Nghị quyết 68: Tăng tốc các gói hỗ trợ tới tận tay đối tượng thụ hưởng

(Mặt trận) - Đã 3 tháng kể từ khi Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành và có hiệu lực.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

 Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đều kỳ vọng, chính sách này thực sự trở thành "phao cứu sinh" cho người lao động và chủ sử dụng lao động trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội, nguồn thu nhập và quỹ lương chịu ảnh hưởng rất lớn do mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế bị đình trệ và đứt gãy.

Tổng hợp từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 tính đến đầu tháng 10 năm nay là gần 15,8 nghìn tỷ đồng; trên 19 triệu lượt đối tượng; trong đó, 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác đã được thụ hưởng. Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc).

Mặc dù ghi nhận những kết quả thực hiện trong quá trình triển khai Nghị quyết 68 vào đời sống thực tiễn, song theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), các chính sách ứng phó về kinh tế của Việt Nam để thích ứng với dịch bệnh còn có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế và chậm triển khai, dẫn tới khó duy trì các thành tích tăng trưởng kinh tế như trước đây.

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai và chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, bà Phạm Minh Thu, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng muốn biết chính sách chậm hay không, thường thì chỉ nhìn vào tiến độ giải ngân của từng chính sách.

Với Nghị quyết 68, hiện có 3 nhóm nguồn chính sách gồm nhóm từ nguồn quỹ bảo hiểm; nhóm từ nguồn vốn cho vay thông qua các ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương và nhóm chính sách trợ cấp tiền mặt bằng ngân sách.

Hiện nay, bất cập lớn nhất trong triển khai của nhóm chính sách từ quỹ bảo hiểm và cho vay từ các ngân hàng chính sách xã hội chủ yếu liên quan tới vấn đề thủ tục. Tức là các điều kiện quy định để doanh nghiệp cũng như người lao động thụ hưởng chính sách vẫn còn nhiều thủ tục và khó khăn.

Trong khi lợi ích mà họ được hưởng thì không nhiều lắm, khiến cho các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà, không quyết tâm theo đuổi để thực hiện các thủ tục; kể cả việc đi vay. Hay như chính sách đào tạo cũng vậy. Hỗ trợ đào tạo cho người lao động có 1 triệu đồng/người nhưng kèm theo đó doanh nghiệp phải nộp rất nhiều giấy tờ liên quan; trong đó, kể cả xác nhận đóng bảo hiểm đầy đủ; phương án đào tạo phối, kết hợp với các bên liên quan…

"Còn câu chuyện hỗ trợ tiền mặt thì rõ ràng qua quá trình xem xét, các địa phương được giao tự chủ và có quyền quyết định việc hỗ trợ đối tượng nào và hỗ trợ bao nhiêu. Tuy nhiên, như Hà Nội, Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh đều là những nơi phải tự lo hết thì họ lại cũng là nơi tổ chức hỗ trợ được nhiều nhất. Đây cũng chính là những tỉnh, thành phố có nguồn tài chính rất vững mạnh. Thực tế, những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ bằng ngân sách đều không phải là những tỉnh nghèo. Rõ ràng, ở đây có câu chuyện về sự hạn chế của ngân sách địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ cho nhóm lao động tự do," bà Thu nhấn mạnh.

Bà Thu cho biết qua kết quả khảo sát, lao động tự do luôn chiếm cơ cấu lớn trong hỗ trợ về tiền mặt. Hỗ trợ được khoảng 4 triệu người thì đã có hơn 3 triệu người là lao động tự do. Địa phương cũng tự quyết định việc hỗ trợ nhóm đối tượng nào, mức hỗ trợ bao nhiêu. Như vậy là địa phương phải tự cân đối ngân sách, xem phần hỗ trợ có thể là 20%, 40% hay 60%... để ra phương án hỗ trợ như thế nào cho phù hợp.

Vì thế, nguyên nhân chậm giải ngân của nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt có liên quan tới vấn đề cân đối ngân sách địa phương. Hoặc là không có, hoặc là không đủ để áp ứng và liên quan tới việc xác định đối tượng và mức độ thụ hưởng.

"Một khi địa phương đã xác định được rồi, dự trù được ngân sách hỗ trợ rồi thì việc triển khai chắc rằng không có gì là rào cản," bà Thu lưu ý.

Để đẩy nhanh việc triển khai chính sách hỗ trợ vào đời sống, WB và nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo rằng, trong lúc chưa có nhiều chuyển biến về việc kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh thì yêu cầu thực hiện các biện giáp giãn cách xã hội sẽ khiến cho hoạt động của doanh nghiệp bị "kìm chân" và thu nhập của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Do đó, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ bằng tiền để tiếp cận nhiều hơn những hộ gia đình, người lao động ở khu vực phi chính thức, những người bị ảnh hưởng nhưng không có tên trong các cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội hiện hành.

Gói hỗ trợ tới đây, Chính phủ cần bổ sung thêm các nhóm lao động bị ảnh hưởng và tăng thêm số tiền hỗ trợ cho các cá nhân. Tần suất hỗ trợ bằng tiền hiện chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ một lần thay vì hỗ trợ trong nhiều tháng như gói hỗ trợ hồi tháng 4/2020, WB khuyến nghị.

Ở góc nhìn nghiên cứu, ông Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế xã hội của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng, không nên để chậm trễ trong việc giải ngân các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết 68.

Có câu: "Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no" nên hơn lúc nào hết, các cấp, ngành và địa phương, cần đẩy nhanh nhất có thể chính sách này. Với diễn biến hiện nay của dịch bệnh COVID-19 thì tốc độ là vấn đề quan trọng. Nhất là trước cơn gió bão đổi chiều, đổi hướng liên tục và có tính bất định cao, chưa từng có tiền lệ thế này.

Theo ông Thắng, ngoài việc thúc đẩy chính sách được triển khai hiệu quả, Việt Nam cũng cần chuẩn bị, củng cố hệ thống "phòng thủ" và tăng cường khả năng ứng phó nhanh; trước bất cứ tình huống xấu nào cũng đều có thể kích hoạt lập tức như xảy ra thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu hay môi trường…

Điều quan trọng là bảo hiểm xã hội chính là hệ thống phòng thủ tự động, nên rất cần tập trung cắt giảm những vướng mắc, tồn đọng liên quan tới thủ tục hành chính để mọi đối tượng thụ hưởng đều có thể nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất có thể. Nghị quyết 68 nếu được triển khai nhanh và gọn, không chỉ đem lại kết quả tích cực, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa cao tới những chính sách khác mà Chính phủ đang chủ trương thực hiện để cộng đồng xã hội và toàn nền kinh tế dốc sức vực dậy sau đại dịch.

Hơn thế nữa, Việt Nam cũng cần dự phòng nguồn lực và 1 tâm thế sẵn sàng để khi xảy tới những tình huống xấu, những làn sóng mới hay những cú shock khác thì đều có thể kích hoạt nhanh nhất khả năng thích ứng.

Đó có thể là những chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp; trong đó, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nền tảng công nghệ số gắn với các phần mềm hệ thống quản lý công dân quốc gia. Chính nguồn lực ấy cũng là giải pháp để tăng cường tính minh bạch, tránh tình trạng trùng lặp trong quá trình hỗ trợ người dân; thậm chí, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác hậu kiểm khi cần triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ./.