Khởi động chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch“

(Mặt trận) - Nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, sáng ngày 8/6, tại Hà Nội diễn ra lễ khởi động chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”. Chương trình được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cán bộ, đảng viên nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ

Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

Quang cảnh lễ khởi động chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” 

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam; ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn và thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống. Do đó, chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” được triển khai nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cũng như hỗ trợ nông dân làm quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; tạo mạng lưới đại lý kết nối tiêu thụ nông sản quy mô rộng khắp cả nước; và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, thanh niên cả nước trong chung tay cùng toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Theo đó, chương trình tập trung vào 04 nội dung, giải pháp chính, cụ thể: Khảo sát nhu cầu nông sản cần tiêu thụ của các tỉnh, thành; Triển khai chuỗi điểm bán “Kết nối tiêu thụ nông sản” trực tiếp; Triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến; Tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng bán nông sản trực tuyến.

Tại chương trình, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Chương trình là một sự sáng tạo. Chúng ta đã sử dụng lợi thế, sức mạnh của chuyển đổi số để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Tôi mong rằng, thời gian tới những ý tưởng sáng tạo của thanh niên không chỉ dừng lại ở câu chuyện kết nối, chia sẻ yêu thương, giúp bà con tiêu thụ nông sản. Hy vọng với tinh thần xung kích, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần đưa ngành nông nghiệp Việt phát triển hơn trong thời kỳ mới. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Văn Cương, Bí thư TƯ Đoàn cho biết: chương trình nhằm mục tiêu hỗ trợ người nông dân làm quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; tạo mạng lưới đại lý kết nối tiêu thụ nông sản quy mô rộng khắp cả nước; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội.

Để chương trình triển khai hiệu quả, Bí thư TƯ Đoàn Ngô Văn Cương đề nghị Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xuống cơ sở khảo sát, thống kê nhu cầu nông sản cần tiêu thụ, báo cáo về Trung ương Đoàn; chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền về chủ trương, liên hệ với các điểm bán hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, thành phố để hình thành mạng lưới điểm bán “Kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch”; đề nghị các điểm bán phối hợp nhập và bán hàng nông sản của địa phương mình và các địa phương lân cận. Phấn đấu trong tháng 6, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất 01 điểm bán “Kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch” do Đoàn Thanh niên triển khai.

Cùng với đó, liên hệ với các tài khoản bán hàng trực tuyến hiệu quả của địa phương đề nghị trở thành đại lý tiêu thụ nông sản. Gửi văn bản đến các admin của các group cộng đồng của địa phương đề nghị phối hợp tiêu thụ nông sản của địa phương và của các địa phương lân cận; theo dõi, tham gia các lớp tập huấn trực tuyến của Trung ương Đoàn về kỹ năng bán nông sản trực tuyến, các kỹ thuật livestream bán hàng, các yêu cầu tiêu chuẩn đóng gói sản phẩm và vận chuyển, các phương thức ghép đơn hàng thuận lợi và tiết kiệm chi phí vận chuyển, phương thức chốt đơn hàng nhanh chóng trên nền tảng trực tuyến… từ đó, triển khai áp dụng cho đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân tại địa phương. 

 Nghệ sỹ Xuân Bắc tình nguyện livestream bán hàng trực tuyến với hàng tấn nông sản được "chốt"

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên làm kinh tế như: hỗ trợ thanh niên vay vốn 120; khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp, tham gia thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; khuyến khích thanh niên nông thôn tham gia các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, hiệu quả, các mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn trong chuỗi liên kết “Bốn nhà”, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp và nhà khoa học, thông qua đó hỗ trợ thanh niên tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của thanh niên; hỗ trợ thanh niên tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó, vải chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ ngày 10/6 đến 20/7. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ vải của cả tỉnh Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trước mắt, các điểm bán nông sản trực tiếp mang tên “Kết nối tiêu thụ nông sản” tại thành phố Hà Nội. Trung ương Đoàn triển khai  3 điểm bán tại : Điểm bán xanh, 34 Khúc Thừa Dụ, Quận Cầu Giấy; Cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê, B23, X3, Khu đô thị Mỹ Đình 1. Q. Nam Từ Liêm và Cửa hàng LH HTX Ocop Việt Nam, 186 phố Hồng Tiến, Bồ Đề, Q. Long Biên. Ba sản phẩm đầu tiên được chọn ra bán là vải thiều Lục Ngạn, mận Tam Hoa Lào Cai và bí thơm Bắc Cạn. Đối với mặt hàng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, Ban tổ chức hỗ trợ bán và vận chuyển hàng trong khu vực Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh lân cận với giá 30.000 đồng/kg, quy cách đóng gói là 1 thùng 10kg. Khu vực Hà Nội có thể mua 1 thùng 5kg. Miễn phí vận chuyển với đơn hàng từ 300.000 đồng.

Bên cạnh đó là 4 chương trình livestream giới thiệu, quảng bá, bán nông sản tiêu chuẩn VietGAP. Sau buổi livestream lễ khởi động, Ban Tổ chức sẽ tổ chức 03 buổi livestream bán hàng vào khung giờ 20h00 các ngày 8, 9, 10/6.

Ngay sau lễ khởi động, chương trình livestream bán hàng trực tuyến được diễn ra ngay tại trụ sở Trung ương Đoàn do nghệ sỹ Xuân Bắc thực hiện với các nông sản vải thiều Bắc Giang, mận Lào Cai và bí Bắc Cạn đã có 5.000 đơn hàng với khoảng 85 tấn nông sản được "chốt".