Ngày Môi trường thế giới năm 2020: Nỗ lực lan tỏa “hành động xanh"

(Mặt trận) -Ngày Môi trường Thế giới năm nay có chù đề “Hành động vì thiên nhiên,” bởi năm nay là dấu mốc quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP: Từ 1/1/2025, chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

 

Hồ Tà Đùng với hàng trăm “đảo” lớn nhỏ, vốn được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long" của Tây Nguyên.

Ra đời cách đây gần 5 thập kỷ, Ngày Môi trường Thế giới (5/6) có ý nghĩa đặc biệt để khuyến khích sự quan tâm chính trị và truyền cảm hứng cho cộng đồng, từ đó cùng chung tay bảo vệ môi trường, lan tỏa các hành động vì “tương lai xanh.”

Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề là “Hành động vì thiên nhiên,” bởi năm nay là năm dấu mốc quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trước khi bước vào “thập niên phục hồi hệ sinh thái.” Đây cũng là thời điểm để mỗi quốc gia đưa ra những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên, trái đất.

Những “điểm sáng” trong bảo tồn

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ngày 15/12/1972, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra quyết nghị chính thức công nhận ngày 5/6 hàng năm là Ngày Môi trường thế giới theo đề nghị của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.

Bắt đầu từ năm 1982, các hoạt động hưởng ứng ngày lễ này đã được Việt Nam tổ chức và đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về đa đạng sinh học, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015, diện tích tăng thêm gần 73.260ha).

Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế. Trong số đó có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu hecsta; 2 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar hơn 120.000 hécta; 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với gần 188.000 hécta.

Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu; hoàn thành việc thiết lập mới 3 hành lang đa dạng sinh học; trong đó có 2 Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) vừa mới được công nhận.

Về bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, từ nhiều năm nay, các loài hoang dã nguy cấp cũng đã được đánh giá và đưa vào “Sách đỏ” để bảo tồn thông qua việc lập các danh mục với mức độ nguy cấp và ưu tiên bảo vệ để quy định chế độ quản lý tương ứng. Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai (chương trình bảo tồn hổ; voi, linh trưởng, rùa nguy cấp...).

Nhờ đó, việc bảo vệ các loài hoang dã trong những năm qua đã được chú trọng đẩy mạnh, góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp, vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Về bảo tồn nguồn gen, quản lý việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thông qua Chương trình quỹ gen đã tiến hành bảo tồn nguồn gen quý trên phạm vi cả nước, đặc biệt nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản và dược liệu, đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm.

Hiện số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ…

Với nền đa dạng sinh học trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các giải pháp đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó đang dự thảo có 7 điều về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Lan tỏa “hành động xanh”

Năm nay, Ngày Môi trường thế giới diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch COVID-19. Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền cho Ngày Môi trường thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường.

Các khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2020 tập trung vào các nội dung chính như: Hài hòa với thiên nhiên-gìn giữ bảo tồn đa dạng sinh học; liên kết chống lại biến đổi khí hậu; sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học; sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; đa dạng sinh học-hành trình duy trì sự sống; đa dạng sinh học-nhận thức đúng, hành động đủ; hành động vì thiên nhiên.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng các chương trình, phát động các cuộc thi, phong trào thiết thực ý nghĩa, cổ vũ lan tỏa tới cộng đồng, cụ thể phát sóng trên Đài Truyền hình; tổ chức cuộc thi sáng kiến “Mô hình Văn phòng xanh thân thiện với môi trường;” chương trình diễn đàn “Thanh niên với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học”…

Đặc biệt, nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đơn vị liên quan tổ chức công bố Khu Bảo tồn đất ngập nước Phá Tam Giang-Cầu Hai.

Để tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động tuyên truyền trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết các chiến dịch truyền thông sẽ tập trung vào đối tượng cộng đồng, người dân trên cả nước đặc biệt là giới trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, những người dễ dàng tiếp cận với khoa học cộng nghệ hiện đại và tích cực thay đổi vì một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tổ chức chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

“Chúng tôi hy vọng sẽ lan tỏa, đánh thức những tiềm ẩn, hành động, khơi dậy niềm cảm hứng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, biển đảo và môi trường là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân trên cả nước,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh./.

Theo TTXVN