Kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

(Mặt trận) - Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là một hội nghị rất quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan điểm của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ở Hội nghị này, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiên định, nghiên cứu phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 

TÍNH BIỆN CHỨNG TRONG NGUYÊN TẮC VẬN DỤNG VÀ KẾ THỪA VIỆC KIÊN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN, VẬN DỤNG SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA  MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(1). Do đó, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Không chỉ có vậy, Người còn phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch nhất định. Bằng cách đó, Người đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Do đó, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của cách mạng nước ta.

Trong thời gian qua, nhất là từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã luôn kiên trì, kiên định và nêu cao chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội VI (12/1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(2). Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(3); đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Từ đây, chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) được thông qua tại Đại hội VII đã xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”(4). Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn của Đảng về việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng: chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ lập trường kiên định, ý chí quyết tâm của Đảng trong việc bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng, sụp đổ những năm đầu của thập kỷ 90.

Kế thừa tinh thần đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(5). Điều này tiếp tục được nhấn mạnh hơn ở Đại hội XII (năm 2016): “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(6)

Với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 35 đổi mới đất nước, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng. Đai hội XIII đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Đó là: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(7). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(8).

Đại hội XIII của Đảng xác định “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” 

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội qua, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đến việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần phải “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(9). Có thể nhận thấy, ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm, thái độ với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Sở dĩ trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đặt ra vấn đề này vì do xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả tình hình quốc tế, khu vực và những diễn biến trong nước. Trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên, các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn đang tiếp diễn. Trong nước, sự nghiệp đổi mới tuy được đẩy mạnh toàn diện nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như: “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp”(10). Nghiêm trọng hơn, Đảng ta còn chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(11). Trong bài phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”(12).

Cũng có thể nhận thấy, ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tính biện chứng được thể hiện rất rõ trong quan điểm của Đảng về kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu “kiên định, phát triển” là kiên trì làm theo, đi theo những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh; làm cho những quan điểm, tư tưởng ấy ngày càng sinh động, có thêm những nội hàm mới thì “vận dụng sáng tạo” là sự chắt lọc những quan điểm của Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tránh sự máy móc, sơ cứng. Đây chính là sự kế thừa, quán triệt những chỉ dẫn có tính phương pháp luận của V.I.Lênin trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(13).

Quan điểm của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa cho thấy sự vững vàng về lập trường tư tưởng, vừa cho thấy tính biện chứng trong nguyên tắc vận dụng và kế thừa. Thực tiễn hơn 92 năm ra đời, phát triển của Đảng và hơn 35 năm đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử khiến cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”(14). Những thành tựu đó đã chứng tỏ sự kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa phù hợp với xu thế khách quan đúng như Đảng ta nhận định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(15). Do đó, để quán triệt quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã bổ sung thêm quy định liên quan trực tiếp đến lập trường tư tưởng, thái độ của đảng viên đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Đó là đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(16). Đây là sự bổ sung kịp thời nhằm khắc phục triệt để những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

THỰC HIỆN QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm với nhiều điểm mới nổi bật. 

Để thực hiện những quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Vì bối cảnh thực tiễn đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết nên để tiếp tục kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu lớn về những vấn đề cơ bản, nền tảng nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần chắt lọc, đề xuất những vấn đề cần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn nước ta giai đoạn hiện nay. Đây không phải là “xét lại” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như một số học giả phi mácxít đã lợi dụng sự phát triển của thực tiễn để mổ xẻ, phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác; mà là tiếp thu tinh thần biện chứng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác. Bản thân các ông không coi học thuyết của mình là chìa khóa vạn năng, nhất thành bất biến mà là một học thuyết mở cần được bổ sung, phát triển, cần được “thêm da thêm thịt” bằng thực tiễn sinh động đúng như Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(17). Do đó, kiên trì nhưng không bảo thủ, giáo điều; bổ sung, phát triển nhưng không xa rời những lý luận nền tảng, những nguyên tắc cơ bản là cách thức cần thiết để kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam giai đoạn hiện nay.                                                                                                                                                                                                                                                                                Thứ hai, kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Bên cạnh việc khẳng định, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cần tiếp tục đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Trước hết, cần hệ thống hóa các nội dung đang bị các thế lực chống phá, từ đó xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác trên từng vấn đề cụ thể. Đồng thời, chuyển trọng tâm của việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên mặt trận tư tưởng, lý luận truyền thống là chủ yếu sang đấu tranh trên internet và mạng xã hội. Đây là một sự chuyển hướng cần thiết nhằm nắm bắt xu thế tất yếu của thời đại. Đó là sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng khiến mạng xã hội trở thành không gian tranh chấp chính trên trận tuyến đặc biệt quan trọng này. Điều này cũng được Đảng ta chỉ rõ ở Đại hội XIII như sau: “Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội”(18). Ngoài ra, cần áp dụng những quy định của pháp luật để xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dưới bất kỳ hình thức nào.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tùy theo yêu cầu của mỗi cấp học, bậc học, cần đổi mới nội dung chương trình giảng dạy các môn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”(19). Nội dung chương trình cần bố trí hợp lý giữa kiến thức lý luận với những vấn đề thực tiễn, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng vận dụng những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(20). Ngoài ra, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nước ta thời gian qua: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngài học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(21).

Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính sáng tạo trong việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; có ý thức khắc phục triệt để bệnh “lười” học tập lý luận chính trị. Ngoài ra, cần quán triệt quan điểm biện chứng và nguyên lý phát triển khi học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là vừa không ngừng củng cố, nâng cao kiến thức để tăng “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch song cũng vận dụng sáng tạo, không ngừng bổ sung, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể; tránh tư duy dập khuôn, máy móc, giáo điều làm xơ cứng, nghèo nàn những quan điểm, tư tưởng của các bậc tiền bối.

Như vậy, kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay. Do đó, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Đây tuy là một nhiệm vụ rất quan trọng với nhiều khó khăn, thử thách nhưng với niềm tin sắt son, bằng sự quyết tâm và tinh thần đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục vững vàng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho Đảng ta, dân tộc ta trên chặng đường đổi mới tiếp theo./.

TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.2, tr.289

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, H, 1987, tr.125.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự Thật, H, 1991, tr.127.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, H, 1991, tr.21.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2011, tr.88.

(6) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.7-8, 135-136.

(7) (8) (14) (15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I., tr.33, 33, 25, 104.

(9) (16) (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.94, 110, 94.

(10) (11) (18) (19) (21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.164, 168, 234, 235, 236.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva, 1974, t.4, tr.232.

(17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, t.36, tr.796.