Những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế“

(Mặt trận) - Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người bị thương, trở thành thương, bệnh binh, không ít người dù không bị thương nhưng lại bị nhiễm chất độc hóa học… Về với thời bình, những con người ấy dù sức khỏe suy giảm đáng kể song vẫn cống hiến hết mình cho cộng đồng, chung tay phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp nối truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những người cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng trong đời thường...

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) quét vôi gốc cây, góp phần xây dựng tuyến phố văn minh. 

Chiến thắng bệnh tật

Ở tuổi gần 70, cựu chiến binh Doãn Văn Chắt, xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) không bao giờ quên những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường phía Bắc năm 1980. Đó là khoảng thời gian phơi phới của tuổi đôi mươi, đối mặt với bao hiểm nguy, xông pha nơi trận mạc. Năm 1984,  là thương binh 1/4, trở về quê hương, ông làm việc ở Nông trường 1A (thuộc Tổng cục Hậu cần) tại huyện Thạch Thất. Năm 2008, ông nghỉ hưu, dù sức khỏe chịu nhiều ảnh hưởng từ di chứng chiến tranh, nhưng ông vẫn quyết tâm làm kinh tế.

Từ một cửa hàng bán xăng nhỏ, ông tính toán, thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Thành Nam, là đơn vị chuyên kinh doanh xăng dầu, tạo việc làm cho 16 lao động với thu nhập từ 7-11 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2015, ông Chắt xây dựng tiếp một cơ sở sản xuất may mặc, tạo việc làm cho 100 công nhân. Không chỉ vậy, ông Doãn Văn Chắt còn chắt chiu, đóng góp nhiều phần quà tặng các hộ nghèo, thương, bệnh binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh mua xe đạp đi học… Đặc biệt, ông còn trang bị loa đài, bàn ghế… cho hội trường 4 thôn của xã Thạch Hòa, trị giá 210 triệu đồng.

Cũng như cựu chiến binh Doãn Văn Chắt, cứ mỗi khi trái nắng trở trời, cựu chiến binh Trương Văn Dần, nạn nhân chất độc da cam dioxin, xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) lại đau ốm do di chứng chiến tranh. Năm 1972, ông chiến đấu ở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nhưng khi phục viên trở về quê hương thì chưa phát hiện ra. Đến tận năm 2015, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, ông chăn nuôi gà để phát triển kinh tế. Tích cóp, phát triển dần, đến nay, trang trại gà của ông có quy mô khoảng 20.000 con, tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động tại địa phương. 

Công việc bận rộn, hiếm khi có giây phút ngơi tay, nhưng ông Dần luôn lạc quan. Ông tâm sự: "Bệnh tật khiến tôi đau ốm triền miên, nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua để phát triển trang trại và vui với cuộc sống".

Tiếp tục xông pha

Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Việt Hưng (quận Long Biên) tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Như Ý 

Không chỉ phát triển kinh tế, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Tiêu biểu như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Phạm Xuân Mạc. Kể từ ngày đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Hà Nội đến nay, gần như ông không có ngày nào ngơi nghỉ bởi những công việc "không tên" như: Bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép để giữ đẹp phố phường; tuyên truyền tới người dân về phòng, chống dịch...

Đánh giá cao những việc làm trách nhiệm của ông Phạm Xuân Mạc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa Hoàng Văn Tiến cho biết, Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa luôn được ghi nhận là Hội trong sạch vững mạnh xuất sắc có phần đóng góp quan trọng là sự dẫn dắt của người đứng đầu. Hội Cựu chiến binh quận khuyến khích Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa tiếp tục tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Tương tự, nhắc đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Ngô Thành Tô, người dân nơi đây đều quý trọng, bởi ông luôn là người tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao. Đặc biệt, từ ngày 15-7, khi trên địa bàn phường có ca dương tính với Covid-19, ông luôn bận rộn cả ngày, từ sáng sớm đến tối muộn để truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh. Ngày 24-7, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ông lại tham gia các chốt trực, chia sẻ gánh nặng với lực lượng chức năng địa phương.

Trước những tấm gương sáng của các cựu chiến binh trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh khẳng định, cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch Covid-19, Hội đã cử trên 3.000 hội viên tham gia các chốt, tổ tuần tra, giám sát tại các địa phương; kích hoạt các “Tổ Cựu chiến binh phản ứng nhanh”; lựa chọn các hội viên từng là y, bác sĩ đăng ký vào “Đội tình nguyện viên áo trắng” sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi có yêu cầu. Từ phong trào thiết thực của hội cựu chiến binh các cấp, đã xuất hiện những tấm gương sáng, khẳng định ý chí, nghị lực của những người dù "tàn nhưng không phế", góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 22.000 cựu chiến binh là thương, bệnh binh. Họ là những người duy trì, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, khuất phục nghịch cảnh, sẵn sàng xông pha nơi gian khó... Để rồi, họ luôn là những người chiến thắng trên mọi mặt trận, dù là thời chiến hay thời bình...