Khẳng định vai trò cầu nối giữa Đảng với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam

(Mặt trận) - Sáng 11/1, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá XII) khai mạc. Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương dự hội nghị.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hà Anh

Đánh giá chính xác, khách quan về kết quả hoạt động công đoàn năm 2021

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – lưu ý gợi mở một số vấn đề để các đại biểu quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định.

Về dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và Báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc, cả nước bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với kỳ vọng và khí thế mới.

2021 cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa, quyết định đến sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Trong đó, có Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, xác định những nhiệm vụ, mục tiêu cần tập trung thực hiện của tổ chức Công đoàn trong nửa nhiệm kỳ còn lại…

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2021, việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề; nảy sinh một số vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã có những điều chỉnh trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, vừa duy trì các mặt hoạt động thường xuyên định kỳ, đồng thời chăm lo, hỗ trợ tốt cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, đa dạng, hướng tới các đối tượng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Để các Ủy viên Ban Chấp hành có cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn, cùng với Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã xây dựng báo cáo về kết quả hai năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp công đoàn. Hai báo cáo này có liên quan với nhau…

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các uỷ viên dành thời gian nghiên cứu, căn cứ vào tình hình thực tế ở ngành, địa phương, lĩnh vực, đánh giá chính xác, khách quan về kết quả hoạt động công đoàn năm 2021 cũng như kết quả hoạt động của các cấp công đoàn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong hai năm vừa qua.

Chủ tịch Nguyễn Đình Khang lưu ý, các đại biểu cần đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra trong thời gian vừa qua cả trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và triển khai thực hiện với tinh thần thực sự thẳng thắn, không tô hồng.

“Cái gì làm được, mô hình nào hay, có thể nhân rộng? Chỗ nào chưa tốt, chưa tốt do đâu, lý do gì, do khách quan hay chủ quan để từ đó có định hướng, giải pháp phù hợp trong thời gian tới” - ông Nguyễn Đình Khang nêu rõ.

 

Sẽ bầu bổ sung một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nữ

Về năm 2022, chủ đề hoạt động được xác định là “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam", dự kiến các chỉ tiêu và các nhiệm vụ giải pháp để thực hiện đã được nêu trong dự thảo.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các uỷ viên Ban Chấp hành trên cơ sở phân tích kĩ lưỡng, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh thời gian tới có thể còn diễn biến phức tạp hơn, có thể xuất hiện nhiều yếu tố mới trong bối cảnh hoạt động công đoàn năm 2022 để đóng góp, bổ sung thêm các nội dung nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ đề năm, các nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. 

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng sẽ cho ý kiến vào: Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 9b/NQ-BCH ngày 23.8.2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khoá XI) về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới và Kết luận của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 9b/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới”; Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp năm 2021 và chương trình công tác năm 2022.

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, hội nghị còn tiếp tục thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ đó là bổ sung ủy viên ban chấp hành thay thế các uỷ viên đã được phân công sang vị trí khác; bầu bổ sung ủy viên Đoàn Chủ tịch và đặc biệt trên cơ sở chủ trương của Ban Bí thư kiện toàn đủ các đồng chí Phó Chủ tịch, đảm bảo cơ cấu độ tuổi, giới tính, vùng miền. Hội nghị ban chấp hành lần thứ 10 lần này sẽ bầu một Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN là nữ.

“Nội dung chương trình Hội nghị bao gồm nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn năm 2022, việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, đề nghị các đại biểu phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến để Ban Chấp hành xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” – ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: cuocsongantoan.vn 

Đánh giá về hoạt động công đoàn năm 2021, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, tính mạng và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tác động đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh khó khăn đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực cố gắng, linh hoạt điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của công nhân lao động, sát cánh cùng người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; đồng thời có nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, từ tham gia xây dựng, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động bằng nguồn tài chính công đoàn và nguồn vận động xã hội hoá với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng ghi nhận việc Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, tổ chức thành công Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” với kết quả vượt 300% so với mục tiêu đề ra; phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

“Vai trò của tổ chức Công đoàn cùng với tinh thần chủ động, sự dấn thân của đội ngũ cán bộ công đoàn đã đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, được người lao động, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị - xã hội đánh giá, ghi nhận. Đó thực sự là điều rất đáng trân trọng, vui mừng và tự hào. Qua khó khăn, hình ảnh, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn tiếp tục được khẳng định, thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết” - Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Năm 2022 là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm về đích trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đề nghị tổ chức Công đoàn Việt Nam tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong hoạt động công đoàn, cụ thể hoá các nội dung của Văn kiện Đại hội về xây dựng giai cấp công nhân, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Đồng thời, đề nghị các cấp Công đoàn chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, phát triển tổ chức và đoàn viên phải xác định là một trong những nhiệm vụ sống còn, đặc biệt, trước thách thức rất lớn khi nước ta thực hiện cam kết quốc tế, đó là các doanh nghiệp sẽ có tổ chức đại diện khác của người lao động cùng tồn tại đồng thời với Công đoàn Việt Nam.

“Tổ chức Công đoàn Việt Nam phải có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất, là tổ chức đại diện tốt nhất và lớn nhất cho người lao động tại các doanh nghiệp, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam”, bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị.

Cùng với đó là chú trọng làm tổt công tác tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động; quan tâm thực hiện tốt chức năng đại diện người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Công đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải phù hợp với từng loại hình và từng đối tượng, khích lệ, động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh thi đua phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả dịch bệnh, qua đó góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên thì mỗi cấp công đoàn và mỗi cán bộ công đoàn phải nhận thức đầy đủ yêu cầu của tình hình mới, phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, phù hợp thực tế, có tính khả thi cao, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.