Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân

(Mặt trận) - Ngày 20/12, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Ban Biên tập xin trân trọng đăng toàn văn Nghị quyết quan trọng này.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội và Chủ tịch T.ƯHội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao kỉ niệm chương cho đại diện những hợp tác xã tiêu biểu tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc và biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam

đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới

I- TÌNH HÌNH

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hội nông dân các cấp tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; củng cố, phát triển tổ chức hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập, đó là chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân; việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời; hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nông dân nhận thức, trình độ, năng lực còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong nông dân còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, đúng mức; nguồn lực dành cho hoạt động hội và hỗ trợ cho nông dân còn hạn chế. Một số tổ chức hội chưa chủ động, kịp thời trong tham mưu, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp giữa hội với các cơ quan, tổ chức còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một bộ phận cán bộ hội năng lực hạn chế, chậm đổi mới tư duy, thiếu tâm huyết, chưa sâu sát cơ sở, chưa đủ uy tín dẫn dắt phong trào nông dân, chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU

1. Quan điểm chỉ đạo

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp.

- Tăng cường trách nhiệm của hội nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

- Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

b) Mục tiêu cụ thể

Hằng năm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu cụ thể sau:

- Kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên.

- 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.

- Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.

- Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp.

- Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.

- 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

- 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nông dân. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

Gắn công tác tuyên truyền, vận động với giải quyết lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân trong hoạt động của hội, nhất là sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế… gắn với chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường truyền thông về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, mô hình hay, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan truyền thông của hội nông dân. Đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa hội với hội viên, nông dân thông qua Internet, mạng xã hội; xây dựng, phát triển các nhóm hội viên nòng cốt, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho hội viên, nông dân.

Phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông"; phát động phong trào "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hoạt động "Nhà nông sáng tạo", "Nhà nông đua tài" để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh.

2. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hội nông dân các cấp theo hướng sát cơ sở, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quá trình phát triển; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của hội. Đa dạng hoá phương thức, mô hình tập hợp, đoàn kết nông dân gắn với nguyện vọng, nhu cầu nghề nghiệp, địa bàn dân cư; phát triển các mô hình chi hội, tổ hội, câu lạc bộ, trọng tâm là chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội. Mở rộng đối tượng kết nạp, phát triển hội viên và thành phần sinh hoạt trong chi hội, tổ hội gắn với thực tiễn. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông dân, hội viên, tổ chức hội góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ hội bảo đảm số lượng, chất lượng; cán bộ hội phải có uy tín, trình độ, năng lực thực tiễn, trưởng thành từ phong trào quần chúng, nhất là cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở, chi hội trưởng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ lãnh đạo, bố trí chủ tịch hội là cấp uỷ viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ hội các cấp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ nông dân, trường đào tạo cán bộ hội nông dân; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cấp hội; đẩy mạnh công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hội.

Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát của các cấp hội, phát huy vai trò của ủy ban kiểm tra hội các cấp, bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của hội. Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về vấn đề nông dân, hội nông dân, giai cấp nông dân, liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới.

 

3. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh 

Tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò của các trường, trung tâm thuộc hội nông dân trong xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Có cơ chế để hội nông dân tham gia cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho hội viên, nông dân. Xây dựng chỉ số đánh giá làm cơ sở để tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, đa dạng hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hoá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân.

Hội nông dân thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước; phối hợp với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, nhất là giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn.

4. Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động 

Tạo điều kiện cho nông dân tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Phát huy vai trò cộng đồng, gia đình, tinh thần học hỏi của nông dân trong xây dựng văn hoá sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt, ứng xử; thực hiện nếp sống văn minh, quy ước, hương ước ở nông thôn; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tạo điều kiện cho hội nông dân trực tiếp tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, y tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, văn hoá, thể dục, thể thao, chính sách an sinh xã hội, nhất là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.

5. Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hội nông dân, chú trọng giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoạt động của chính quyền; đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nâng cao chất lượng thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, pháp luật về dân chủ cơ sở, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hội nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nông dân; hoà giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị.

6. Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân

Tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam tham gia các tổ chức nông dân của khu vực và quốc tế; phát huy vai trò của nông dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế, hợp tác, giao thương, trao đổi, giới thiệu hàng hoá nông sản giữa nông dân Việt Nam với nông dân các nước. Thường xuyên thông tin, hỗ trợ cho nông dân tham gia thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phối hợp với các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế cho cán bộ hội nông dân.

7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với hội nông dân; xây dựng hội vững mạnh toàn diện; tăng cường phát triển hội viên ưu tú cho Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về nông dân và hội nông dân.

Lãnh đạo cấp uỷ đảng, chính quyền định kỳ làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội; hằng năm tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân và hội nông dân. Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên đối với hội nông dân; khuyến khích đảng viên ở nông thôn tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội.

Tạo điều kiện cho hội nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa hội nông dân với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hoá sát với thực tiễn địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá Nghị quyết, bố trí nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn, tuyên truyền nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết.

5. Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

6. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nghị quyết này phổ biến đến chi bộ.