Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Những năm qua, các mô hình bảo vệ môi trường đã trở thành nét riêng tiêu biểu của hội phụ nữ các cấp tỉnh Quảng Ninh. Cuộc vận động “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm” ngày càng đi vào nền nếp ở các địa phương trong tỉnh.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Phụ nữ xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) tích cực tham gia phong trào "Ngày chủ nhật xanh".

Chung tay bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường, nhằm tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường. Thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, hội viên, phụ nữ đã tham gia tích cực, khẳng định vai trò nòng cốt.

Theo đó, hội phụ nữ các cấp linh hoạt trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ cụ thể. Trong 5 năm qua, các cơ sở hội đã thực hiện hơn 35.000 buổi vệ sinh môi trường với gần 99.000 lượt người tham gia; xây dựng, chăm sóc 120.000 tuyến đường, bức họa, cây cảnh, thu dọn nhiều bãi rác tự phát; trồng hàng nghìn cây xanh và 45ha vườn hoa tại khu dân cư; duy trì 725 đoạn đường "Xanh - sạch - đẹp" do phụ nữ làm nòng cốt…

Các mô hình về bảo vệ môi trường được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Nổi bật là mô hình “Biến rác thành tiền” được thực hiện ở 100% cơ sở hội, 85% chi hội. Theo đó, có trên 50.000 hộ thực hiện phân loại rác thải tại gia đình với số tiền thu được trên 3 tỷ đồng. Mô hình này được công nhận là mô hình "Dân vận khéo" cấp tỉnh năm 2020.

Mô hình cũng trở thành hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập thông qua hình thức “cho - tặng rác”. Tiêu biểu: Hội LHPN TP Hạ Long đã tái chế trên 21.000 sản phẩm các loại từ rác thải; làm 500 thùng rác phục vụ phân loại rác thải tại hộ gia đình và cung cấp cho các "Chi hội sống xanh" trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng chục lao động, doanh thu từ bán các sản phẩm đạt trên 150 triệu đồng; làm 20.115viên gạch sinh thái từ túi nilon, chai nhựa phế thải; xây dựng 117 chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa công cộng.

 Phụ nữ xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) nhân rộng mô hình "Hố ủ rác thành phân hữu cơ" vì mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch.

Hoạt động ủ rác hữu cơ được thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Hải Hà, Ba Chẽ). Đến nay, Hội LHPN TP Móng Cái đã vận động 5.000 hội viên tham gia; vận động, hướng dẫn 994 hộ gia đình ủ phân hữu cơ vi sinh; trao tặng 568 nắp ủ rác, 80 thùng rác, gần 1.200 gói ủ vi sinh (trị giá gần 400 triệu đồng). Riêng Hội LHPN TP Hạ Long tạo ra 163 tấn sản phẩm sau ủ 200 tấn rác hữu cơ được tái chế; tiết kiệm chi phí mua phân hóa học khoảng 76 triệu đồng.

Từ năm 2019-2020, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện một số hoạt động thuộc Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”, đạt kết quả bước đầu khả quan. Nổi bật đã thành lập 4mô hình thu gom ve chai với sự tham gia của 48thành viên tại 4 phường triển khai Dự án (Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu); tổ chức 2 lớp tập huấn về quản lý tổng hợp rác thải, kiến thức phân loại rác 3R và kiểm toán; 4lớp tập huấn kiến thức cho thành viên 4 nhóm thu mua ve chai, hộ gia đình tham gia phân loại và xử lý rác...

Với nhiều mô hình ý nghĩa, thiết thực được triển khai ở cơ sở về bảo vệ môi trường đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong ý thức, hành động của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vân Anh