Khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”

(Mặt trận) - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) và phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 và Chiến lược "phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030", thời gian qua, các cấp Hội đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".

Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 - là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vinh dự được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện.

Theo bà Hà Thị Nga, việc phê duyệt Đề án ngay từ ngày đầu tiên của năm 2023 là niềm vui lớn đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò của phụ nữ cả nước trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và tạo việc làm cho người lao động trong thời gian tới.

Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" của Chính phủ với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là căn cứ quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, các đề án của Chính phủ đã, đang và bắt đầu triển khai chính là điều kiện quan trọng để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt nhất chức năng "Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ", góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho hội viên, phụ nữ cả nước tham gia phong trào sáng tạo khởi nghiệp, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cùng các đại biểu tham dự buổi Lễ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta với quan điểm coi kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng miền, địa phương. Trong đó, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện hai Đề án của Chính phủ, đó là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".

Phó Thủ tướng đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tham gia chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm; khắc phục những hạn chế thời gian qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án. Bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, lấy phụ nữ, người dân tham gia hợp tác xã là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để sớm đưa Đề án 01 được triển khai đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng lưu ý, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án theo từng giai đoạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các định hướng, chủ trương của Đảng về hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt quan tâm mục tiêu “xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực” trong hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đồng thời, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể.

“Dịp này, tôi nhiệt liệt khuyến khích phụ nữ cả nước, thuộc mọi thành phần, mọi lĩnh vực, tích cực tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”; tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, khát vọng, sáng tạo, đổi mới, tạo ra các thương hiệu bản địa Việt Nam mang tầm quốc tế; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để cùng lan toả tinh thần Quốc gia khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ. 

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp; khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương trên cả nước…