Phụ nữ Quảng Ngãi với phong trào bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều mô hình, sáng kiến trong chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân trong việc gìn giữ môi trường sống.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Lan tỏa nhiều mô hình hay

Đã thành nếp sinh hoạt suốt 3 năm qua, cứ sau mỗi buổi đi chợ và cuối ngày, chị em phụ nữ ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) lại phân loại rác để cho vào hai giỏ rác khác nhau. Thói quen phân loại rác tại hộ gia đình này được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng, thực hiện điểm tại một số địa phương. Mô hình “Phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình” thực hiện từ năm 2019 và đến nay đã triển khai, lan tỏa tại 13 huyện, thị xã, thành phố. 

 Phụ nữ xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) duy trì thói quen phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định.

Bà Nguyễn Thị Hải, ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, cho biết: "Khi tham gia mô hình tôi được Hội LHPN xã tập huấn, hướng dẫn cách phân loại từng loại rác. Đối với rác hữu cơ thì tự chôn lấp tại vườn hoặc ủ làm phân bón. Còn vỏ lon bia, nước ngọt, kim loại, giấy các loại, bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Riêng vỏ chai thủy tinh, vật liệu gốm sứ, ni lông cần thu gom bỏ vào thùng, không vứt bừa bãi. Từ khi thực hiện việc phân loại rác sinh hoạt, số lượng rác thải phải bỏ đi của gia đình tôi giảm đáng kể. Với những loại rác hữu cơ, tôi còn tận dụng ủ để làm phân bón cho cây trồng".

Ngoài việc hỗ trợ 10 thùng rác lớn đặt ở một số khu dân cư trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phân loại rác, qua 3 năm triển khai mô hình, Hội LHPN xã Nghĩa Thắng đã hỗ trợ, phát gần 300 giỏ rác để hội viên phân loại, đựng rác. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra 3 thôn trên địa bàn xã Nghĩa Thắng, với gần 600 hộ gia đình tham gia.

Những năm gần đây, nhiều cơ sở hội cũng triển khai các mô hình như “Thu gom phế liệu gây quỹ”, “Đổi rác thải lấy quà tặng”... thu hút nhiều hội viên, người dân tham gia. Thông qua những mô hình, ngoài việc tuyên truyền đến mọi người về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, không vứt rác bừa bãi ra môi trường... còn tạo nguồn phế liệu để các chi, tổ hội phụ nữ bán gây quỹ giúp người nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Đổi rác thải lấy quà tặng”, “Thu gom phế liệu” là một trong nhiều mô hình Hội LHPN huyện xây dựng để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với chi hội phụ nữ “5 không, 3 sạch”. Điểm hay ở mô hình này là nâng cao ý thức tự giác của hội viên trong phân loại rác, không vứt các sản phẩm nhựa dùng một lần từ đó tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức trong cộng đồng... Sau vài năm triển khai, đến nay mô hình đã lan tỏa đến hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Góp sức bảo vệ môi trường

Trong ngày môi trường thế giới (5/6) vừa qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động, ra quân vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, những tuyến đường tự quản, bãi biển... Không chỉ hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới mà đều đặn theo từng tháng, từng quý trong năm, các cấp hội cũng thực hiện các phần việc để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Điển hình như Hội LHPN huyện Nghĩa Hành, trong năm 2020, các cấp hội đã thu gom, xử lý trên 110 tấn rác thải; cấp phát trên 3.000 giỏ nhựa đi chợ, hơn 600 cà mèn, 620 hộp nhựa, 440 chai thủy tinh, gần 700 túi sinh học bảo vệ môi trường... Hội cũng duy trì và triển khai ra mắt mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ “Nói không với rác thải nhựa”.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2020, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức trên 200 hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 100.000 người tham dự. Nhân các ngày lễ, các cơ sở hội đã phối hợp, vận động cán bộ, hội viên đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các tuyến đường tự quản, các nhà sinh hoạt với hơn 111.000 lượt chị tham gia. Các cấp hội còn triển khai thực hiện nhiều mô hình, hoạt động như phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, các cấp hội đã vận động hội viên phụ nữ sử dụng nguồn nước sạch và xây nhà vệ sinh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

H.THU