(Mặt trận) -Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" là chương trình lớn đã và đang được MTTQ các cấp tích cực phát động, triển khai thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình điểm, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy vai trò tiên phong đi đầu.
Người dân hưởng ứng tích cực
Vài năm trở lại đây, cánh đồng Sa ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ) không còn tình trạng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vương vãi. Giờ không ai nhắc ai, sau khi phun thuốc hay có rác ngoài đồng, bà con lại nhặt bỏ vào cống bi đặt ngay chân ruộng.
|
Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Thiện (Bình Hải) tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển. |
Thôn Nga Mân có trên 70ha lúa, cây màu. Tuy lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng năm không lớn, nhưng để hạn chế lượng rác thải từ các vỏ bao bì, chai, lọ đựng thuốc tại các xứ đồng, Ban công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân; huy động các nguồn vốn đóng góp xây dựng 7 cống bi chứa rác tại đồng ruộng.
Những cống bi này đặt ở những vị trí phù hợp, thuận tiện giao thông, nhưng xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường. Thôn Nga Mân cũng là điểm sáng của huyện Đức Phổ về xây dựng mô hình "Khu dân cư hài hòa, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường".
Tại xã ven biển Bình Hải (Bình Sơn), ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy, xã chú trọng triển khai việc xây dựng mô hình “Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại cộng đồng dân cư vùng ven biển, hải đảo”. Mô hình đã phát huy vai trò tự quản của người dân trong việc gìn giữ môi trường biển, chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu.
Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phước Thiện (Bình Hải) Nguyễn Thị Thương cho biết: "Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được thôn triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các tiêu chí tham gia bảo vệ môi trường được cụ thể hóa vào nội dung của cuộc vận động, nhằm đánh giá công nhận gia đình văn hóa. Ở mỗi khu dân cư đều hình thành, các “đội tình nguyện”, “nhóm nòng cốt”... thu hút người dân tham gia, để cùng nhau giữ gìn môi trường biển".
Lan tỏa hành động bảo vệ môi trường
Nếu như Phước Thiện là thôn đầu tiên của xã Bình Hải thực hiện việc thu gom rác thải tập trung, góp phần giải quyết vệ sinh môi trường biển, thì hiện nay, tất cả các thôn của xã Bình Hải đều thành lập tổ thu gom rác thải, vận chuyển đến nơi tập trung. Các khu dân cư cũng thành lập các tổ tự quản, nhằm giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Không chỉ các xã Phổ Cường, Bình Hải, mà hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hiện đã xây dựng ít nhất một mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, gắn với việc thành lập và ra mắt tổ tự quản, ở khu dân cư. Nhiều huyện nhân rộng mô hình này như huyện Đức Phổ (43/346 khu dân cư), Mộ Đức (127/371 khu dân cư,) Bình Sơn (148/411 khu dân cư)... Huyện Trà Bồng có 55 tổ, huyện Lý Sơn có 23 tổ và huyện Mộ Đức có 127 tổ tự quản về môi trường...
Việc hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Thông qua vận động của MTTQ các cấp, nhân dân hưởng ứng cùng với Nhà nước xây dựng, bảo vệ và cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, không đổ rác sai quy định; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; trồng cây xanh ở khu công cộng, đường làng và trong nhà dân; xây dựng các tổ tự quản về môi trường...
T.T