Nhà báo dùng quyền hạn để dọa dẫm, trục lợi, hình thức nào cũng đều vi phạm

(Mặt trận) - Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu ý kiến về hiện tượng nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị bắt quả tang bằng việc gỡ bài trên Fanpage.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

 Ông Lê Quốc Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời gian gần đây có hiện tượng một số nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị bắt quả tang. Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Ông đánh giá gì về việc thời gian gần đây, có những nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị bắt quả tang?

Mỗi khi nhận được thông tin về một vụ việc như thế này, chắc chắn mỗi người làm báo chúng ta đều cảm thấy tức giận và xấu hổ.

Những hành động vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo đã xảy ra lác đác trong nhiều năm qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ngày càng có nhiều vụ nhà báo hoặc cộng tác viên tống tiền doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí cả cơ quan nhà nước, rồi bị bắt giữ và khởi tố.

Các vụ việc vừa qua cho thấy, những nhà báo biến chất này có thể giữ nhiều vị trí khác nhau trong tòa soạn – kể cả vị trí lãnh đạo, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau – kể cả những người rất trẻ, cách thức dọa dẫm và tống tiền ngày càng liều lĩnh, số tiền ngày càng lớn. 

Có những người nêu lý do biện minh cho hành động này – chẳng hạn việc tòa soạn “khoán” doanh thu cho cộng tác viên, hay hoàn cảnh gia đình khó khăn, v,v… 

Nhưng tất cả những lý do này đều không thể chấp nhận được, bởi những hành động đó đi ngược lại với những giá trị trường tồn của báo chí, đi ngược lại sứ mạng của người làm báo là phụng sự xã hội. 

Cũng có những ý kiến cho rằng đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng thực tế vừa qua cho thấy, số lượng “sâu” dường như đang nhiều hơn. Vì thế, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, của các cấp hội và của chính lãnh đạo các cơ quan báo chí là phải xử lý mạnh tay để làm trong sạch đội ngũ nhà báo.

"Chiêu thức mới"

- Lâu nay người ta mới nghe chuyện viết bài để tống tiền doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền để gỡ bài trên báo. Nhưng giờ đây, “chiêu thức mới” được biết đến là nhà báo viết bài trên trang Fanpage rồi yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền để gỡ bài. Ông đánh giá gì về việc này, thưa ông?

Thực tế này tuy chưa có nhiều vụ việc bị phát giác, cho thấy một mối đe dọa nghiêm trọng khi những người được đào tạo là nhà báo chuyên nghiệp và có được uy tín nhờ làm việc cho các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, có thể dễ dàng thực hiện những hành động sai trái, vô đạo đức, và nếu trót lọt thì hưởng lợi vật chất cho riêng mình một cách trái phép. 

Việc mỗi nhà báo sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân đã phải tuân thủ quy định của tòa báo nơi họ công tác, và thông thường, không một tòa báo nào cho phép nhân viên của họ vận hành các trang bên ngoài fanpage chính thức của mình.

Việc không theo dõi sát và để cho nhân viên lập fanpage rồi dùng fanpage đó trục lợi cá nhân và làm tổn hại đến uy tín của tờ báo thì thiệt thòi lớn nhất thuộc về tờ báo, về tập thể những người làm việc tại tờ báo đó. 

Nó cũng cho thấy, các cơ quan báo chí giờ đây quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất thông tin trên tờ báo in, kênh phát thanh-truyền hình, điện tử, hay các kênh mạng xã hội chính thức của mình thôi chưa đủ, mà còn phải giám sát được cả các cách thức “lách kẽ hở” khác. 

- Theo ông, cơ quan báo chí có nên quy định hoặc giám sát việc các nhà báo tham gia Fanpage, dùng Facebook đăng nội dung doạ dẫm doanh nghiệp để sau đó thương lượng gỡ bài?

“Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” bao gồm 3 chương và 7 điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam công bố và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2019. 

Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã có những quy định cụ thể về việc sử dụng mạng xã hội. Đây là cách làm rất phổ biến ở nước ngoài, bởi phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội có tác động rất lớn đối với cộng đồng. 

Nhiều người lập luận rằng, nhà báo cũng là một công dân và tài khoản mạng xã hội chỉ hoạt động với vai trò cá nhân. Nhưng thực tế, khi đọc dòng trạng thái của một nhà báo trên mạng xã hội, người dùng có thể nghĩ rằng đó là quan điểm của tòa soạn, hoặc chính kiến của một nhà báo và họ sẽ coi đó như một định hướng để noi theo. 

Vì thế, nhà báo sử dụng mạng xã hội với tư cách một người dùng thông thường đã là một vấn đề cần cân nhắc, nhà báo đăng hay không nên đăng nội dung gì đã là vấn đề gây tranh cãi.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có những nhà báo coi mạng xã hội như một kênh để họ tha hồ nói những điều mà họ không đưa vào bài viết trên báo. Điều này vi phạm quy định sử dụng mạng xã hội của các cơ quan báo chí, chưa nói đến việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ lợi ích riêng, cả về tinh thần lẫn vật chất. 

Nhà báo sử dụng quyền hạn của mình để dọa dẫm đối tượng nhằm trục lợi, dù bằng bất cứ hình thức nào và trên bất kỳ nền tảng nào, đều là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hành động này không chỉ khiến độc giả, khán thính giả chê bai cá nhân nhà báo đó, mà còn khiến họ mất niềm tin vào tờ báo nơi nhà báo đó công tác, thậm chí cả giới báo chí. Những hành động như vậy đã cấu thành tội phạm và dứt khoát phải bị xử lý nghiêm khắc. 

Tôi cho rằng, từng cơ quan báo chí, nếu chưa có quy định về việc sử dụng mạng xã hội của nhà báo thì cần xây dựng ngay, hoặc đã có rồi thì cần siết chặt việc kiểm soát, có những biện pháp ngăn chặn từ sớm từ xa. 

Bản thân lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng phải có trách nhiệm nếu phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của mình không tuân thủ quy chế và thực hiện những hành vi sai trái như vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!