Nam Định: Phát huy vai trò của các ban công tác Mặt trận cơ sở

(Mặt trận) -Những năm qua, hoạt động của các Ban công tác Mặt trận ở cơ sở ở tỉnh Nam Định đã khơi dậy, phát huy tiềm năng của cộng đồng dân cư, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Cán bộ, đảng viên nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ

Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

Về xóm Xuân Thắng, xã Giao Xuân (Giao Thủy) hôm nay, nhiều người cảm nhận được rõ nét đổi thay ở một vùng quê biển: Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng san sát. Đường ngõ phong quang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Có được kết quả trên, ban công tác Mặt trận xóm đã tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà văn hóa xóm được tu sửa, nâng cấp khang trang, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân. Xóm đã xây dựng tuyến đường hoa liên xóm Xuân Thắng - Xuân Phong, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ban công tác Mặt trận xóm còn vận động nhân dân đóng góp làm mới, tu bổ, nâng cấp đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới (NTM). Đến nay, xóm có 183/187 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”; 100% hộ dân trong xóm sử dụng điện sinh hoạt, nước sạch hợp vệ sinh; 90% số hộ có ti vi; 80% hộ có xe máy... Năm 2020, xóm Xuân Thắng được các cấp chính quyền chọn làm điểm để xây dựng mô hình xóm NTM kiểu mẫu.

 Hội viên phụ nữ xóm Xuân Thắng, xã Giao Xuân (Giao Thủy) biểu diễn văn nghệ trong ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.

Còn tại thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực), ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, phát huy tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp. Thôn đã được UBND huyện công nhận khu dân cư văn hóa NTM năm 2018. Nhân dân trong thôn và những người con xa quê đã đóng góp trên 3 tỷ đồng xây dựng đường làng ngõ xóm, cổng làng, nhà văn hóa và các công trình thể thao… Đến nay, hệ thống giao thông trong thôn đều được “cứng hóa”, với hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Qua bình xét năm 2020, thôn có 560/593 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% số hộ dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; trên 90% số hộ có nhà kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm. Thôn Đồng Lư phấn đấu đạt khu dân cư văn hóa NTM kiểu mẫu trong năm 2021.

Toàn tỉnh hiện có gần 3.500 ban công tác Mặt trận. Với phương châm hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chú trọng kiện toàn, củng cố các ban công tác Mặt trận theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động. Hàng năm, các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đều phối hợp tổ chức hàng trăm buổi phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được các ban công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa phương. Bên cạnh việc phối hợp với trưởng thôn, xóm tổ chức cho hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hoá, hàng năm, các ban công tác Mặt trận còn vận động nhân dân đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, nếp sống văn hoá. Trong xây dựng NTM, các ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, xóm tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp tiền, hiến đất xây dựng thiết chế văn hóa, đường giao thông đường nội đồng; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu. Ngoài ra, ban công tác Mặt trận cùng với các tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 80%, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.863/3.462 làng, tổ dân phố được công nhận làng, tổ dân phố văn hoá; 507.361 gia đình được công nhận là gia đình văn hoá; 1.568 khu dân cư 5 không; 3.335 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó có 3.180  hương ước, quy ước được phê duyệt.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở các khu dân cư. Tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo động lực để ban công tác Mặt trận ở cơ sở tiếp tục phát huy vai trò, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư./.

Hồng Lam