Những điểm sáng trong quá trình chống dịch COVID-19 tại Tây Ninh

(Mặt trận) - Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều sáng kiến giúp phòng ngừa dịch hiệu quả, trong đó tập trung vào các giải pháp kiểm soát bằng công nghệ nhằm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và các hoạt động thiết yếu của người dân.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Tây Ninh là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc đón người dân từ vùng dịch trở về quê. Ảnh: Tây Nguyên 

Thời gian qua, Zalo OA “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh” và "Cổng Hành chính công Tây Ninh" là kênh giao tiếp trực tiếp với người dân tỉnh Tây Ninh. Đây cũng là các kênh khá quan trọng để tiếp cận người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh.

“Làm sao để mỗi người dân đều có thể tiếp cận được thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất được đưa ra từ chính quyền cho mọi đối tượng có khả năng tiếp cận nguồn thông tin nào để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh (Sở TTTT) nhấn mạnh.

Kịp thời đưa đón người dân về quê

Trong lúc các địa phương đang rất lúng túng với phương án đưa đón người dân từ vùng dịch về quê thì Tây Ninh đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người dân về quê nhà đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Là công nhân may cho một xí nghiệp tại TP.HCM, khi dịch Covid diễn biến phức tạp chị Nguyễn Thị Lan (37 tuổi, công nhân) phải tạm ngừng công việc, thu nhập và đời sống gia đình bị ảnh hưởng. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương chị Lan đã được đăng ký và có mặt danh sách những người dân Tây Ninh được đón về quê từ vùng dịch.

“Từ đầu tháng 8, tỉnh Tây Ninh đã cho người dân đi làm xa đăng ký trở về quê trên Zalo, tôi vì có con nhỏ nên được ưu tiên về quê ngay trong những đợt đầu tiên. Thất nghiệp dài ngày, không có tiền cũng may được về quê gần gia đình có gì còn được giúp đỡ chút ít”, chị Lan nói.

Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương nhanh chóng ứng dụng các nền tảng công nghệ trong công tác chống dịch. Đặc biệt, sự ra đời của kênh Zalo "BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Tây Ninh" ngay trong giai đoạn cao điểm dịch Covid giúp rất nhiều những người dân làm ăn xa quê có cơ hội tiếp cận và nhận thông tin về các chính sách của tỉnh như đưa rước người đi về từ tỉnh khác, quản lý người từ các tỉnh khác về để người dân nắm rõ thông tin thực hiện theo hướng dẫn của địa phương.

Suốt những tháng qua, tỉnh đã tổ chức đưa hàng ngàn người dân Tây Ninh đang ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương.“Đa số người dân rất đồng tình và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với người dân làm ăn xa quê muốn về quê hương tránh dịch thông qua Zalo ‘BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Tây Ninh’. Những điều đó được thể hiện qua số lượng lượt quan tâm, lượt share và phản hồi từ phía người dân tăng cao trong thời điểm dịch”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ những khó khăn công tác phòng chống dịch Covid, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trong giai đoạn cao điểm ngành y tế tỉnh chịu nhiều áp lực về nguồn lực. Vì thế, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Thông tin Truyền thông thực hiện chỉ đạo từ Bộ, Ngành, Trung Ương áp dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch.

“Sở TTTT đóng vai trò tham mưu và đưa ra giải pháp cho UBND tỉnh cũng như BCĐ phòng chống dịch tỉnh để hỗ trợ các như: Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh Xã hội…ngành trong công tác chống dịch.”, ông Nguyễn Trung Hiếu nói thêm.

Bắt đầu từ tháng 8/2021, tỉnh áp dụng tất cả các nền tảng, ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch. Cụ thể như quản lý người về địa phương cần phải giám sát từ cửa ngõ vào Tây Ninh chuyển về địa phương nơi cư trú quản lý và giám sát trên nền tảng Zalo OA; Nền tảng xét nghiệm quản lý xét nghiệm và trả kết quả trên ứng dụng Bluezone (nay là PC COVID); Nền tảng tiêm chủng trên Sổ Hồ sơ sức khoẻ; Đăng ký và nhận hỗ trợ tiền trợ cấp vì dịch Covid-19 trên nền tảng ứng dụng Tây Ninh Smart…

“Đảm bảo mọi hoạt động phòng chống dịch đều được giám sát chặt chẽ và thông tin số liệu về tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh được báo cáo thường xuyên và nhanh nhất cho lãnh đạo tỉnh để có những chỉ đạo kịp thời”, lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Tây Ninh chia sẻ .

Truyền thông hiệu quả vì gần dân

Người dân quét mã QR Khai báo y tế khi đến nơi công cộng, trụ sở làm việc. Ảnh Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tây Ninh

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc truyền tải tin tức, thông tin thông suốt đến người dân là yếu tố quan trọng trong phòng chống dịch, nhiều kênh truyền thông được tỉnh áp dụng triệt để thông tin đến người dân nhanh chóng và sớm nhất như: Đài PTTH Tây Ninh, Báo Tây Ninh, Truyền thanh cơ sở địa phương, Cổng thông tin 1022 của tỉnh, ứng dụng Tây Ninh Smart,... đặc biệt là Zalo “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh”.

“Đối với người dân việc tiếp cận thông tin chính thống “đúng, đủ, sạch” từ chính quyền là cần thiết trong thời điểm đợt dịch Covid thứ 4 khi trên các trang mạng xã hội đầy rẫy những thông tin sai trái, tiêu cực, phản ánh không đúng tình hình dịch bệnh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở TTTT tỉnh Tây Ninh nhận định, trong các kênh thông tin mà tỉnh đã triển khai thì Zalo là một kênh khá hiệu quả trong việc tương tác với người dân. Vì đa số người dân sử dụng điện thoại thông minh đều cài ứng dụng Zalo để nhắn tin, trao đổi với người thân, bạn bè. Nên việc lựa chọn kênh Zalo tương tác và cung cấp thông tin cho người dân là một cách tiếp cận nhanh và ít tốn kém mà mang lại hiệu quả nhất.

Đây cũng là kênh có thể truyền tải trực tiếp đến từng người dân các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh hằng ngày, đưa rước người về địa phương, đăng ký nhận hỗ trợ vì dịch Covid-19, thông tin tiêm chủng và phản ánh tình hình dịch… Từ đó, giúp người dân nhận hỗ trợ từ chính quyền nhanh nhất.

“Trong suốt mấy tháng dịch, hầu như ngày nào tôi cũng có thói quen mở Zalo để cập nhật số người nhiễm. Một điểm tôi cho là khá hay là người dân như tôi có thể gọi điện để nhờ hỗ trợ khi cần về y tế, báo cáo nghi nhiễm,... nên tôi và gia đình cũng an tâm”, ông Hoàng Văn Minh (47 tuổi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) nói.

Song song với Zalo “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh”, được biết, trong giai đoạn bình thường mới, tỉnh Tây Ninh đưa vào sử dụng Hệ thống đặt lịch hẹn trực tuyến trên Zalo “Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh”.

Việc đặt lịch hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính qua các kênh trực tuyến trong đó có Zalo là một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người trong cùng một thời điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch thủ tục hành chính trong giai đoạn địa phương từng bước nới lỏng giãn cách. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường mạng.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh cũng khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu chính công ích để nộp hồ sơ, nhận kết quả, hạn chế việc đi lại, tập trung đông người. Trong trường hợp phải đến làm việc trực tiếp, tỉnh đề nghị người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" theo hướng dẫn.