(Mặt trận) -Đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2017, cuối năm 2018 xã Liêm Phong, được UBND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam chọn là xã làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện. Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, đồng thời tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các nhóm tiêu chí NTM kiểu mẫu, đến thời điểm này Liêm Phong đã “cán đích” xã NTM kiểu mẫu.
|
Tuyến đường kiểu mẫu ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. |
Dưới tán cây xanh mát nơi mái đình linh thiêng, đồng chí Đỗ Thị Châm, 65 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Yên Thống vui vẻ chia sẻ: Chung tay xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, đời sống của người dân, diện mạo làng quê có sự thay đổi rõ nét. Trước đây, đường làng ngõ xóm nhỏ hẹp, lầy lội, nay được bê tông rộng rãi, khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp. Thôn Yên Thống giờ không còn hộ nghèo theo tiêu chí NTM. Tỷ lệ nhà cao tầng đạt 40%... Người xa quê lâu ngày trở về đều ngỡ ngàng: Làng mình giờ khác thế, đẹp thế!
Không chỉ Yên Thống, những năm qua, xã Liêm Phong đã phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ đảng, thôn, xóm và hộ gia đình trong xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lại Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong cho biết: Trong xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng góp phần nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, triển khai các dự án dạy nghề, tạo điều kiện cho lao động địa phương xuất khẩu lao động, vào làm công nhân trong các doanh nghiệp… nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, thu nhập bình quân đầu người của xã Liêm Phong không ngừng được nâng lên. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37,3 triệu đồng; năm 2018 đạt 52,4 triệu đồng; năm 2019 đạt 68,3 triệu đồng; năm 2020 đạt 75,4 triệu đồng. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo không ngừng giảm xuống. Theo số liệu thống kê, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,1%, năm 2019 còn 0,6%, năm 2020 không còn hộ nghèo tiêu chí NTM.
Song song với việc nỗ lực hoàn thành tiêu chí thu nhập và nhóm các tiêu chí NTM kiểu mẫu, Liêm Phong chọn tiêu chí môi trường là tiêu chí nổi trội. Với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường ở Liêm Phong đạt cao hơn qui định. Hiện, 100% chất thải rắn trên địa bàn được thu gom và vận chuyển về bể trung chuyển của xã (quy định đạt 90% trở lên).
Để giảm lượng rác thải phát sinh khi thu gom, Hội Phụ nữ xã triển khai “Đề án phân loại rác thải tại nguồn”, hướng dẫn bà con ủ phân hữu cơ tại gia đình, đồng thời tuyên truyền, phổ biến Luật Môi trường tại 6/6 thôn trong xã. Đến hết năm 2020, ở Liêm Phong 100% hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo quy định. Khoảng 35% (tương đương 28,3 tấn) lượng rác hữu cơ được làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón, 17% (tương đương 13,7 tấn) rác tái chế, như: giấy báo, vỏ hộp sữa, thùng carton, vỏ chai, lon, sắt thép, nhựa... được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Nhờ thực hiện hiệu quả Đề án phân loại rác thải tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt thu gom của xã Liêm Phong còn khoảng 39 tấn, giảm khoảng 42 tấn so với trước khi chưa thực hiện đề án...
Để tập kết rác thải về bãi rác tập trung, 2 ngày/tuần tổ hợp tác vệ sinh môi trường của xã chịu trách nhiệm thu gom rác thải rắn trên địa bàn xã về bãi rác tập trung. UBND xã đầu tư mua 2 xe điện chuyên dụng phục vụ cho việc thu gom rác thải. Không những vậy, các thành viên của tổ hợp tác được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động gồm: găng tay, ủng, nón, khẩu trang; mức lương trung bình của các thành viên trong tổ hợp tác là 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài tổ hợp tác, xã còn có 6 mô hình tổ vệ sinh tự quản tại 6 đơn vị thôn xóm, mỗi tổ có từ 5-10 thành viên. Mỗi tháng 2 lần các tổ tự quản tổ chức ra quân dọn rác thải, phát quang bụi rậm trên các tuyến đường, tuyên truyền, nhắc nhở mọi người tự giác chấp hành quy ước, hương ước bảo vệ môi trường... Có thể nói, mô hình tự quản đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong bảo vệ môi trường; đồng thời động viên nhân dân chủ động chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn xã.
Cùng với làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải, năm 2018- 2020 triển khai Đề án của UBND huyện Thanh Liêm về “Xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, UBND xã Liêm Phong đã triển khai trồng được 14.516 m2 cây hoa các loại, 743 bồn hoa điểm nhấn (như hoa giấy, cau lùn, tùng) trên 15 tuyến đường xã, thôn. Đặc biệt, 2km tuyến đường kiểu mẫu “sáng- xanh- sạch – đẹp” của xã hai bên đường được trồng cây hoa tạo thảm, hoa điểm nhấn, hệ thống cây bóng mát; lắp đặt 83 cột điện chiếu sáng tự động, lắp các biển tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về nông thôn mới, có treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc... Đến thời điểm này, 100% tuyến đường ở Liêm Phong có rãnh thoát nước, có điện thắp sáng ban đêm. Trong năm 2019-2020 UBND xã vận động được gần 1.000 hộ dân tham gia chỉnh trang khuôn viên (như xây trát lại cổng và tường rào, cải tạo vườn tạp) góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường...
Có thể khẳng định, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, thời gian qua, bộ mặt nông thôn của Liêm Phong có bước chuyển mạnh. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, kênh mương… được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, văn hóa xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Đặc biệt, cảnh quan, vệ sinh môi trường được cải thiện tích cực.
Phạm Hiền