Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản

(Mặt trận) -Bám sát địa bàn, đi từng nhà, gõ từng cửa là cách mà ngành Y tế huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) triển khai trong thời gian qua để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản (SKSS) nói riêng cho người dân ở huyện.

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ảnh minh họa 

Trước đây, do thiếu hiểu biết, chị Pi Năng Thị Điệp (xã Khánh Thượng) sinh con thứ 3. Sau khi được cán bộ y tế xã tuyên truyền, thuyết phục, vợ chồng chị Điệp đã đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai để không sinh thêm con, tập trung phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái trưởng thành. Chị Điệp cho biết: “Cán bộ y tế ở xã thường xuyên đến nhà tuyên truyền, chỉ cho tôi thấy cái lợi của việc sinh ít con là bảo vệ sức khỏe cho chính mình, vừa lo được cho con cái. Tôi thấy đúng nên nghe theo. Hàng tháng, cán bộ y tế còn gọi điện nhắc tôi đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho bé”.

Không chỉ có gia đình chị Điệp, đội ngũ cán bộ y tế và cộng tác viên dân số huyện còn giúp nhiều hộ gia đình nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe nói chung và SKSS, các chính sách dân số nói riêng theo hướng “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, chủ động tăng cường truyền thông đến người dân qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền nhóm, phổ biến kiến thức tại các trạm y tế; đưa dịch vụ chăm SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến tận các xã có mức sinh cao, xã khó khăn. Ngoài ra, để công tác chăm sóc SKSS, dân số phát huy hiệu quả, bền vững, các cộng tác viên, chuyên trách dân số trên địa bàn huyện còn tập trung tuyên truyền ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, những cặp vợ chồng trẻ, đang trong độ tuổi sinh đẻ; trẻ vị thành niên - thanh niên… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 1.300 người chấp nhận chuyển đổi hành vi tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có 46 người đặt vòng (tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái); 825 lượt người tiêm thuốc tránh thai (tăng gần 106%);  hơn 2.000 lượt người uống viên thuốc tránh thai (tăng gần 115%), 707 người sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục (tăng hơn 94%), đặc biệt có 6 người đồng ý triệt sản (tăng 200%). Ngoài ra, có hơn 1.700 người tham gia sinh hoạt nhóm.  Đội ngũ cán bộ y tế đã tư vấn cá nhân cho gần 700 người, thăm và tuyên truyền tại nhà cho hơn 650 hộ gia đình... Chị Ca Thị  Dum (xã Khánh Thượng) chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết nhiều kiến thức về SKSS. Nhờ tham gia các buổi sinh hoạt chăm sóc SKSS vị thành niên, tôi có thêm kiến thức, biết nhiều hơn về các biện pháp tránh thai và cách bảo vệ an toàn cho lứa tuổi của mình”.

Theo ông Đặng Thanh Tuấn - Trưởng khoa Dân số, Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, các đối tượng đích chương trình hướng tới là phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 49 đã có gia đình và là trẻ vị thành niên - thanh niên. Nhờ chú trọng truyền thông, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhất là những đối tượng đích ngày càng tiếp cận được nhiều hơn dịch vụ chăm sóc SKSS, số đối tượng chấp nhận chuyển đổi hành vi thực hiện KHHGĐ, đảm bảo không sinh thêm con đã tăng. Tuy nhiên, các dịch vụ KHHGĐ chưa đáp ứng kịp thời, nguồn phương tiện tránh thai bị thiếu liên tục, số lượng người có nhu cầu dùng biện pháp cấy tránh thai khá cao nhưng nguồn cung không đủ đã gây khó cho công tác chăm sóc SKSS, dân số trên địa bàn huyện.

Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế huyện tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép, cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS đến người dân ở huyện; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân số - KHHGĐ…

Lý Quý