Nam Định và Ninh Bình: Giáo dân chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Trong những năm qua, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2020, không thể không nhắc đến những đóng góp vào thành quả chung của các giáo dân tại 2 Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

 Những con đường tại làng quê Nam Định được bê tông kiên cố, trồng hoa hai bên đường.

Những thành quả đó của các giáo dân tại 2 Giáo phận đã được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận là có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đặc biệt là những đóng góp trong việc chung tay bảo vệ môi trường...

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định và Ninh Bình, trong nhiều năm qua, đồng bào công giáo, giáo dân tại 2 Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm luôn duy trì, đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, thiết thực, nổi bật nhất là các phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”. Tất cả các phong trào đều có mục đích chung là tập hợp, đoàn kết các giáo dân chung sức thực hiện những mục tiêu thiết thực mà đặc biệt là tích cực tham gia bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; giữ gìn an ninh trật tự… Chính vì những nội dung cụ thể, thiết thực đó nên kể từ khi phát động, các phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo giáo dân tại các Giáo phận.

Theo thống kê tại tỉnh Nam Định, đạo Công giáo có Giáo phận Bùi Chu, một phần Giáo phận Hà Nội, có 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ; có 1 Giám mục, 227 linh mục; có trên 47 vạn giáo dân (25% dân số toàn tỉnh) sinh sống ở 199/229 xã, phường, thị trấn (trong đó có 83 xã, thị trấn giáo dân chiếm trên 30% dân số). Giáo phận Phát Diệm tại tỉnh Ninh Bình có khoảng 162.015 tín đồ, chiếm 17,69% dân số với 79 giáo xứ, 348 giáo họ, 315 nhà thờ, nhà nguyện; có 1 Giám mục, Giám quản Giáo phận, 125 linh mục; có 2 Dòng tu là Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm với 391 nữ tu, sự tu và Dòng Xi tô Châu Sơn; 106 tu sĩ, tập tu. Có 25 loại hội đoàn, với 1.199 hội viên.

Nhằm hưởng ứng phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới từ sự phát động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, trong gần 10 năm qua, các chức sắc và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực cho thấy sự đoàn kết và đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Từ việc góp, hiến đất, ủng hộ tiền mặt, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng cấp các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo. 

Chia sẻ về phong trào giáo dân tại các Giáo phận tích cực tham gia bảo vệ môi trường, một giáo dân tại Giáo phận Bùi Chu chia sẻ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, trong đó có trách nhiệm của các tôn giáo. Chúng tôi luôn ý thức được rằng việc bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Để những phong trào càng trở nên ý nghĩa và thiết thực, chúng tôi liên tục tổ chức hoạt động trồng cây xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông, lắp đặt và đưa vào sử dụng những bể thu gom vỏ chai lọ, bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, đóng góp ngày công, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Với tinh thần đó, cho đến hiện tại toàn bộ đường làng, ngõ xóm tại các khu dân cư trên địa bàn đã sạch đẹp hơn, môi trường được cải thiện và đời sống cũng được nâng cao”.

Nhắc đến vấn đề chung tay bảo vệ môi trường của các giáo dân tại các Giáo phận tại Nam Định không thể không nhắc đến giáo dân Trần Văn Kiều, ở xứ đạo Kiên Lao (huyện Xuân Trường), người được xem là có nhiều tâm huyết, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ở tỉnh Nam Định thời gian qua.

Xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải của nhiều địa phương, ông Kiều cùng với các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo ra các thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Không dừng lại ở đó, ông Kiều còn đầu tư hàng tỷ đồng để biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một khu xử lý, đốt rác thải nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên. Từ đó đến nay, “bãi rác” này trở thành địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương, nơi trẻ em đến để chạy nhảy trên thảm cỏ, người già có thể ngồi nghỉ ngơi trên ghế đá, dưới tán cây xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giáo dân tại 2 Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm cũng cho biết, ở tại địa bàn một số khu dân cư hay tại các khu, cụm công nghiệp vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt để bừa bãi ven đường, ven đê hoặc ken đặc ở ao hồ, kênh mương; nước thải sản xuất xả thải thẳng ra môi trường, không được thu gom, xử lý triệt để...

Để khắc phục tình trạng này, các Giáo phận luôn xác định phải có trách nhiệm phối hợp cùng với cơ quan chức năng làm tốt việc tuyên truyền, giúp các giáo dân và người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tham gia thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, từng năm và từng giai đoạn, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đều cùng nhau ký kết thực hiện Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhìn lại kết quả sau khoảng 10 năm chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của giáo dân tại 2 Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm có thể thấy rõ sự khang trang, sạch đẹp, cuộc sống yên bình hiếm có của xứ đạo. Từ những con đường chật hẹp, lầy lội giờ đây đổi thay bằng những con đường sạch đẹp, rợp bóng cây xanh, thắm sắc hoa; những con kênh ngập rác, những cánh đồng với các vỏ bao bảo vệ thực vật giờ đây đã được thu gom và xử lý, góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Từ đó, các giáo dân an tâm lao động sản xuất và có một cuộc sống ấm no, an lành.

Việt Linh