Mỹ Sơn: Chú trọng tuyên truyền, nâng cao chất lượng dân số

(Mặt trận) -Mặc dù địa bàn xa trung tâm, với hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Raglai nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, chị em được tiếp xúc các dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe sinh sản (SKSS).

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Cán bộ Trạm Y tế xã Mỹ Sơn tổ chức cân sức khỏe cho các bé.

Bác sỹ Đinh Trung Điệp, Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Sơn cho biết: Toàn xã hiện có 2.228 phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phân bổ trên 6 thôn. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nên ít quan tâm đến công tác DS, chăm sóc SKSS. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới, Trạm Y tế xã đã lồng ghép nội dung, hoạt động của đơn vị với việc truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về DS, chăm sóc SKSS/KHHGĐ một cách phù hợp nên được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng và tham gia thực hiện.  Để hoạt động tuyên truyền về DS được thực hiện thường xuyên, phù hợp với từng đối tượng, hàng năm, Ban DS-KHHGĐ xã Mỹ Sơn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể địa phương như: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tập trung tuyên truyền những việc làm, dẫn chứng cụ thể. Đơn cử như đối với Hội Nông dân xã, lực lượng cộng tác viên chú trọng nội dung những việc nam giới cần làm giúp vợ khi mang thai như: chủ động đưa vợ đi khám thai ít nhất 3 lần tại cơ sở y tế; làm các việc nặng nhọc thay vợ; chuẩn bị các phương tiện để đưa vợ đến các cơ sở y tế khi chuyển dạ; thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS,… Đối với đồng bào dân tộc Raglai, mạng lưới y tế thôn thường xuyên bám sát cơ sở quản lý thai, theo dõi cũng như tư vấn các chị một số nội dung như: lợi ích của việc khám thai, tư vấn sàng lọc sơ sinh và trước sinh; cách làm mẹ an toàn, dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc, thăm khám tại nhà cho bà mẹ sau sinh…

Ngoài ra, hằng năm, Trạm Y tế xã còn phối hợp với Trường THCS Trần Hưng Đạo tổ chức tuyên truyền, tiêm chủng phòng ngừa uốn ván, rubella; nói chuyện chuyên đề về SKSS tiền hôn nhân… trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh khối 8 và 9. Cùng với đó, Trạm Y tế còn tận dụng hệ thống loa phát thanh xã tuyên truyền về những chính sách DS trong tình hình mới; nhắc nhở chị em theo dõi lịch tiêm phòng và cho uống Vitamin đầy đủ theo định kỳ đối với trẻ dưới 5 tuổi... Với cách làm đó, người dân trên địa bàn xã ngày càng nâng cao nhận thức, tự giác đến Trạm Y tế xã để khám thai đầy đủ. Nhiều chị không chỉ thực hiện tốt việc chăm sóc SKSS cho bản thân mà còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ các phụ nữ khác ở địa phương mình làm theo. Chị Mấu Thị Khuyên, thôn Mỹ Hiệp chia sẻ: Em vừa sinh cháu thứ 2 tại Trạm Y tế và cảm thấy rất hài lòng. Sau khi được tư vấn, vợ chồng em quyết tâm thực hiện mô hình ít con để có thêm thời gian chăm sóc con cái cũng như điều kiện phát triển kinh tế gia đình tốt hơn.

Cùng với đó, Trạm tích cực thực hiện các chương trình, đề án, mô hình, hoạt động nâng cao chất lượng dân số, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc SKSS/ KHHGĐ. Qua đó, từng bước triển khai có hiệu quả các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, giúp cho nhiều đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận, thực hiện các dịch vụ cần thiết. Định kỳ hàng tháng, mạng lưới cộng tác viên tổ chức đánh giá lại những hoạt động trong tháng, giải quyết những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở. Với những nỗ lực đó, trong năm đã có 1.571 người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 70,5%; 922 phụ khám phụ khoa; 153 phụ nữ khám thai 3 lần; 22 thai phụ sinh con an toàn tại trạm y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,12%... Bên cạnh kết quả đạt được, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao 17,3% (tăng 0,4% so với năm 2019); các nguồn kinh phí bị cắt giảm ảnh hưởng đến hoạt động tuyên truyền, chế độ đãi ngộ lực lượng cộng tác viên còn thấp…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Trạm Y tế xã Mỹ Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chương trình, đề án, mô hình nâng cao chất lượng DS, phấn đấu cuối năm 2021 giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống còn 17%.

M.D