(Mặt trận) -Theo quy định, ngày 25 hàng tháng, tất cả hộ dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đây là điều đã được quy định rõ trong quy ước và được 100% người dân đồng tình, nhất trí.
|
Thực hiện quy ước khu dân cư, người dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) tham gia vệ sinh môi trường, trồng hoa đường làng, ngõ xóm, góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. |
Ông Lê Văn Sinh, trưởng thôn Đồng Phú cho biết: Thôn có 171 hộ, 547 nhân khẩu, 99% là dân tộc Kinh, 1% là các dân tộc khác. Cơ bản 100% người dân tin tưởng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đây là thuận lợi trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các quy ước, hương ước của thôn. Quá trình xây dựng, soạn thảo quy ước, khi lấy ý kiến của Nhân nhân, 100% người dân tron thôn đồng thuận, nhất trí cao. Nội dung hương ước, quy ước được xây dựng trên cơ sở phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư... Phạm vi điều chỉnh các mối quan hệ trong thôn như việc tổ chức hội họp, ma chay, hiếu hỷ; thu chi các loại quỹ của thôn; giải quyết đơn thư, hòa giải; phòng chống tai, tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, lô đề, trộm cắp, ma túy...; công tác vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường trong thôn. Việc hiếu, hỷ yêu cầu phải tuân thủ nếp sống mới. Người chết không để trong nhà quá 48 tiếng; tổ chức cưới tiết kiệm, không tổ chức văn nghệ quá 22h, không uống rượu say, không thuốc lá... Các nội dung quy ước đi vào cuộc sống đã góp phần quan trọng trong việc củng cố thiết chế văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp được coi trọng, giữ gìn, tình làng nghĩa xóm thuận hòa, đoàn kết...
Việc xây dựng, đưa quy ước, hương ước vào cuộc sống đem lại hiệu quả cao, hướng đến xây dựng nếp sống mới, văn minh ở thôn Đồng Phú là một trong nhiều điển hình ở huyện Lạc Thủy. Theo đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện, tính đến nay, trên địa bàn huyện có 43/112 thôn, xóm xây dựng quy ước, hương ước, được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, công nhận đã đi vào cuộc sống. Nhìn chung, nội dung các bản quy ước đảm bảo chất lượng, ngắn gọi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc thực hiện quy ước ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội ở địa phương góp phần xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của Nhân dân, bảo đảm ANTT tại cơ sở...
"Nội dung của quy ước, hương ước là những nguyện vọng do Nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật, phong tục, tập quán tốt đẹp,được toàn thể Nhân dân chấp hành. Những quy định trong các quy ước, hương ước trở thành thiết chế ý thức, ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân, mỗi người hiểu được những việc mình được làm, không được làm trong cộng đồng. Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội dần được loại bỏ; các mối quan hệ xã hội, sự gắn kết, đồng thuận, nhất trí trong cộng đồng dân cư ngày càng bền chặt...” - đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
Mạnh Hùng