Làng quê không rác thải

(Mặt trận) -Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Điểm nhấn ở các vùng quê này là đường sá, cảnh quan ngày càng đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

 Đường làng không rác thải tại xã Phú An, H.Tân Phú

Ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng tăng.

* Vận động người dân thực hiện

Xuân Thọ là xã vùng xa ở H.Xuân Lộc. Người dân địa phương chủ yếu làm rẫy và chăn nuôi. Những năm trước, họ thường bỏ rác thải ra đường, đốt rác tại rẫy, nhưng hiện nhà nào cũng có từ 1-3 thùng chứa và phân loại rác.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phạm Đình Nam cho hay, hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đạt 100%, trong đó 85% hộ dân đăng ký thu gom tập trung và 15% tự xử lý theo hướng dẫn. Nhiều hộ dân còn tận dụng rác thải làm phân bón. Để làm được điều này, xã đã tiến hành phân công mỗi người phụ trách một ấp, từng ấp lập ra tổ tự quản vệ sinh môi trường. Hằng tháng, cán bộ của xã cùng tổ này đi thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, trồng lại các cây hoa bị chết. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm hẳn, 90% hộ gia đình có cảnh quan nơi ở xanh - sạch - đẹp.

Trưởng ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ Trần Xuân Hải cho biết thêm, hiện các gia đình có nhiều người, người trẻ, việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hơn. Một số hộ neo người, lớn tuổi vẫn chưa phân loại chất thải, chưa chú trọng tạo cảnh quan. Mỗi tháng cán bộ xã, ấp đến vài hộ vận động và cùng họ dọn vệ sinh, trồng cây xanh ngay trong khuôn viên nhà.

Ấp 6, xã An Phước (H.Long Thành) được chọn điểm xây dựng mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào năm 2019. Đến nay, toàn bộ các tuyến đường ấp đều có thùng chứa rác, gần 100 hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác.

Bà Hoàng Thị Hà, phụ trách ấp 6 cho biết, sau thời gian ngắn triển khai, 375/375 hộ dân đăng ký cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung về xây dựng mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chi bộ ấp xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt đến các chi hội, các tổ nhân dân. Song song đó, Ban ấp và Ban công tác Mặt trận ấp phối hợp thông qua hương ước, quy ước đến từng hộ dân, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền tại nhà văn hóa vào cuối tuần. Nhờ sự tham gia tích cực của bà con, ấp đã làm được 27 tuyến đường bê tông xi măng, nhựa nóng; lắp đặt hơn 200 bóng đèn chiếu sáng, hơn 2km đường thoát nước. Xã trang bị 7 thùng rác lớn đặt ở lề đường chính và 16 thùng rác ở các nhà trọ nhằm hạn chế việc vức rác bừa bãi.

* Thay đổi thói quen cũ

Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho rằng, trước đây ai cũng hiểu rác thải đem bỏ ra đường là bẩn, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là gây ô nhiễm môi trường, nhưng không ai chịu thay đổi. Từ khi bắt tay thực hiện NTM kiểu mẫu, được tuyên truyền và hướng dẫn, người dân dần thay đổi thói quen. Các hộ đăng ký thu gom chất thải, để chất thải đúng nơi quy định; nhiều chị em phụ nữ chuyển sang dùng giỏ nhựa khi đi chợ. Tại các buổi sinh hoạt của xã, ấp không còn sử dụng chai nước, ly nhựa dùng một lần. Xã thành lập và duy trì 28 tổ tự quản, các tổ này ngoài việc dọn vệ sinh môi trường hằng tuần còn đi tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hải (ngụ ấp 6, xã An Phước, H.Long Thành) chia sẻ, trước đây bà có thói quen tiện tay bỏ rác ra đường, khu vực đường vắng người. Từ khi ký tham gia mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, được tuyên truyền và hướng dẫn, bà đã thay đổi thói quen cũ. Mỗi tháng, bà tham gia dọn vệ sinh khu công cộng, chăm sóc đường hoa cùng các hộ dân khác. Bà cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu không xả rác ra đường, thu lưu chất thải có thể tái chế đem đổi lấy quà tặng.

Có thể nói, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao. Nhờ đó, diện mạo làng quê ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Thực hiện tiêu chí này, nhiều phong trào, cách làm hay đã được vận dụng. Ví dụ như MTTQ có mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Hội phụ nữ có phong trào Chống rác thải nhựa; Hội nông dân có chương trình Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phòng TN-MT các địa phương triển khai chương trình Đổi chất thải nguy hại lấy quà tặng ở nhiều nơi… với mục đích chính là tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân có ý thức giữ gìn môi trường, xây dựng làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ban Mai