Nhất quán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc

(Mặt trận) - Không lùi bước trước tham nhũng, tiêu cực, “nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”.

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thông báo Kết quả tuyển dụng công chức Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2024

Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Thường xuyên tự soi, tự sửa, tránh xa cám dỗ vật chất, tham vọng

Điều trước hết, tất cả mỗi người trong bộ máy, dù ở cấp nào, cần đối diện với chính mình, tỉnh ngộ và tự răn mình về nạn ăn cắp, tiêu cực và liêm sỉ làm người. Dục vọng và sự tham lam, nếu không bị khắc chế, luôn đẩy người ta vào chỗ hủ bại, trộm cắp và tội lỗi. Phải bắt đầu từ tầm nhìn, từ tư duy, từ cảnh báo sự nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực đối với sứ mệnh quốc gia để “nhất quán phương châm: phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” (207) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết.

Nhưng, sự giác ngộ không phải chỉ nơi lời nói, mà ở kết quả của việc mình làm. Lại chẳng phải chỉ ở nơi thuộc, hiểu dù trăm câu kinh câu kệ mà cốt yếu là buộc ở nơi hành xử của mình. Cái khó khăn của nó chẳng phải tại nơi giảng dạy mà cốt ở chốn thực hành. Càng chẳng phải tất cả tại nơi yếu lý của tư tưởng tẩy trừ tham nhũng, mà ở hành động sống của người giáo truyền về tham nhũng, của người tự chống tham nhũng và tham gia chống tham nhũng. Đó là một phương châm dẫn lối muôn người ra khỏi sự tăm tối đủ loại, tự mình tỉnh ngộ. Đức Phật dạy: Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa.

Về hành động, để thực thi quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì chống tham nhũng, rằng, đã sợ tham nhũng và hệ lụy của nó thì không bàn chuyện chống; và, khi đã chống tham nhũng thì quyết không sợ, tất nhiên tất cả những gì thuộc về nó. Không bàn thêm. Vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo! Không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn rước họa đất nước bạc nhược và chuốc lấy sự thất bại của quốc gia trong công cuộc phát triển. Sinh tử thì phải tử sinh. Không do dự, cầu toàn. Đó là tất yếu!

Phải bắt đầu từ đó để tất cả không trừ một ai đều cùng nhau thấu rằng, (bất liêm, vô sỉ sinh ra) trộm cắp, tức tham nhũng, là điều thậm xấu hổ, là mắc tội với Dân, với Nước, là báng bổ giống nòi, là tạo ra nguy cơ mất nước! Vì thế, giờ là lúc không phải bàn thêm về quyết tâm chính trị mà cần làm gì và thế nào. Và, cũng phải hỏi, còn có ai trong đội ngũ ấy nghểnh ngảng, thờ ơ, chiếu lệ cho phải phép, rồi “nghe ngóng tùy thời”, “chọc gậy xuống nước” hoặc “a dua”, “hò voi bắn súng sậy” không?! Đấy chính là sự đồng lõa với sai trái, với trộm cắp và tội phạm!

Sự kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, với việc hơn một trăm vị lãnh đạo các cấp, kể cả lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, đa phần can dự tham nhũng dưới mọi hình thức, rất nhiều vị vướng vòng lao lý đang làm cho nhiều người lo lắng, hốt hoảng mà nói rằng, sợ “đang làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!). Có đúng như thế không?

Đó chỉ là cách biện hộ, thậm chí bào chữa cho thái độ nửa vời. Nhân dân đang thất vọng trước tâm lý ấy và không đồng ý với các quan điểm đó.

Thử nhìn lại năm 2022, kinh tế nước ta chẳng tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, với tốc độ 8,02% đó sao? Ngay bây giờ, dù đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, làm nghiêng ngả nhiều nước, chúng ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng như thế. Tình hình chính trị tiếp tục ổn định, an ninh xã hội nước nhà được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia yên ổn, một điểm đến tin cậy... đó sao? Lòng tin của Nhân dân và bạn bè quốc tế bắt đầu từ đó và nằm ở đó chứ ở đâu, sao lại nói vì... này, vì... kia mà sợ chậm phát triển, sợ không ổn định?

Tháng 4.2023, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020. Phải chăng, ở Việt Nam “một đảng lãnh đạo không thể chống được tham nhũng” (!), còn 103 các quốc gia đa đảng đứng sau Việt Nam lại chống tốt tham nhũng như ai đó hồ đồ từng bài xích?

Đổi mới phương pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

 

Vấn đề hiện nay là, phải phân loại, để có biện pháp giải quyết sao cho phù hợp. Mổ trâu thì dùng dao bài, nhưng mổ chim sẻ thì phải dùng dao kim. Song hãy coi chừng, bởi chưa chắc mổ trâu đã quan trọng hơn mổ chim sẻ. Một con chim sẻ (các cụ xưa gọi là bọn tiểu tước) mà “đậu cành cao”, khi tham nhũng quyền lực chính trị, thì tác họa còn nguy hiểm hơn cả trăm đàn trâu. Một “con ruồi đậu trên đầu hổ”, ngồi ở cơ quan hoạch định chính sách, mà tham nhũng chính sách thì còn nguy hiểm hơn cả những nơi thực thi chính sách với chức vụ còn to hơn gấp mười. Thân nhân của người nắm giữ quyền lực mà tác yêu tác quái thì hậu họa thật khôn lường cho nền chính trị. Mỗi loại một đối sách phù hợp, cố nhiên là sức mạnh tổng hợp.

Cho nên, ở đây cần phải căn cứ vào tính chất của đối tượng, của vụ việc để từ đó có đối sách phù hợp. Tham nhũng tiền bạc là tham nhũng ít. Tham nhũng về chức vụ, về chính sách mới là tham nhũng khủng khiếp. Nhưng, tham nhũng về lòng tin sẽ đưa đất nước đến chỗ sụp đổ, thực sự là trọng tội, là thảm họa.

Những vụ đại án về tham nhũng và khởi sự từ tham nhũng trong 6 năm kể từ 2017 đến nay đã xử lý kỳ thực đã tích tụ từ lâu, bằng cơ chế kiểm tra, kiểm soát dân chủ và minh bạch trong nhiều năm qua, bây giờ mới bộc lộ ra. Vì thế, có thể nói, để chống tham nhũng lúc này, cần tập trung làm tốt trước mắt, hai lĩnh vực rất căn bản, đó là gắn chặt đức trị và pháp trị. Đại hội XII của Đảng quyết định rất quan trọng, lấy vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn bộ phận cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những vấn đề trong quy luật xây dựng Đảng, vì sự sinh tồn của Đảng, của thể chế nước ta.

Tiền nhân nói: Sát nhất nhân vạn nhân kỵ. Đó chỉ là hạ sách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà... Hiện nay, công cuộc chống tham nhũng không khác gì đứng giữa bầy sói. Khi những “con sói đói khát quyền lực”, “đói khát tiền bạc” lũng đoạn, đục khoét quốc khố, xâm phạm cả những “ngôi đền linh thiêng nhất”, mà đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển, thì dứt khoát án tử hình tất phải toàn dụng. Hợp với nhẽ thường. Đấy là nhân văn nhất, đấy là đạo đức nhất. Đấy cũng là dân chủ và kỷ cương nhất. Tất nhiên là, người lãnh đạo Đảng ở các cấp cố nhiên là nhìn xa, trông rộng, tiên liệu và có đối sách sao cho phù hợp đã đành mà còn hành xử dứt khoát với tinh thần “Quốc pháp bất vị thân” một cách dân chủ, bình đẳng, minh bạch và đầy tính nhân văn.

Khi lời răn đạo lý chưa đủ mạnh, khi đạo đức chưa đủ lay chuyển thì ắt pháp lý phải ra tay, nhất định các đạo luật phải được toàn dụng một cách công khai, dân chủ, bình đẳng và nghiêm khắc. Đó là nhân văn nhất.

Lâu nay, có một thực tế ở không ít người, mà kỳ thực cũng không thể hiểu được hiện nay, tại sao có ý kiến lại đặt ra cái gọi là “liều lượng” với tham nhũng và chống tham nhũng? Rồi thế nào là “tầm mức”, thế nào là “mạnh tay”, thế nào là đủ, thế nào là “đến cùng”... khi nói về chống tham nhũng, với những nỗi sợ tự mình dựng lên về cái gọi “bảo vệ” sự “ổn định nội bộ” vu vơ nào đó, để thoái bộ, né tránh, cầm canh chống tham nhũng?

Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng tiêu cực” (207). Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, là tiếng Lòng của Nhân dân hiện nay! Vì, “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”.

Nếu ai đó, nhất là người đứng đầu, vì “sợ sai mà không dám làm gì” (!) thì nên ra khỏi bộ máy. Chúng ta công minh chính đại, có Đảng cương rõ ràng, Quốc pháp minh bạch, nên với những người ít hoặc nhiều đã nhúng chàm thì không bàn, cứ theo đó mà định luận. Nhưng với những người không đủ bản lĩnh, thì thôi, cũng nên rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm, dù đó là ai. Nếu chúng ta ngập ngừng, nửa vời phòng, chống tham nhũng, thì Lòng Dân xôn xao, bất ổn; xã hội sẽ phức tạp, rối ren; bạn bè quốc tế sẽ ngại ngần, xa lánh... thì còn đâu là quốc thể, còn đâu là lòng Dân tin vào thể chế nữa, theo đó lòng tin chiến lược của bạn bè quốc tế, vì đó, cũng bị bào mòn! Bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng nên nhớ: “Không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?... Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng” (16).

Bởi thế, nếu sự tự răn của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì Đảng cương không vùng cấm, “Quốc pháp bất vị thân” phải kiềm tỏa và toàn dụng. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe…. Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được... Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. 

Chưa thấy những con đường tự giáo hóa, tự phòng ngừa, cũng chưa thấy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa và tẩy trừ tham nhũng nào khác khả dụng hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng. Ảnh: Trí Dũng 

Tiếp tục đổi mới tư duy toàn diện, gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, lãng phí

Không ít người đang rắp mưu đánh tráo việc chống tham nhũng với thanh trừng phe phái, nguy hiểm hơn đổ cho thể chế của chúng ta. Phải khẳng định ngay là, từ xưa tới nay, ở nước ta và các quốc gia, dân tộc trên khắp hoàn cầu, không có thời nào chính tín, không một thể chế chính danh nào dung nạp hay nhân nhượng với tham nhũng. Xin cam kết lại là, không có thể chế chính danh nào, chính thể chính đáng nào dung túng hay dung tha tham nhũng. Đổ lỗi cho thể chế của ta, nói và hiểu như thế rõ ràng là cách nhìn của những người thiển cận hoặc đàn hặc hoặc cừu thù.

Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí càng phải vậy. Trong rất nhiều vấn đề, phải sửa đổi tư duy làm đầu. Cấp bách là, tiếp tục đổi mới tư duy toàn diện về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực, lãng phí.

Cần lấy phòng làm việc đầu tiên, làm việc căn bản, làm thế chủ động; đồng thời gắn với chống cả tiêu cực và tham nhũng. Nếu không như vậy, mới chỉ chống tham nhũng, tiêu cực “một nửa”, nghĩa là dọn dẹp hậu quả và hệ lụy của tham nhũng, lãng phí. Tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân dẫn tới trộm cắp, tham nhũng. Lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và hoành hành, mà bắt đầu từ tiêu cực, hủ bại. “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiển cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực (…) có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực” (16).

Bài học từ 500 năm qua càng xác tín, không chủ động phòng bằng việc kiểm soát hữu hiệu những căn nguyên nảy nòi tham nhũng, ở đây từ quyền lực, nhất định không thể khắc chế được tham nhũng - cái “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Vì, khi là “khuyết tật” nó càng trở nên nguy hiểm hơn gấp bội, khi những người được giao quyền lực rơi vào tha hóa, thoái hóa quyền lực hoặc để cho thân nhân của họ (hoặc cha mẹ hoặc vợ hoặc chồng hoặc con hoặc anh em…) bằng mọi thủ đoạn: cáo mượn oai hùm, ruồi trên đầu hổ… lợi dụng “khuyết tật” ấy để trục lợi, tham nhũng. Vì thế, “… Phải khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (419); càng cần “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoai lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” (434).

Đó chính là khâu căn bản để đột phá đổi mới tư duy, tầm nhìn và nguyên tắc để xây dựng hệ thống chính sách hoàn bị hợp thành cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công khai, minh bạch - con đường ngắn nhất để nhận diện, phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Bất cứ ai khi nắm giữ quyền lực, dù hình thức này hay kia, dù mức độ cao hay thấp… nếu không được kiểm soát và khắc chế cũng có thể có nguy cơ trở thành kẻ ăn cắp hay tham nhũng, nếu dục vọng cá nhân không được khắc chế, nếu tự kỷ không có liêm sỉ, nếu đạo đức cá nhân kém nát hay hủ bại, nếu người nắm giữ rường cột thể chế các cấp mục ruỗng, nếu luật pháp quốc gia lỏng lẻo hay suy bại. Tha hóa, thoái hóa quyền lực nhất định tới nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực, thậm chí lạm quyền, lộng quyền và thoán đoạt quyền lực. Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một bước trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người!

Do đó, phải “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực” (46). Rường cột của cơ chế này chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi và vận hành bằng pháp luật với phương châm công khai, dân chủ và minh bạch, nghĩa là kiến tạo hành lang để quyền lực thực thi và kiểm soát nó. “Tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực” (49). Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. “Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa” (49). Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại.

Theo đó, trước mắt, việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế trên nền móng Quốc pháp - Đảng cương và sự giám sát của Nhân dân thật sự là là vòng cương tỏa của thể chế tổng hợp phòng, chống tham nhũng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu qủa từ Đức trị tới Pháp trị, với phương châm Dân chủ hóa, Minh bạch hóa, gồm 8 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng; Không được tham nhũng; Không thể tham nhũng; Không cần tham nhũng; Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; Không thể thoát khi tham nhũng; và Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng và Các cấp (và trong ngoài phối hợp) đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ cơ chế kiểm soát sẽ có cơ chế khắc trị... và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là công khai, dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn! Công khai, minh bạch là con đường ngắn nhất để nhận diện và phòng, chống tham nhũng hiệu quả, để cắt bỏ cái khuyết tật bẩm sinh của quyền lực...

Mặt khác, phải định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội theo đó, trên phương diện này. Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... biến ảo khôn lường... song hành với lãng phí. Nếu không nhìn như thế, sẽ rất khó phân định và định luận các lĩnh vực, các cấp từ Trung ương tới địa phương trong cuộc phòng, chống tham nhũng. Nói trực tiếp, cấp bách đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực; và thông qua cơ chế này, chủ động kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót vùng nào, không lọt một ai. Đồng thời, “yêu cầu các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương phải ý thức rõ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương mình…” (196). Đó là động lực của đổi mới hệ thống thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Thứ tới là, chỉnh đốn bộ máy và đổi mới cơ chế sàng lọc đội ngũ cán bộ. Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu... và tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử chỗ này là, làm tốt yếu tố cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ với công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, phải tiếp tục đột phá vào chỗ tung thâm này, để tiếp tục đổi mới bộ máy nói chung và kiện toàn bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Một lần nữa nhắc lại Quốc lệnh (1946): “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng ĐÁNG SỢ NHẤT là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hằng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là NGUY HIỂM NHẤT.

Phải chỉnh đốn, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, dù khó khăn, thậm chí khốc liệt thế nào. "Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; cán bộ cố ý làm trái, dính líu, bao che cho sai phạm, cản trở quá trình điều tra, xử lý thì phải kịp thời thay thế, xử lý nghiêm, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả rõ rệt” (187).  Không trong sạch hóa đội ngũ cán bộ không thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cái gốc. Do đó, không thể lùi bước. “… Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước” (437). Mấu chốt ở đây là, kiến tạo cơ chế tuyển chọn và sàng lọc cán bộ.  

Vì vậy, phải xây dựng bộ máy các cấp chịu trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm những người “hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ: liêm - dũng - chính - trực” (146). Nghĩa là tối thiểu mang 6 tư chất sau: một, trong sạch nhất; hai, dũng cảm nhất; ba, tinh thông nghiệp vụ nhất, bốn, mưu lược khôn khéo nhất; năm, kỷ luật nhất; và sáu, dĩ công vi thượng nhất. Kinh nghiệm cốt tử vừa qua cho thấy, không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng. “Phải chống tham nhũng trước hết ngay trong các cơ quan chống tham nhũng” (199). Bộ máy chống tham nhũng Trung ương và 63 tỉnh, thành phố tiếp tục được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực trao cho họ.

Mặt khác, “các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định; chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…” (183). Đồng thời, “tập trung chỉ đạo khắc phục các khâu, lĩnh vực còn yếu, nhất là chỉ đạo khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở” (190). Đây là yếu tố quyết định việc thành bại từ nền móng và là khâu quan trọng của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.  

Các phương diện về thể chế trên phải tiếp tục sửa đổi hoàn bị, giữ nghiêm thực thi, không có ngoại lệ, không có vùng cấm và thi hành đồng bộ, triệt để. Đổi mới và hoàn thiện Quốc pháp đồng bộ và thống nhất với Đảng cương làm riềng mối căn bản của thể chế phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết về vấn đề này trên cương vị, chức trách của mình.

Chọn đúng người đứng đầu dẫn dắt cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc với cử tri Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội 

Ai chịu trách nhiệm trước hết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Tất nhiên, không thể là hai loại: những kẻ có nguy cơ tham nhũng và đồng lõa với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vì thế, cả dân tộc, trước hết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tất cả mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, không trừ một ai, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. “Người đứng đầu các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo” (146).

Thành bại về chiến lược và trước mắt là ở đây.

Nói khái lược, người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương và có trách nhiệm thực thi gương mẫu theo các Quy định: số 101 của Ban Bí thư khóa XI, số 55 của Bộ Chính trị khóa XII và số 08 của Trung ương Đảng khóa XII, trên phương diện này gắn chặt với các Quy định 37 và 96 khóa XIII...

Nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi XẤU XA của cán bộ, làm cho đồng bào MẤT lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng NGUY HẠI.

Những vụ "đại án" của 5 năm từ 2019 tới 2023, với hơn 170 cán bộ cao cấp và cấp cao bị xử lý vì tham nhũng hoặc liên quan tới tham nhũng, tiêu cưc, càng cho thấy về vấn đề sinh tử, thành bại của việc chọn người đứng đầu trong công cuộc khó khăn này.

Vì thế, người đứng đầu các cấp ủy và hệ thống chính trị phải Gương mẫu - Trung thực - Liêm sỉ - Trong sạch và Kỷ luật. Ai không được tối thiểu như thế, thì nên chủ động từ chức, từ nhiệm, trước khi bị xử phạt. Đó không chỉ là liêm sỉ mà là trách nhiệm. Trong các đại cuộc chính sự, nhất là ở cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sinh tử này, cái thắng không chỉ nằm ở nơi đơn thuần chính sự hay quan phương chỉ trên chiến trường, mà cái thắng ở đây, lại trước hết và căn bản nằm ở chính lòng người, mà người đứng đầu các cấp của hệ thống chính trị giữ vị thế tiên phong. Do đó, để “kiên quyết chống tư tưởng và lối sống chạy theo vật chất, tiền tài, tính ích kỷ, vụ lợi, ăn cắp của công, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa” (217), cần “siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân” (418).

Và vì thế, tất cả phải sống trong lòng Nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân! Thực tế 10 năm qua cho thấy, hơn 70% số vụ việc trộm cắp đủ loại, do Nhân dân và công luận phát hiện hoặc làm đầu mối để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của mình, há điều đó chẳng đủ để thấy sức mạnh lòng dân là tinh tường và vô địch đó sao? Ai tham nhũng, ăn cắp gì và ăn cắp thế nào, xin cứ hỏi Nhân dân và Nhân dân sẽ chỉ cho. Trong việc chọn người, ai trong sạch, ai hiền tài, ai phế nhân, ai vì Dân chân thật, ai ngụy quan gian trá… xin cứ hỏi Nhân dân, theo đó mà cẩn chọn người phụ trách các cấp phòng, chống tham nhũng, chưa bao giờ thấy sai.

Nay, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu người đứng đầu xứng đáng, lại được Lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự dù nan tới mấy cũng tất thành. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân tham gia chống tham nhũng. Và, Nhân dân cần được biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát thời cuộc, trực tiếp ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện đã và đang là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn thể đồng bào và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế” (523). Đó là sức mạnh tổng hợp sự hoàn chỉnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động, phương pháp tiến hành trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, với nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; trong đó, nhiều nội dung đã được thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Có thể coi đây là hệ thống tư tưởng mang tính “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Toàn bộ tư tưởng và hành động đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam - một cuộc chiến cam go,  sinh tử, vì sự thịnh vượng của Đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân và vì sự trường tồn và phát triển của Dân tộc.