Nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Xác định công tác vệ sinh môi trường có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp với ngành chức năng, chỉ đạo các cấp Hội thành lập và nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nhiệt tình hưởng ứng.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Xã Xuân Thượng (Xuân Trường) có 9 xóm, nhưng hiện mới chỉ có 1 điểm xử lý rác thải tập trung theo hình thức chôn lấp hoạt động từ năm 2012. Trong điều kiện lượng rác thải ngày càng nhiều, quỹ đất dành cho việc chôn lấp ngày càng hạn hẹp, thiết bị xử lý rác lạc hậu, nên tình trạng ùn ứ rác tại bãi tập kết dẫn đến ô nhiễm môi trường. Xác định phân loại rác từ hộ gia đình là bước quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, là một tiêu chí trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tháng 9-2020, Hội LHPN huyện Xuân Trường đã phối hợp với Phòng TN và MT, các đoàn thể trong huyện chọn xóm 5, xã Xuân Thượng làm điểm mô hình “Chi hội sống xanh”. Mục tiêu của mô hình là tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân chủ động thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, biến rác thải hữu cơ làm phân bón cho trồng trọt, tạo ra môi trường sống xanh, an toàn. Triển khai mô hình, các hội viên trong chi hội  được hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Hàng ngày các hộ dân tiến hành thu gom, phân loại rác thải; trong đó, rác hữu cơ được cho vào thùng xử lý hoặc hố rác đào sẵn, sau đó tưới chế phẩm vi sinh và đậy nắp. Sau khoảng 30-40 ngày, rác thải phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng. Để hỗ trợ mô hình, Hội LHPN huyện phối hợp với xã Xuân Thượng trao tặng 26 thùng phân loại rác hữu cơ và vô cơ, 40 nắp hố ủ rác hữu cơ và chế phẩm sinh học cho các thành viên tham gia mô hình xử lý rác thải xóm 5.

Từ vài chục hộ tham gia ban đầu, hiện 100% gia đình tại xóm 5 đã thực hiện xử lý phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng các loại rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; từ đó, giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường. Mô hình thành công đã tạo tiền đề để Hội LHPN huyện nhân rộng ra các xã, thị trấn, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Xã Nam Thanh (Nam Trực) là nơi tập trung nhiều nghề truyền thống như: Đúc nhôm Bình Yên, thổi thuỷ tinh Xối Trì, dệt Trung Thắng…, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương cũng như các xã lân cận. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân các làng nghề đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, đặc biệt là môi trường nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Trước thực trạng trên, Hội Phụ nữ xã Nam Thanh đã đẩy mạnh tuyên truyền các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2021 đồng thời tổ chức ký giao ước thi đua với 22 chi hội trong toàn xã về việc đảm nhận các phần việc bảo vệ môi trường như: trồng hoa ven đường, khuôn viên UBND xã, nhà văn hóa xóm, tuyến đường trục xã; xây dựng các tuyến đường phụ nữ tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh môi trường… Để phong trào trồng và chăm sóc các đường hoa được hiện thực hóa, Hội Phụ nữ xã đã chọn chi hội thôn Phú Cường trồng 500m đường hoa trên tuyến đường trục của thôn. Trên tuyến đường này, định kỳ hàng tháng, hội viên trong chi hội thường xuyên cắt tỉa, dọn vệ sinh, tạo cảnh quan nông thôn sạch, đẹp. Từ chi hội thôn Phú Cường, đến nay, các chi Hội Phụ nữ xã Nam Thanh đã trồng được gần 5.000m đường hoa dứa tím và dạ thảo. Bên cạnh đó Hội Phụ nữ xã phát động hộ gia đình hội viên tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: Định kỳ tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh các khu vực công cộng; trồng cây xanh, tập kết rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng rác thải nhựa... Từ đó góp phần xây dựng NTM của xã sáng - xanh - sạch - đẹp.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường xây dựng NTM thu hút đông đảo gia đình hội viên và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Có thể kể đến các mô hình: “Chi hội phụ nữ 3 sạch, tham gia xây dựng NTM”, “Chi hội phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường khu vực biển, xây dựng NTM”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, thân thiện”, “Chi hội sống xanh”, “Phụ nữ liên kết phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường do phụ nữ tự quản, góp phần bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Tuyến đường hoa do phụ nữ tự quản”... Đến nay, toàn tỉnh có 3.682 mô hình “Chi hội 5 không 3 sạch, tham gia xây dựng NTM”; hàng nghìn tuyến đường phụ nữ tự quản; thành lập gần 100 mô hình xử lý rác thải, tặng hàng nghìn thùng rác để các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ; xây dựng 2.003 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 2.575km... Qua đó tạo phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa tới cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp còn thành lập được một số mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả, mang lại việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên phụ nữ tại các địa phương như: “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản”; “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế”; “Tổ liên kết trồng rau sạch”; “Tổ liên kết trồng hoa và cây cảnh”... 

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tổ chức cho hội viên đi tham quan học hỏi các mô hình điểm, hiệu quả. Phối hợp với Sở TN và MT đánh giá hiệu quả hoạt động thiết thực của các mô hình điểm, đặc biệt là mô hình phân loại và xử lý rác thải, từ đó có kế hoạch hỗ trợ kinh phí, nguồn lực thực hiện./.

Hoa Quyên