Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái trong những ngày Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16

(Mặt trận) - Trong những ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, người hảo tâm đã nhanh chóng quyên góp, ủng hộ hàng nghìn suất quà, suất ăn… gửi tới người khuyết tật, người lao động tự do, công nhân các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho những đối tượng yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trao quà hỗ trợ cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hơn 200 suất quà gửi tới người khuyết tật

Bước vào ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị 17 của Thành phố, Nhân dân Thủ đô đã dần thích ứng trong bối cảnh giãn cách xã hội, tuy nhiên, đời sống của người khuyết tật, vốn đã khó khăn, nay lại càng ảnh hưởng nặng nề hơn. Chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thiếu thốn về tinh thần, vật chất của người khuyết tật trên địa bàn Thành phố, với mong muốn tấm lòng sẻ chia của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, từ sự đóng góp của người dân, doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã hỗ trợ Hội người mù, Hội người khuyết tật Thành phố mỗi Hội 100 suất quà, trị giá 250 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, việc hỗ trợ người khuyết tật nhằm thực hiện tốt chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố: trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên cao nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau; không để người dân Thủ đô nào bị thiếu đói về lương thực, thực phẩm yên tâm thực hiện các biện pháp cụ thể của Trung ương, Thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương tin tưởng với sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân, trong đó, có người khuyết tật Thủ đô, việc kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19 sẽ thành công.

Hàng trăm bữa cơm nghĩa tình 

Với tinh thần của những người trẻ tuổi, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội tiếp tục phát đi lời kêu gọi các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… ủng hộ chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” bằng mọi hình thức nhằm trao những suất ăn cho người lao động nghèo, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn. Chỉ sau ba ngày triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp kinh phí từ các đơn vị và những nhà hảo tâm. Hiện các suất ăn được nấu trực tiếp tại nhà hàng Old Hà Nội. Những ngày tới, số lượng suất ăn tăng lên 1.000 suất/ngày. Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội đã đề nghị 30 quận, huyện, thị đoàn rà soát đối tượng là người lao động nghèo, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để lập kế hoạch triển khai. 

Xuất phát từ tinh thần đó, từ ngày đầu Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, những chiếc xe bán tải của CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam chạy bon bon, trên xe là những suất cơm, những chiếc bánh mì kẹp còn nóng hổi. Mọi người đều cố gắng để nhanh chóng chuyển suất ăn tới tay những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Anh Nguyễn Thường Quân, chủ nhà hàng Old Hà Nội (số 18 phố Tôn Thất Thiệp, quận Ba Đình) chia sẻ: “Nhận được lời đề nghị tham gia chương trình “Bữa cơm nghĩa tình - Vượt qua đại dịch”, gia đình tôi hưởng ứng ngay. Hai vợ chồng tôi cùng các con và gần chục đầu bếp đã làm việc liên tục từ sáng đến tối để nấu, chia hàng trăm suất cơm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đi trao cơm mới thấy, nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ ngóng đợi, vui mừng với từng suất cơm nhỏ. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi nỗ lực, cố gắng đem được nhiều suất cơm tới nhiều người hơn”.

Mỗi suất cơm có đầy đủ thịt, cá, canh rau, đóng gói cẩn thận, bảo quản nóng sốt, chuyển lên những chiếc ô-tô của CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam để trao cho người nghèo. Những người đưa cơm, lái xe đều mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, bảo đảm thông điệp 5K. Ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách xã hội, 200 suất cơm được chuyển đến những người bệnh ở xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) và những người lao động nghèo ở cổng Bệnh viện Bạch Mai, khu vực gầm cầu Long Biên... 

Cũng trong tối 25/7, 300 suất cơm và 200 suất bánh mì tiếp tục được các tình nguyện viên chuyển đến những người lao động tự do bị mất việc tại khu vực chợ Long Biên, các phường Phúc Tân, Chương Dương, quanh hồ Thiền Quang, khu vực Vĩnh Hưng - Vĩnh Tuy...  Nhận được những suất cơm nóng hổi, ngon lành, nhiều người không khỏi bất ngờ, cảm động. Anh Nguyễn Văn Tuấn, vốn là lái xe ôm tại chợ Long Biên cho biết, mấy ngày nay, thành phố tạm dừng hoạt động của các shipper (người giao hàng) tự do nhằm bảo đảm phòng dịch, anh đến chợ đầu mối tìm việc để có thu nhập. Nhận suất cơm tối từ các tình nguyện viên, anh rất xúc động, cảm thấy ấm lòng.

Phó Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội Nguyễn Phương Thảo cho biết, chương trình “Bữa cơm nghĩa tình - Vượt qua đại dịch” là hoạt động nằm trong Chương trình “Hà Nội nghĩa tình” do Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội, Trung tâm Tình nguyện quốc gia, nhóm Thần tốc Hà Nội và CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam phối hợp triển khai từ ngày 24/7 cho đến khi TP Hà Nội kết thúc thực hiện Chỉ thị 16. 

Cán bộ, nhân viên Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vận chuyển hàng lên xe buýt siêu thị 0 đồng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) 

“Xe buýt siêu thị 0 đồng”: Mô hình sáng tạo, kịp thời hỗ trợ người lao động

Từ sáng sớm, tại trụ sở Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, bột canh, bánh, sữa, đồ hộp, khẩu trang, nước sát khuẩn… đã được đội ngũ cán bộ của Liên đoàn Lao động Thành phố khẩn trương phân loại, đóng gói thành 1.766 suất và vận chuyển lên 02 “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để kịp thời hỗ trợ người lao động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Molex Việt Nam đang thực hiện cách ly tập trung tại Khách sạn Hà Anh; tòa nhà CT2 (Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh); tại Nhà máy sản xuất của công ty và hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bê tông Bình Dương; Công ty Du lịch Vận tải Bảo Yến.

Tại mỗi điểm dừng, mặc dù trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn nhưng tình cảm giữa tổ chức Công đoàn và người lao động vẫn được thể hiện rõ nét qua những cái vẫy tay từ xa, những lời thăm hỏi về cuộc sống trong khu cách ly, lời động viên, chúc sức khỏe của tổ chức công đoàn Thành phố và lời cảm ơn chân thành của người lao động.

Chị Hoàng Thị Hương, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam, đang cách ly tại tòa nhà CT2 (Khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) bày tỏ: “Tôi thực sự rất cảm động trước sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Nhớ lại thời khắc khi biết thông tin công ty có trường hợp F0 và bản thân phải đi cách ly tập trung, tôi đã có chút hoang mang, lo lắng và bất an. Nhưng ngay sau đó, đại diện Công đoàn đã có mặt để động viên, dặn dò chúng tôi tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chúng tôi để kịp thời đáp ứng, qua đó giúp chúng tôi yên tâm thực hiện cách ly” – chị Hoàng Thị Hương nói.

Dẫn chứng việc công nhân cần những nhu yếu phẩm thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn… để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, chị Hương cho biết, sau khi đề đạt nguyện vọng thì công nhân đã nhiều lần nhận được hỗ trợ từ các cấp Công đoàn. “Tôi mong rằng, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường, chúng tôi được đi làm và có điều kiện, cơ hội được tham gia, đóng góp vào các hoạt động của tổ chức Công đoàn – tổ chức đại diện, chăm lo đời sống và luôn có mặt kịp thời khi chúng tôi cần” – chị Hương bày tỏ.

 
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao quà cho công nhân lao động Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chia sẻ về mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng cho biết: Trong bối cảnh thành phố thực hiện Chỉ thị 16 về thực hiện giãn cách xã hội, nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động tại khu cách ly tập trung và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động thành phố đã có sáng kiến triển khai mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để chở nhu yếu phẩm thiết yếu đến các địa điểm cách ly, trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Từ nhu cầu thực tế và đề xuất của công nhân lao động, Liên đoàn Lao động thành phố đã trích hơn bốn tỷ đồng từ nguồn kinh phí công đoàn để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Trong 10 ngày tới, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục tổ chức các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để trao hỗ trợ tới  khoảng 20.000 công nhân lao động.

Trong những ngày giãn cách, công tác hỗ trợ dành cho các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn cũng được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ngay trong ngày 26/7, ngày thứ ba Hà Nội thực hiện giãn cách, Ủy ban MTTQ thành phố đã trao 200 phần quà trị giá 250 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc Hội Người mù, Hội Người khuyết tật thành phố. 

Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội “trong bất cứ hoàn cảnh nào tính mạng sức khỏe người dân phải đặt lên trên hết” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người dân Thủ đô với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã cùng nhau góp sức để thành phố sớm đẩy lùi  dịch Covid-19.