Kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền

(Mặt trận) - Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay, nhất là trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV _Ảnh: TTXVN 

Tuy không đề cập trọn vẹn ở một bài viết nào nhưng qua toàn bộ tác phẩm, vấn đề kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị ở nước ta có thể khái quát ở những nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, về tính tất yếu khách quan của việc thực thi quyền lực chính trị và kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị.

Xã hội nào muốn tồn tại, phát triển cũng đều phải được quản trị bằng hệ thống chuẩn mực đạo đức xã hội và bằng hệ thống luật pháp, nhất là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn đạt thật dung dị, dễ hiểu, dễ nhớ về tính tất yếu phải thực hiện những chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật ở mỗi thể chế chính trị: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng...; không có cái kiểu Nhà kia lỗi phép con khinh bố/Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”...”; Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước”(1).

Như vậy, quyền lực trong thể chế chính trị là vấn đề không thể thiếu để duy trì trật tự xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng nhưng quyền lực chính trị cũng có xu hướng bị lạm dụng để vun vén lợi ích cá nhân bởi những người được trao nắm quyền. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhân cử ra để duy trì trật tự pháp lý đó cũng có thể lạm quyền, lộng quyền và vi phạm pháp luật và vì thế, cũng cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh để xã hội thực sự công bằng, thể hiện thượng tôn pháp luật. Vì vậy, kiểm soát quyền lực chính trị là tất yếu khách quan đối với bất cứ thể chế chính trị nào.

Thứ hai, về vai trò của kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thể chế chính trị ở nước ta có những nét đặc thù: Đảng Cộng sản Việt Nam là lược lượng duy nhất được nhân dân thừa nhận giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Nhà nước quản lý xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và phục vụ lợi ích của nhân dân; Nhân dân làm chủ thông qua các hình thức dân chủ và đại diện. Các thành tố trong hệ thống chính trị đều thống nhất về mục tiêu phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Đây là nét khác biệt với các thể chế chính trị khác bởi họ bảo vệ trước hết cho lợi ích của giai cấp cầm quyền.

Đồng chí Tổng Bí thư giải thích rõ bản chất của chế độ chính trị của nước ta: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, là hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quan là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ… Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”(2). Nhân dân tin tưởng uỷ quyền, trao quyền lực chính trị cho Đảng, cán bộ, công chức nhà nước trở thành công bộc của nhân dân. Vì thế, Tổng Bí thư yêu cầu phải:Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”(3).

Thứ ba, về nội dung chính của kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay.

Kiểm soát quyền lực chính trị đương nhiên phải bằng cơ chế và tổ chức thực thi cơ chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị là hệ thống các thiết chế tổ chức thực hiện và phương thức vận hành để kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nhằm làm cho các quy định về quyền và thực hiện quyền lực chính trị được thực hiện đầy đủ và đúng đắn. Nội dung của kiểm soát quyền lực chính trị cũng chính là việc xây dựng cơ chế, thể chế và thực thi cơ chế, thể chế đó trên thực tiễn.

Mặc dù được đề cập trong các bài viết khác nhau, không có điều kiện để lý giải đầy đủ hệ thống các thiết chế và phương thức vận hành để kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nhưng đồng chí Tổng Bí thư cũng đã tập trung đề cập khá đầy đủ. Đó là các cơ chế tự kiểm soát quyền lực (đối với từng chủ thể), kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát của nhân dân đối với nhà nước; đề cập khá đầy đủ các chủ thể được giao quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị:

Đối với Đảng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo để Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật nhưng khi đó có luật pháp, Đảng lại là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong thực hành pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Đảng kiểm soát quyền lực của nội bộ Đảng (theo Điều lệ Đảng) đồng thời kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ (theo pháp luật).

Lịch sử dân tộc hơn 92 năm qua đã minh chứng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với kinh nghiệm và quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định:“Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”(4).

Đối với Nhà nước, với vị trí trung tâm của quyền lực chính trị, Nhà nước được tổ chức quyền lực theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Theo đó, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc tuân theo pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội: “Tiếp tục đổi mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, rạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề… chú trọng giám sát lĩnh việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”(5).

Kiểm toán nhà nước kiểm soát việc chấp hành pháp luật đối với cơ quan nhà nước về sử dụng tài chính, tài sản công. Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý theo pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân. Ngoài những yêu cầu về năng lực quản lý đất nước về mọi mặt của Chính phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: “Kiên quyết loại bỏ những phần tử hư hỏng, thoái hoá về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức”(6).

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận thực hiện giám sát và phản biện mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nhân dân cũng giám sát Đảng, (Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân - Hiến pháp), giám sát cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò quan trọng trong giám sát việc thực thi pháp luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên mà còn phải “Tiếp tục chú trọng tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch”(7).

Thứ tư, về những quan điểm cần quán triệt trong việc kiểm soát quyền lực chính trị.

Một là, phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học, hiệu lực và hiệu quả.

Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, để kiểm soát tốt quyền lực chính trị thì trước hết phải xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người có chức, có quyền không thể tham nhũng được nếu có các quy định pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”(8).

Hai là, phải thực hiện đúng pháp luật và kiểm tra thường xuyên.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng của cả hệ thống chính trị phải “tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời là lực lượng chủ công trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”(9).

Ba là, phải xử lý kỷ luật nghiêm minh những sai phạm.

Đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định rõ và nhất quán quan điểm: “Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”(10).

Thứ năm, về một số nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay.

Trong xây dựng cơ chế, đồng chí Tổng Bí thư nhắc đến rất nhiều như: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước có hệ thống pháp luật hiện đại, chặt chẽ, và thực hiện nghiêm minh. Vì thế, cần phải “đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững”(11). Cần “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, v.v., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trước hết, tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thống nhất nhận thức đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệtphải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể”(12).

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “các cơ quan nội chính đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp”; “thực hiện tốt vai trò là nòng cốt trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước”(13).

Trong tổ chức thực hiện cơ chế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải “khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp; nâng cao uy tín và hiệu quả của hoạt động tư pháp”(14).

Đặc biệt, người kiểm soát quyền lực cũng phài chịu sự kiểm soát quyền lực: “Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải là những “Bao Công” trong thời đại mới. Nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề. Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ”(15).

Để xây dựng được đội ngũ “Bao Công” nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải“Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũngXây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Tôi đã nhiều lần nói: Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!”(16).

Với những kết quả nổi bật về phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với tinh thần không ngừng, không nghỉ trước nguy cơ tham nhũng của Đảng duy nhất cầm quyền, những nội dung kiểm soát quyền lực chính trị trong cuốn sách có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quan trọng để các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân cùng hệ thống chính trị thực hiện trong thời gian tới./.

PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

------------

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 120-221, 28, 57, 212, 80, 97, 113, 409, 125, 396, 135, 267, 122, 57, 154-155, 412.