(Mặt trận) - Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay rất cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và có tính đặc thù. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc là phương thức tốt nhất, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Chính vì thế Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có chương trình, kết luận chuyên đề về đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.
|
Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Để đoàn kết tôn giáo phải có chính sách đoàn kết và sự tôn trọng thật sự. Thực tiễn đặt ra cần phải tiếp tục làm rõ và bổ sung cả về chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện trong thể chế chính trị và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Một là, đổi mới vận động, đoàn kết, tập hợp các tôn giáo như thế nào; Hai là, làm thế nào để phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo; Ba là, hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo qui định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận, ngoài thể chế nhà nước cần giải quyết vấn đề gì để phát huy cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò “nòng cốt” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, trong đó có đồng bào các tôn giáo, cần thể chế thành các cơ chế chính sách, pháp luật cụ thể.
Phương thức để các chức sắc, đồng bào các tôn giáo tham gia xây dựng chính sách, pháp luật
Công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Công tác tôn giáo của Mặt trận với 5 nội dung đã xác định trong Điều 4, Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tham xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc với vị trí là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tôn trọng sự khác biệt, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, nhất là phát huy mặt tốt của các tôn giáo tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tham gia giáo dục, y tế, nhân đạo, từ thiện, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được các tôn giáo hưởng ứng tích cực, tham gia công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Quá trình tổ chức thực hiện có ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, quan điểm, trong việc thể chế quan điểm, chính sách tôn giáo thành quy định cụ thể của pháp luật còn chậm, có nhiều vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ trong nội dung, phương thức thực hiện: (1) phát huy vai trò tuyên truyền, hòa giải, vận động thực hiện chính sách, pháp luật; phát huy vai trò các chức sắc, người tiêu biểu trong các tôn giáo trong tham gia mặt trận; (2) phản ánh, kiến nghị tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tín đồ tôn giáo; (3) tiếp xúc, đối thoại với chức sắc, tín đồ tôn giáo; (4) giám sát việc thực hiện; (5) phản biện xã hội, góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự tham gia tích cực của các thành viên.
Nội dung công tác tôn giáo của Mặt trận rất rộng, phương thức phải đa dạng, linh hoạt. Phương thức vận động, đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc có sức thuyết phục các tôn giáo và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vấn đề nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác vận động, đoàn kết tôn giáo tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật là nội dung vẫn đang được quan tâm hiện nay, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải làm rõ hơn như: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong nhiệm vụ quan trọng và đặc thù này; Bổ sung xây dựng những qui định pháp luật mà chính sách đã có, được tổng kết, ghi nhận vào các văn kiện của Đảng nhưng chưa thể chế thành cơ chế, qui định pháp luật để thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó cần tổ chức thực hiện tốt phản ánh tâm tư nguyện vọng, giám sát, phản biện xã hội và góp ý thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là những vấn đề nhân dân, xã hội quan tâm như: Tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo; pháp nhân tôn giáo; khung hoạt động của các chức sắc tôn giáo; đào tạo, phong phẩm trong tôn giáo; nơi sinh hoạt tôn giáo và bày tỏ tín ngưỡng; đất đai tín ngưỡng, tôn giáo và cơ sở thờ tự…
|
Hội thảo khoa học "Công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam - Những vấn đề cần quan tâm" |
Một số nội dung cần quan tâm trong đoàn kết tôn giáo tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật hiện nay
Thứ nhất, Làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trước hết là trong bộ máy hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, rồi đến các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc và nhân dân về chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Chức sắc, tín đồ tin sẽ tích cực tham gia.
Việc ổn định đời sống tôn giáo và tạo thêm điều kiện cho các tôn giáo cống hiến khả năng xây dựng, phát triển đất nước là không ngoài quy luật mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra: luôn luôn duy trì và phát triển xu hướng tôn giáo đồng hành với dân tộc và CNXH, đoàn kết dân tộc tôn giáo trước hết bằng mục tiêu chung, điểm tương đồng giữa lý tưởng tốt đẹp vốn có của các tôn giáo với CNXH, khai thác những giá trị tích cực của các tôn giáo trước hết là các giá trị văn hóa và đạo đức, đồng thời luôn cảnh giác với những âm mưu lợi dụng các tôn giáo và mục đích chính trị phản dân tộc và CNXH…
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các tôn giáo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết đại hội XIII của Đảng; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt các chương trình, dự án, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, khởi nghiệp, an sinh xã hội của đất nước và địa phương giai đoạn 2021-2026. Kết quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tôn giáo trong mặt trận thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, ích nước, lợi nhà.
Cần xây dựng nhận thức đúng đắn về bản chất, vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là vai trò văn hoá, đạo đức và từ thiện của tôn giáo có thể phục vụ đắc lực cho việc xây dựng con người mới, xã hội mới trong lâu dài. Tiếp tục vận động quần chúng tín đồ hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kết hợp với các biện pháp đối với các đối tượng cực đoan chống đối, tăng cường kiểm tra rà soát các vấn đề nổi cộm để giải quyết sớm, tránh tạo điểm nóng.
Đối với các tôn giáo cần làm rõ cắt nghĩa tại sao phải tham gia xây dựng pháp luật của các tôn giáo là sự lựa chọn đúng đắn. Đó là vì: một là, bản thân mỗi chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có đạo đều là công dân, đã là công dân phải có bổn phận với đất nước, có quyền và nghĩa vụ, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đó sẽ “ tốt đời, đẹp đạo”, “ích đạo, lợi đời”; hai là, tôn trọng pháp luật, thực hiện pháp luật sẽ bảo đảm ổn định xã hội, các quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mới được thực hiện; ba là, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là phái sinh, con người là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, pháp luật, đã là chủ thể phải chủ động tham gia hoàn thiện và thực hiện pháp luật, thực hiện pháp luật chính là sự tôn trọng mình và tôn trọng mọi người.
Thứ hai, đổi mới tổ chức thực hiện các vận động, phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, khen thưởng phù hợp
Trong đó cần tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/ĐCT, ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo và Hướng dẫn số: Các văn bản mới hướng dẫn, chỉ đạo sau tổng kết Nghị quyết số 25/NQ-TW, văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường công tác vận động, đoàn kết các tôn giảo ở nước ta hiện nay”.
Tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tổ chức và đồng bào các tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội như: phòng chống dịch Covid- 19, đảm bảo an toàn giao thông; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; chung tay giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ và đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn; tích cực hưởng ứng và tham gia triển khai các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các phong trào thi đua yêu nước khác do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Chủ động phối hợp với các ban của Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động; chú trong cung cấp tài liệu, ký chương trình phối hợp thực hiện giữa mặt trận với các cơ quan và tổ chức tôn giáo.
Phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên trong công tác vận động an sinh xã hội nhằm hỗ trợ đời sống của Nhân dân ngày càng tốt hơn. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát động, vận động các nguồn lực xã hội và triển khai công tác cứu trợ Nhân dân khi có tình huống thiên tai, dịch bệnh; chú trọng đến các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo.
Phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, chức sắc và đồng bào các tôn giáo tổ chức tốt các ngày lễ trọng của tôn giáo, đảm bảo trang nghiêm, chu đáo, an toàn, tiết kiệm và theo quy định của pháp luật. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, thăm viếng các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, Tết cổ truyền của dân tộc và khi chức sắc, nhà tu hành ốm đau, qua đời.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách, pháp luật
Giải quyết những bất cập trong pháp luật hiện nay liên quan đến tôn giáo: vấn đề đất đai tôn giáo, dịch vụ tôn giáo, pháp nhân tôn giáo, thủ tục hành chính...
Hoàn thiện chế định dân chủ đại diện và các hình thức của dân chủ đại diện theo hướng thực chất, nâng cao trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm giải trình của các thiết chế dân chủ đại diện trước cử tri, lấy sự hài lòng của người dân, mức độ bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm tiêu chí đánh giá quan trọng nhất.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế dân chủ, trong đó chú trọng đến hoàn thiện các chính sách, pháp luật sau: Xây dựng Nghị định thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng, bổ sung Luật giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Luật giám sát của Nhân dân; các luật liên quan đến giáo dục, dạy nghề, bảo vệ sức khỏe, đất đai, môi trường, an sinh xã hội… kiến nghị các nội dung quan tâm đến tôn giáo, phát huy vai trò của các tôn giáo. Trước mắt làm tốt việc góp ý, kiến nghị thể chế 4 chính sách về đất đai tôn giáo trong Luật đất đai đang sửa đổi hiện nay.
Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong đối thoại với Nhân dân dưới các hình thức phù hợp; thể chế hóa cơ chế đối thoại với Nhân dân; quy định trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của cán bộ các cấp trong đối thoại với Nhân dân.
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin phù hợp với Hiến pháp năm 2013, chú trọng mở rộng phạm vi các chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin, thể chế hoá trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp, công khai thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước, qua đó phát huy vai trò nhân dân kiểm soát các cơ quan nhà nước….
Hoàn thiện cơ chế giám sát trực tiếp của nhân dân và giám sát thông qua các tổ chức đại diện cho mình trong thực hiện công khai, minh bạch, giải quyết tâm tư nguyện vọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị.
Hoàn thiện pháp luật về tự quản của người dân tại các cộng đồng dân cư có sự phù hợp với đô thị và nông thôn theo hướng phát huy tối đa nguồn lực cộng đồng để quản lý cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện Luật MTTQ Việt Nam, thể chế hóa đầy đủ và có cơ chế phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân tích cực xây dựng, phát triển đất nước; tích cực thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về giám sát, phản biện xã hội, góp ý, phản ánh tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tín đồ tôn giáo
Thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội theo qui định của pháp Luật; giám sát thực hiện các cơ chế hỗ trợ của nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo (xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, bão lũ...). Tích cực tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo các dự án, kế hoạch, chương trình kinh tế- xã hội liên quan đến công tác tôn giáo của địa phương; các chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp theo qui định vào những vấn đề nhân dân địa phương quan tâm, bức xúc.
Chủ động nắm bắt, tập hợp đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tổ chức và đồng bào các tôn giáo để báo cáo với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp xúc giữa các tôn giáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng gắn kết và đồng thuận xã hội.
Thứ năm, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận, đoàn thể
Kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ làm công tác vận động, đoàn kết tôn giáo còn bất cập. Để giải quyết nhiệm vụ này cần biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ mặt trận, đoàn thể về tôn giáo cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; Kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao tính phối hợp trong hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung vào một số nhóm vấn đề sau:
Tăng cường phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên trong công tác tôn giáo. Bổ sung các chức sắc tôn giáo, tín đồ tiêu biểu làm thành viên ban công tác mặt trận khu dân cư, ủy ban MTTQ các cấp. Tập trung nhiệm vụ xây dựng khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo đoàn kết; phát triển thành viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức, cá nhân tôn giáo của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương và trong một số tôn giáo.
Chú trọng việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời, đẹp đạo", nhất là trong chức sắc, đồng bào công giáo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi.
Nhân rộng việc ký qui chế phối hợp, kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên việc tốt, mặt tích cực của các tôn giáo....Hoàn thiện các qui định về khen thưởng những đóng góp tích cực của cá nhân, tổ chức tôn giáo với đất nước; Định kỳ tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc với người đứng đầu, những người uy tín, tiêu biểu trong các tôn giáo...
Vận động các linh mục mục vụ tham gia Ủy ban đoàn kết Công giáo, giúp tổ chức thành công Đại hội toàn quốc của Ủy ban trong năm 2023. Nghiên cứu cơ chế, chính sách và mô hình phù hợp để phát huy vai trò của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, nhất là ở cấp tỉnh thành phố trong việc đoàn kết, tập hợp đồng bào Công giáo và thúc đẩy sự gắn bó đồng hành cùng dân tộc, "kính Chúa yêu nước" của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam