Phát triển mạnh mẽ hơn nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

(Mặt trận) -Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02), chiều ngày 25/2, GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đã thăm và chúc mừng các Thầy thuốc, Nhà Khoa học và nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng được đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cơ sở điều trị ngoại khoa, nghiên cứu y học và đào tạo đội ngũ cán bộ y học hàng đầu của nước nhà đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế. Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi đến các thầy thuốc, nhà khoa học, nhân viên Bệnh viện Việt Đức nói riêng và toàn thể đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các Thầy thuốc, Nhà khoa học, cán bộ, y bác sỹ, nhân viên ngành Y. Ảnh: TL.

Qua báo cáo của Bộ Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lịch sử phát triển ngành y tế, đội ngũ thầy thuốc - nhà khoa học gắn liền với sự phát triển của đất nước và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành trong 67 năm qua. Các chỉ số sức khỏe của Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, đã được triển khai thành công. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1955 cả nước chỉ có khoảng 300 y, bác sỹ, thì nay đội ngũ cán bộ ý tế đã lên tới hơn nửa triệu người. Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên 8,0 năm 2015 và 10,0 năm 2021. Trong 10 năm qua đã có 106 nhà giáo nhà khoa học ngành y tế được phong học hàm giáo sư, 801 phó giáo sư. Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những kết quả nổi bật từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, đã đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 3 năm nay, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được, không giấy bút nào tả hết được sự vất vả, hy sinh của các cán bộ y tế, vì sức khỏe nhân dân. Trong “cuộc chiến không tiếng súng” này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất của người “thầy thuốc như mẹ hiền” của đội ngũ cán bộ y tế như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.

 Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID - 19 và hơn 10 trường hợp mắc đã hy sinh, thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Minh chứng thuyết phục nhất là chỉ sau 2 tuần có ca bệnh COVID - 19 đầu tiên ở Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus n-CoV trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công loại virus này, là tiền đề xây dựng và triển khai công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã tích cực triển khai hỗ trợ các đơn vị đàm phán nhận chuyển giao công nghệ của các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Cuba, Ấn Độ... về sản xuất vắc xin COVID - 19 và các kỹ thuật điều trị, sản xuất thuốc sinh học - sinh phẩm phục vụ điều trị COVID - 19.

Nhấn mạnh “nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt", Chủ tịch Quốc hội mong muốn hệ thống nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực y tế, mà đầu mối là Bộ Y tế, phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từng bước đưa mô hình đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhất là mô hình đào tạo bác sĩ, bác sĩ gia đình, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ quản lý và chuyên khoa đặc thù trong ngành y tế hội nhập quốc tế, có chất lượng cao; đồng thời thúc đẩy phát triển các trung tâm, các viện nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực y tế nhằm phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn, ngang tầm các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới.

Khẳng định qua các đợt dịch COVID– 19 càng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở và của công tác y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành y tế cần nghiên cứu để đề xuất các cơ chế nhằm tiếp tục thể chế hóa tại Nghị quyết số 20 - của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình hình mới" theo phương châm: Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp bách hiện nay của Bộ Y tế là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế để ngành y tế ngày càng phát triển bền vững, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng lập pháp năm 2022 của Quốc hội và tại Kỳ họp thứ Ba tới sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

“Dự luật này sẽ tiếp tục thể chế hoá, pháp điển hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế, nhất là các chính sách được ban hành trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID– 19 vừa qua, nhằm tạo khung khổ pháp lý vững chắc, công khai và minh bạch để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế yên tâm tập trung thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong lĩnh vực đào tạo của ngành y, cùng với nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cũng cần đặc biệt được coi trọng trong đó có công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tin yêu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành y tế trong sự nghiệp xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng, nền y tế của nhân dân, tất cả vì sức khoẻ con người, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. 

Chủ tịch Quốc hội mong muốn đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, luôn mãi xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm và tặng quà một số bệnh nhân tại Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức./.

Theo TTXVN