chỉ có thể vững chắc nếu thành phần của nó thuần tuý và nếu sự đoàn kết giữa các đoàn thể Mặt trận được luyện trong lò lửa đấu tranh của Nhân dân.

Đại đoàn kết là đoàn kết tất cả mọi người Việt Nam yêu nước và kháng chiến, nhưng chủ yếu là đoàn kết giữa công nhân và nông dân, vì nông dân chiếm 90% trong dân tộc và là bạn đồng minh lớn mạnh và vững vàng nhất của giai cấp công nhân: Nông dân có thể cùng đi với giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân, và cố nông, bần nông, trung nông có thể đi với giai cấp công nhân đến chủ nghĩa xã hội. Cho đại đoàn kết là đoàn kết với một số ít thân sĩ, địa chủ là không đúng8.

Củng cố Liên Việt chủ yếu là củng cố liên minh công - nông. Nếu chỉ củng cố mối quan hệ với số ít địa chủ, tư sản mà xao lãng việc củng cố liên minh công - nông thì như thế không phải là củng cố Liên Việt.

Trong một nước nông nghiệp, còn nhiều di tích phong kiến như nước ta, nông dân đóng một vai trò rất quan trọng. Coi thường nông dân, không dựa vào nông dân, thì chẳng có gì là lãnh đạo cách mạng, chẳng có gì là phản đế, phản phong kiến, chẳng có gì là tiến tới chủ nghĩa xã hội9.

Sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất đã hiện thực hóa vào thành công trong cách mạng. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, Nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, giải phóng một nửa đất nước, xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đoàn kết trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Nhân dân ta đã đánh thắng chiến tranh xâm lược và chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Mặt trận Dân tộc thống nhất phải có chính sách lâu dài

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Trường Chinh đã có những quan điểm cụ thể về chính sách, sách lược của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Theo đó, “Chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất là một trong những chính sách lớn của Đảng. Nó bảo đảm quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân, làm cho giai cấp công nhân có thêm nhiều bạn và làm cho kẻ thù hiện nay của cách mạng là đế quốc xâm lược và bè lũ Việt gian bù nhìn bị cô lập và dễ bị đánh đổ. Chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất quan hệ mật thiết đến việc củng cố Nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân, đến kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công”10.

Đồng chí nhấn mạnh “Sách lược mặt trận của ta là: đối với đế quốc và Việt gian bù nhìn thì đoàn kết dân tộc để cô lập và đánh đổ chúng; trong nội bộ dân tộc thì phát triển lực lượng tiến bộ (công, nông, tiểu tư sản), tranh thủ lực lượng trung gian (tư sản dân tộc, thân sĩ, địa chủ yêu nước và tiến bộ), phản đối những phần tử ngoan cố (địa chủ trung lập, lừng chừng, hoặc tán thành kháng chiến nhưng không tán thành chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ)11.

Trong mối quan hệ với Đảng, đồng chí chỉ rõ: “Chính sách lập Mặt trận dân tộc của Đảng là: Lập Mặt trận dân tộc thống nhất kháng chiến thật rộng rãi, nhưng mặt trận đó phải đặt trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công nông và dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Thực hiện thống nhất hành động giữa các đoàn thể và cá nhân theo một chương trình chung của Mặt trận. Đoàn kết mà có đấu tranh chứ không đoàn kết một chiều”12.

Đồng chí chỉ rõ, Đảng đứng trong Mặt trận bình đẳng với các thành phần khác và được các thành viên Mặt trận tự nguyện thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo.

Phải thường xuyên củng cố, kiện toàn về tổ chức, hoạt động và khắc phục những khuyết điểm trong công tác Mặt trận

Cùng với quan điểm về việc cần thiết phải thiết lập, khẳng định vai trò Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí Trường Chinh cũng rất quan tâm đến việc củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất. Theo đồng chí, nội dung vấn đề củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất là chấn chỉnh Mặt trận về ba mặt tư tưởng, tổ chức và công tác.

Đồng chí Trường Chinh chỉ ra rằng, Mặt trận là một tổ chức vừa có tính chất liên hiệp giai cấp, vừa có tính chất quần chúng. Cách hoạt động của Mặt trận dựa trên năm nguyên tắc: Thương lượng, dân chủ, thống nhất hành động, tôn trọng lẫn nhau và chân thành hợp tác, giúp nhau cùng tiến bộ.

Khi những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh dân tộc, đến quốc kế dân sinh, các thành viên của Mặt trận đều mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, tự do tranh luận, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, làm rõ phải trái, cùng nhất trí nhận định và tự nguyện thống nhất hành động theo Cương lĩnh chung.

Từ thực tiễn hoạt động của Mặt trận, đồng chí đã chỉ rõ những khuyết điểm cần phải chỉnh đốn để Mặt trận ngày một vững mạnh. Theo ông, khuyết điểm chính của một số người trong Mặt trận là không chú trọng củng cố liên minh công - nông, coi thường bạn đồng minh lớn nhất và vững vàng nhất là nông dân; đoàn kết mà quên đấu tranh…

Những khuyết điểm đó biểu lộ tư tưởng hữu khuynh trong việc thi hành chính sách Mặt trận của Đảng. Nó do lập trường giai cấp, quan điểm quần chúng của cán bộ chưa được đúng mà sinh ra. Đồng chí cũng chỉ ra: “Muốn chấn chỉnh và xúc tiến công tác mặt trận một cách đúng mức, cần chỉnh đốn tư tưởng, giáo dục chính sách cho cán bộ”.

Thực tiễn hơn 90 năm hình thành, xây dựng và phát triển của Mặt trận đã chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm của đồng chí Trường Chinh về Mặt trận Dân tộc thống nhất. Việc kế thừa và phát triển những quan điểm của đồng chí Trường Chinh về Mặt trận Dân tộc thống nhất có giá trị lịch sử, lý luận và thực tiễn cao. Vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm cốt lõi đó sẽ góp phần quan trọng phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới hiện nay.

Chú thích:

1.  Tổng Bí thư của Đảng: Khóa I (5/1941 - 2/1951), khóa II (2/1951 - 10/1956), khóa V (7/1986 - 12/1986); Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa I, II, III, IV, V; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa I, II, III, IV, V; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981-1987); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khóa II, III, IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội: Khóa II, III, IV, V, VI, VII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1986 - 9/1988).

2.  Trường Chinh, Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 1 (1937-1954), tr.169-170.

3.  Các tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh gồm: Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Nam công nhân cứu quốc hội, Việt Nam nông dân cứu quốc hội, Việt Nam quân nhân cứu quốc hội, Việt Nam thanh niên cứu quốc hội, Việt Nam phụ nữ cứu quốc hội, Việt Nam phụ lão cứu quốc hội, Việt Nam nhi đồng cứu vong đội, Việt Nam tự vệ cứu quốc đội, Việt Nam văn hoá cứu quốc hội, Việt Nam cứu quốc hội.

4,6,8,9,10,11,12. Trường Chinh, Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 1 (1937-1954), tr.175, 860-865.

5.  Từ ngày 22 đến 28/4/1952.

7.  Sự thật, số 46, ngày 26/7/1946.

1. LÊ MẬU NHIỆM - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm

Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 2. NGÔ HOÀNG NAM - Tiến sĩ, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam