Mai Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình): Điểm sáng thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải

(Mặt trận) -Nhờ huy động hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện công tác thu gom và xử lý rác thải, xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã giải được "bài toán khó" về những bức xúc do rác thải gây ra trên địa bàn. Mai Hóa hiện không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước đây, người dân luôn nâng cao ý thức, chủ động tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở và các điểm công cộng, tạo cảnh quan môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông..., năm 2016, xã Mai Hóa đã về đích nông thôn mới và hiện đang xây dựng, phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện và nâng lên, Mai Hóa lại phải đối mặt với hệ lụy kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý.

Các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội xã Mai Hóa chăm sóc, làm đẹp các đoạn đường tự quản.

Bà Cao Thị N., một người dân trên địa bàn xã nhớ lại: “Cách đây 2 năm, tình trạng người dân xả rác thải không đúng nơi quy định và tại các khu vực công cộng thường xuyên diễn ra trên địa bàn xã. Lượng rác phát sinh đa dạng về số lượng và chủng loại, nhưng công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý còn hạn chế, chỉ mang tính thời vụ nên rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường xung quanh”.

Xác định công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng và khẩn thiết, Ủy ban MTTQVN xã Mai Hóa đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã khảo sát thực trạng để xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Cao Thị Loan, Chủ tịch Ủy ban MTTVN xã Mai Hóa cho hay: “Trên cơ sở khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng các khu dân cư về mật độ dân số, địa hình, giao thông và khối lượng, thành phần rác thải sinh hoạt phát sinh, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình “Xã hội hóa thu gom rác thải” nhằm huy động mọi nguồn lực, thành phần trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Đúng như mục tiêu đề ra, mô hình đã thu hút sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhận thức và hành động của mỗi người dân trên địa bàn xã đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai mô hình, trên địa bàn xã không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra dọc bờ sông, đường giao thông, các điểm công cộng như trước đây; nguồn lực đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cũng được tăng cường; các phương tiện thu gom, vận chuyển, thiết bị xử lý rác thải đã được đầu tư, giải quyết được các bức xúc do rác thải gây ra tại địa phương, trả lại cảnh quan môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Ủy ban MTTQVN xã đã chủ trì xây dựng 6 mô hình “Dân vận khéo”, tự quản về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) tại 6 KDC nhân Ngày Môi trường thế giới hàng năm với các tên gọi: “KDC chung tay BVMT”, “KDC hài hòa xóa đói giảm nghèo, BVMT”.

Các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội của xã cũng đã chỉ đạo các chi hội đảm nhận các đoạn đường tự quản ở các KDC, xây dựng các mô hình BVMT, như: Hội LHPN với mô hình “5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân với mô hình “Thu gom ve chai, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”…

Hàng năm, UBND xã Mai Hóa đã trích 4 triệu đồng từ nguồn kinh phí phân bổ sự nghiệp môi trường để hỗ trợ Công ty DVMT Thế Phương mua xe ba gác vận chuyển rác từ các điểm lẻ đến điểm chính, trích kinh phí cấp sổ cam kết thu gom rác thải cho các hộ gia đình. Ủy ban MTTQVN xã đã vận động, chỉ đạo tổ chức thu phí vệ sinh môi trường và số tiền phí thu được dùng để chi trả cho mọi hoạt động liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

“Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình “Xã hội hóa thu gom rác thải”, một lượng lớn rác thải tại các điểm công cộng trên địa bàn đã được thu gom sạch sẽ. Toàn xã đã có 60 đoạn đường tự quản, phong trào làm tổng vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật hàng tuần, thu gom và xử lý rác thải vào chiều chủ nhật và sáng thứ hai hàng tuần tại các KDC được duy trì thường xuyên.

Đặc biệt, mọi người dân đã có ý thức chủ động trong công tác thu gom và xử lý rác bằng cách tự phân loại rác thải tại hộ gia đình. Đối với rác thải có thể tái chế (giấy, kim loại, nhựa), bà con thu gom lại để bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm sau sơ chế (rau, củ, quả) được tận dụng cho chăn nuôi; phần rác còn lại được bỏ vào bao, bì tập kết tại các điểm chứa rác quy định để định kỳ vào ngày chủ nhật và thứ hai hàng tuần có phương tiện vận chuyển lên bãi rác thị trấn Đồng Lê xử lý.”, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mai Hóa Cao Thị Loan chia sẻ.

Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và KDC kiểu mẫu, xã Mai Hóa đang tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác nâng cao chất lượng xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải.

Định kỳ vào chiều chủ nhật và sáng thứ hai hàng tuần, người dân xã Mai Hóa thực hiện thu gom rác thải đến nơi quy định để xử lý.

Xã sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để từng bước đầu tư cho mạng lưới thu gom, hoàn thiện các điểm tập kết rác tập trung và cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải theo quy hoạch; đưa các hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.

Cùng với các hình thức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải, xã sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Nói về hiệu quả mô hình “Xã hội hóa thu gom rác thải” tại xã Mai Hóa, ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa nhấn mạnh: “Thành công của mô hình là đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường sống; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị hợp đồng dịch vụ thu gom và xử lý rác thải; trách nhiệm của người dân trong việc đóng phí vệ sinh môi trường.

Từ khi thực hiện mô hình, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn xã được bảo đảm. Đây là mô hình cần được nhân rộng để huy động sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển môi trường bền vững”.

Hiền Chi