Nâng cao chất lượng dân số là đầu tư cho tương lai

(Mặt trận) -Chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

 Tư vấn dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở Đô Lương (Nghệ An).

Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Đỗ Doãn Tú: Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS -  KHHGĐ) thời gian qua, đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Quy mô dân số hiện nay gần 96,5 triệu người (năm 2019), tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số 10 năm (2009-2019) trong khoảng từ 1,05% đến 1,15%/ năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68%.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6% tuổi (năm 2019), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Mỗi cặp vợ chồng có hai con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa trong toàn xã hội; dịch vụ DS - KHHGĐ ngày càng được mở rộng và  chất lượng ngày càng cao...

Tuy nhiên, công tác dân số hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ để ổn định quy mô dân số, hiện nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ; nhất là nâng cao chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, tỉnh thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, mức sinh vẫn còn cao ở một số tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, Tây Nguyên. Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả bởi chưa có giải pháp đồng bộ… Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu...

Nhằm khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức nêu trên, hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và 50 năm Ngày dân số Việt Nam, Bộ Y tế kêu gọi các cấp, ngành cần “nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Theo đó, các ngành, địa phương sớm có những giải pháp triển khai chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số; tiếp tục có chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật để nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong  chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, trọng tâm là chất lượng dân số.  Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Cần bảo đảm nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu như duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Cần có đội ngũ mạnh cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm nhất định về chế độ đãi ngộ cũng như đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ này. Việc phát triển mạng lưới cán bộ làm công tác dân số phải được xem là khâu trọng yếu trong việc thực hiện tốt chiến lược dân số đến năm 2030. Cần có đội ngũ cán bộ làm công tác dân số am hiểu, có kinh nghiệm và tâm huyết với công việc.

Bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác dân số; có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số… Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cần vận dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhằm phục vụ cho mục tiêu của chiến lược dân số. Thực hiện có hiệu quả các phương tiện truyền thông này sẽ giúp mỗi người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, từ đó góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững. Để góp phần nâng cao chất lượng về dân số, trong đó bao gồm chất lượng về thể lực cần có nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng cho người Việt Nam.

Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác DS - KHHGĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Theo nhandan.com.vn