Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - những vấn đề đặt ra

(Mặt trận) - Với nhận thức, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta xác định đấu tranh phòng, chống thứ “giặc nội xâm” này là việc làm cần thiết, tất yếu, hợp lòng dân và xu thế phát triển chung. Tiếp nối kết quả, kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

Công điện Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Thực hiện phương châm đó, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào xử lý gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực. Đây là nhân tố thúc đẩy, tạo đột phá mới trong công tác này như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”.

Phòng, chống tham nhũng từ gốc, từ xa

Một trong những điểm mới được Trung ương chỉ đạo đó là gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Bởi nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng mà đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần chỉ rõ: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc.

Mở đầu cho bước chuyển này là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 ngày 16/9/2021, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo cả phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Từ đây, cuộc đấu tranh trên mặt trận này bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”, giữa phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa một số vụ việc tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên.

Điển hình như các vụ án: “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc” xảy ra tại tỉnh An Giang, đã xử lý kỷ luật 12 đảng viên; liên quan đến việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam đã xử lý kỷ luật 9 tổ chức đảng, 19 đảng viên.

Chỉ tính riêng ở các địa phương, trong 1 năm qua (từ 6/2021-6/2022) đã khởi tố hơn 1.100 bị can là cán bộ, đảng viên về các hành vi tiêu cực.

Truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực

Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh với điểm mới là thực hiện phương châm “truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đây là những vụ án xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, như y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm,… hoạt động khép kín, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, thậm chí diễn ra trong khi đất nước đứng trước khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19; gây thiệt hại đặc biệt lớn đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 7.800 vụ án/hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; xử lý kỷ luật 83 cán bộ diện Trung ương quản lý (gấp hơn 7 lần nhiệm kỳ khóa XI và gần bằng cả nhiệm kỳ XII); xử lý hình sự 27 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á , Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và 25 địa phương đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can, thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng; trong hoạt động đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 98 trung tâm đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can; vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thiệt hại ước tính trên 9.000 tỷ đồng…

Điều này giúp chúng ta càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ, sâu sắc hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư: chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Một trong những điểm mới nữa là, đồng thời với xử lý cán bộ sai phạm, các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách theo đúng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, “rút lui trong danh dự”, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Đây là việc làm chưa có tiền lệ; thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy ngày càng rõ hơn Đảng ta đã “nói đi đôi với làm”, chống tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ “tắm từ vai xuống” như từng có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng.

Trước đây, trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực, việc điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, do có bị can đầu vụ và một số đối tượng liên quan bỏ trốn, việc truy nã chưa có kết quả, phải tạm đình chỉ vụ án đối với bị can đó,như trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường (có 7 bị can bỏ trốn, trong đó có bị can đầu vụ Bùi Quang Huy); vụ án xảy ra tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Công thương), vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (bị can Phạm Nhật Vinh)… Điều này khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến hiệu quả răn đe, trừng trị của pháp luật.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, vừa qua các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn, như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vắng mặt đối với 8 bị cáo, trong đó có đối tượng chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC bị tuyên phạt 30 năm tù giam.

Kết quả xử lý vụ án này sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi sự sự trừng phạt của pháp luật; là cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, thể hiện rõ tính phòng ngừa “từ sớm, từ xa”, ngay từ khâu tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, pháp luật.

Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trong xây dựng chính sách, cán bộ làm nhiệm vụ này cố tình tạo ra những kẽ hở để lợi dụng tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2023, Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp tiến hành kiểm tra việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật.

Những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt ngay trong các cơ quan có chức năng này. Đây là những cơ quan luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; hơn nữa, với vai trò là lượng nòng cốt, tiên phong trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nếu vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì không thể thực thi nhiệm vụ khó khăn này, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhiều lần đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở, phải thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cựckhông để tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan này.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật trên 300 cán bộ, công chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều trường hợp bị xử lý hình sự; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra trên 40 vụ án tham nhũng, chức vụ, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Nhất là, đã xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước.

Riêng từ đầu năm đến nay đã khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an, 15 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng nhà nước, Chánh Thanh tra tỉnh...

Phát huy mạnh mẽ vai trò Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

Việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo Quy định số 67 ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư thể hiện bước phát triển về tổ chức bộ máy, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu và tinh thần chủ động của các địa phương, tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua sơ kết 1 năm thực hiện Quy định số 67 cho thấy, sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chính là nhân tố mới thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây, được dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và đặt kỳ vọng rất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến mới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay vẫn còn nhiều việc cần giải quyết, trong đó nổi lên hai vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm. Đó là, mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, nhưng nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra. Xem xét trên nhiều khía cạnh, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu là do: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp thực tiễn, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, gần đây lại bộc lộ thêm trong lĩnh vực định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, y tế, đầu tư công...

Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư, phát triển, thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 và 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù, nhất là việc huy động các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, nên dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cựcMặc dù đa số cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ tác hại của tham nhũng, tiêu cực, nhưng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cả cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không biết sợ, vi phạm một cách ngang nhiên, thách thức kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, qua đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện lo ngại, làm việc cầm chừng, sợ sai, né tránh, không dám làm, ảnh hưởng đến sự việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, môi trường đầu tư, kinh doanh và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Cơ chế, chính sách, pháp luật còn những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế, hoặc nếu áp dụng quy định này thì lại không đúng với quy định ở các văn bản khác, nên cán bộ, công chức sợ trách nhiệm không dám quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền mà lạm dụng xin ý kiến cấp trên. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, do không nắm vững các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không am hiểu sâu về chuyên môn nghiệp vụ nên sợ sai, không dám làm.

Công tác cán bộ ở một số nơi còn bất cập, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý không đúng chuyên môn, sở trường nên không đủ kiến thức, bản lĩnh đảm nhiệm công việc; trong khi đó việc đánh giá, xếp loại cán bộ còn hình thức, chưa có cơ chế đủ mạnh để điều chuyển, thay thế, buộc từ chức đối với cán bộ thiếu bản lĩnh, sợ trách nhiệm không dám làm. Một số cán bộ, công chức đã trót “nhúng chàm” nên có tâm lý nghe ngóng, phòng thủ, sợ bị phát hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, tạo kết quả đồng bộ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, nắm vững và triển khai thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo đồng chí Tổng Bí thư. Nhất là, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực; đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tăng cường kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công,… Phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ trình độ, bản lĩnh, liêm chính, kịp thời thay thế, điều chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức đối với những cán bộ thiếu bản lĩnh, không đủ năng lực, uy tín thấp, vi phạm; những trường hợp làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, không dám làm, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: Ai không dám làm, không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm. Kiên trì giáo dục, xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để không muốn tham nhũng, tiêu cực.

 

LÊ VĂN HẠNH
Phó Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương