Phân loại rác trong trường học - Mô hình cần nhân rộng

(Mặt trận) -Với phương châm “Nói không với rác thải nhựa”, từ năm học 2019-2020, Trường THCS Nam Cao (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” nhằm giáo dục ý thức và hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Vào tiết chào cờ đầu tuần, học sinh nhà trường sẽ được giáo viên Tổng phụ trách Đội tuyên truyền về việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Nội dung phổ biến gồm các vấn đề, như: Vì sao phải xử lý rác thải tại nguồn? Cách nhận biết và phân loại rác; những lưu ý bảo đảm an toàn khi thu gom và phân loại rác; cách thu gom rác thải điện tử (pin điện tử, linh kiện điện tử…); hướng dẫn các em học sinh thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh”. 

 Mô hình “Ngôi nhà xanh” của Trường THCS Nam Cao (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam) mang lại hiệu ứng tích cực cho học sinh.

Cụ thể, nhà trường phát động phong trào phân loại rác, thu gom rác thải nhựa trong toàn thể học sinh. Việc thu gom được tiến hành theo hai hình thức: hằng ngày tại trường học, gia đình, khu dân cư và định kỳ tại địa điểm công cộng. Các em học sinh được khuyến khích phân loại rác ngay từ sinh hoạt trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, sau đó thu gom lại những rác thải rắn có thể tái sử dụng và đem đến bỏ vào “Ngôi nhà xanh” tại trường.

“Ngôi nhà xanh” là một lồng sắt có mái che, thiết kế giống một ngôi nhà, có tạo khe hở để các em học sinh thuận tiện bỏ rác thải nhựa. Bên cạnh việc phân loại và thu gom rác hằng ngày, các em học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ, tùy thuộc vào phân công trực tuần sẽ được giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách Đội tổ chức buổi thu gom rác thải nhựa tại những địa điểm công cộng (sân bóng đá, vỉa hè...). Việc phân loại và thu gom rác thải nhựa được nhà trường khuyến khích học sinh bằng hình thức cộng điểm thi đua theo từng lớp. Hằng tháng, nhà trường đặt chỉ tiêu cho mỗi lớp thu gom được 100 chiếc rác thải nhựa (thìa, cốc, chai, lọ…) sẽ được cộng điểm thưởng (thực tế mỗi lớp trung bình thu gom được 300 – 500 chiếc rác thải nhựa mỗi tháng). Kể từ khi phát động đến nay, “Ngôi nhà xanh” của Trường THCS Nam Cao đã thu gom được khoảng 2 tấn rác thải nhựa. 

Cô Phạm Thị Thu Hoài, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nam Cao cho biết: Toàn bộ số tiền thu từ việc bán rác thải nhựa của học sinh được đóng góp vào quỹ hoạt động của Liên đội cũng như dành tặng cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2019 - 2020, nhà trường đã dành tặng 4 suất học bổng cho 4 em học sinh vượt khó học giỏi từ nguồn thu của rác thải nhựa. Năm học 2020-2021, nhà trường đã dành tặng hơn 5 nghìn vỏ lon và 50kg rác thải nhựa cho Đội Thanh niên tình nguyện Lý Nhân để gây quỹ tặng quà những học sinh khó khăn trong huyện nhân dịp Tết Trung thu.

Có thể thấy, mô hình “Ngôi nhà xanh” là hình thức khuyến khích học sinh phân loại và thu gom rác thải nhựa rất hiệu quả. Thông qua mô hình đã giúp hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải, bảo vệ môi trường của các em học sinh. Tại Trường THCS Nam Cao, nhiều em học sinh đã hình thành những thói quen thú vị, như: phân loại rác tại gia đình, giữ lại và xử lý sạch rác thải nhựa; sử dụng bình nước cá nhân thay vì dùng cốc sử dụng một lần; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần…

Em Trần Thị Trà My (Chi đội trưởng Chi đội 8C) chia sẻ: Sau khi thực hiện thu gom rác thải nhựa, em có thói quen luôn mang theo một chiếc túi bên mình. Mỗi khi đi học hay đi chơi, nhìn thấy rác thải nhựa em đều nhặt lại. Em thấy việc thu gom rác thải nhựa này rất thú vị, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa khiến em có thể trực tiếp tuyên truyền được cho người thân, bạn bè cùng thực hiện.

Với 2 bạn Nguyễn Thị Thu Liên và Nguyễn Thị Thu Hường (học sinh lớp 9B), việc thu gom rác thải nhựa còn đem đến cho các bạn một sở thích thú vị: Khi nhà trường phát động phong trào trồng cây tại lớp học, chúng em thấy việc trồng cây trong chậu đất vừa tốn kém chi phí lại khó vệ sinh lớp học sau khi tưới nước. Chúng em đã nghĩ ra ý tưởng lấy những vỏ chai nhựa có thiết kế bắt mắt để tạo thành những chậu cây thủy sinh gắn trên cửa sổ. Ý tưởng này đã được cô chủ nhiệm và các bạn trong lớp ủng hộ, cùng thực hiện.

Giáo dục ý thức, xây dựng hành động bảo vệ môi trường cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự chung tay vào cuộc của các địa phương, đơn vị. Vừa qua, Đoàn xã Xuân Khê (Lý Nhân) đã có những hoạt động thiết thực hướng tới giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh. Anh Ngô Văn An, Bí thư Đoàn xã Xuân Khê cho biết: Đoàn xã đã phát động cuộc thi “Em yêu quê hương em – xã nông thôn mới kiểu mẫu” đến 100% học sinh Trường Tiểu học và THCS Xuân Khê. Tại mỗi trường học, cán bộ Đoàn xã phối hợp với cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện tuyên truyền tới các em học sinh những vấn đề liên quan đến rác thải và bảo vệ môi trường; cùng với đó, phát động cuộc thi viết thể hiện hiểu biết, suy nghĩ và hành động của các em với môi trường xung quanh. Đoàn xã cũng phối hợp với các nhà trường hướng dẫn các em học sinh thực hiện “kế hoạch nhỏ” bằng việc phân loại, thu gom rác có khả năng tái chế từ chính gia đình, trường học.

Có thể thấy rằng, nhận thức về việc phân loại rác, thu gom rác thải nhựa, hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong chính học sinh, cán bộ giáo viên đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện bằng những hành động cụ thể, đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Qua đó, giáo dục các bạn nhỏ ý thức tự giác và hành động thiết thực, nói không với rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.

 Nguyễn Khánh