Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 23/1/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 139-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026). Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu 

Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP, ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương;

Căn cứ Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 8796-CV/VPTW, ngày 25/12/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc thực hiện Đề án kỷ niệm kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam;

Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam trong suốt chặng đường 80 năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ.

2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, tăng cường nhận thức của Nhân dân, cử tri và bạn bè quốc tế về vị trí, vai trò, quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội; nâng cao vị thế, hình ảnh của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân, của cử tri với Quốc hội Việt Nam cũng như sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

3. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định hiện hành, gắn với việc tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền, phân tích, làm rõ ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam - Sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc nước ta - mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước; lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết vận mệnh của mình, tự xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ; tuyên truyền sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Khẳng định sự ra đời của Quốc hội là thành quả đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; quá trình hình thành và sự ra đời của Quốc hội là kết tinh của sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những giá trị phổ quát của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử; Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

2. Tuyên truyền những thành tựu, bài học kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam qua 80 năm hình thành và phát triển; vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong công cuộc đổi mới đất nước; khẳng định Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; khẳng định Quốc hội các khóa đã không ngừng lớn mạnh, đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và năng lực hoạt động của từng đại biểu Quốc hội vào sự nghiệp cách mạng chung để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

3. Tôn vinh công lao, đóng góp của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; khẳng định các thế hệ đại biểu dân cử luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cùng với dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Quốc hội; đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

4. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm diễn ra ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở; chú trọng đến các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động về nguồn; biểu dương, khích lệ các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc; những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, KỶ NIỆM

1. Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa; Lễ kỷ niệm quy mô cấp quốc gia

- Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa: Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, thành phố Hà Nội.

- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia

+ Danh nghĩa tổ chức: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Đọc diễn văn kỷ niệm: Đồng chí Chủ tịch Quốc hội.

+ Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

+ Tổ chức thực hiện: Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì; các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện.

2. Tổ chức hội thảo khoa học, cuộc thi tìm hiểu

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quốc hội Việt Nam - 80 năm hình thành và phát triển”

+ Thời gian: Quý IV/2025.

+ Địa điểm: Dự kiến tại tỉnh Tuyên Quang.

+ Tổ chức thực hiện: Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì; Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Tuyên Quang phối hợp thực hiện.

- Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Phát động từ Quý I/2025, tổ chức trao giải vào Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì; Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

3. Xây dựng bộ phim tài liệu “Biên niên sử truyền hình về lịch sử Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Xây dựng kịch bản phim từ năm 2023 và hoàn thành bộ phim tháng 10/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện.

4. Biên soạn, xuất bản sách, ảnh, ấn phẩm, triển lãm ảnh

- Biên soạn, xuất bản sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Quốc hội và việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

+ Thời gian: Hoàn thành trong Quý I/2024.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì; Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp thực hiện.

- Biên soạn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 giai đoạn 2011 - 2026

+ Thời gian: Triển khai từ năm 2023 đến năm 2025.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp thực hiện.

- Triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”; biên soạn, xuất bản sách “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”

+ Thời gian: Hoàn thành trong Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học chủ trì; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp thực hiện.

- Biên soạn sách ảnh song ngữ 80 năm Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Xuất bản chậm nhất trong Quý III/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Nhà xuất bản Thông tấn và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện.

- Biên soạn sách ảnh về hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Xuất bản trong Quý III/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chủ trì; Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp thực hiện.

- Sách, ấn phẩm giới thiệu về Quốc hội, Tòa Nhà Quốc hội Việt Nam

+ Sách song ngữ (Anh - Việt) giới thiệu về Quốc hội Việt Nam.

+ Ấn phẩm giới thiệu về Tòa nhà Quốc hội Việt Nam.

+ Ấn phẩm giới thiệu về các tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm gốm sứ trưng bày tại Nhà Quốc hội.

+ Thời gian: Từ năm 2023 đến Quý I/2024.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp thực hiện.

- Tổ chức triển lãm ảnh “80 năm Quốc hội Việt Nam”

+ Thời gian: Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bảo tàng hữu quan phối hợp thực hiện.

5. Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ

- Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Quốc hội Việt Nam”

+ Địa điểm: Nhà hát Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

+ Thời gian: Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

- Tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

+ Thời gian: Dự kiến phát động tháng 1/2024, tổ chức Lễ trao giải chậm nhất vào Quý I/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Hà Nội phối hợp thực hiện.

- Tổ chức liên hoan tiếng hát truyền hình Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Phát động từ Quý I/2025, tổ chức vòng Chung kết vào Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

6. Tổ chức Giải báo chí toàn quốc và phát hành bộ tem bưu chính

- Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) tập trung chủ đề 80 năm Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Tổ chức lễ phát động tháng 01/2025, lễ trao giải vào tuần đầu tiên của tháng 01/2026.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp thực hiện.

- Phát hành bộ tem bưu chính đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Hoàn thành trước Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện.

7. Xây dựng, tôn tạo các công trình kỷ niệm

- Xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam

+ Thời gian: Dự kiến khánh thành vào Quý III/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Quốc hội các khóa và các Bảo tàng hữu quan phối hợp thực hiện.

- Tôn tạo Khu Di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang

+ Thời gian: Hoàn thành trước Quý III/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chủ trì; Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.

8. Tổ chức gặp mặt, tôn vinh, tri ân và về nguồn

- Tổ chức gặp gỡ các thế hệ đại biểu Quốc hội ở địa phương

+ Thời gian: Từ tháng 12/2025 đến trước ngày 06/01/2026.

+ Thành phần: Đại biểu Quốc hội các khóa, đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các đoàn thể ở địa phương.

+ Tổ chức thực hiện: Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tổ chức chương trình “Về nguồn” thăm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang

+ Thời gian: Từ Quý I/2025 đến Quý IV/2025.

+ Tổ chức thực hiện: Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương phối hợp thực hiện.

9. Tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ở các cấp, các ngành chào mừng kỷ niệm

+ Thời gian: Phát động Quý I/2024.

+ Tổ chức thực hiện: Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương phối hợp thực hiện.

10. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan tại các trụ sở làm việc của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, các địa điểm tổ chức sự kiện: Văn phòng Quốc hội chủ trì; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương phối hợp thực hiện.

- Biên soạn Tài liệu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân: Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Xây dựng kế hoạch tổ chức hiệu quả các hoạt động nêu ở mục III của Hướng dẫn (Lưu ý: các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương không tổ chức Lễ kỷ niệm).

- Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về các nội dung ở mục II của Hướng dẫn trên báo chí, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin, cổ động trực quan, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các ấn phẩm tuyên truyền.

- Chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể trực thuộc triển khai thực hiện có hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về sự kiện. Kịp thời thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, xuyên tạc sự kiện, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các hoạt động tại mục III của Hướng dẫn chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời lưu ý làm tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau:

2.1. Đảng đoàn Quốc hội

- Chỉ đạo ban hành Đề án, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam và chỉ đạo tổ chức thành công Lễ kỷ niệm.

- Chỉ đạo thành lập các Tiểu ban triển khai các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026) bảo đảm chất lượng và tiến độ.

2.2. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025; kết nối, phối hợp, theo dõi và kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương về các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm.

- Chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, kỷ niệm; phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm (thẩm định các bài diễn văn, phát biểu tại Lễ kỷ niệm; hội thảo khoa học cấp quốc gia; phim tài liệu; ấn phẩm tuyên truyền…).

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội biên soạn, phát hành đề cương tuyên truyền về sự kiện.

2.3. Văn phòng Quốc hội

- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026); chủ trì, kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

- Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai tổ chức hiệu quả các hoạt động nêu ở mục III của Hướng dẫn.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn đề cương tuyên truyền về sự kiện.

2.4. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài phát thanh và truyền hình các địa phương tiếp sóng trực tiếp Lễ kỷ niệm, phim tài liệu, đưa tin các hoạt động kỷ niệm, xây dựng chương trình truyền hình, phát thanh chủ đề “Quốc hội Việt Nam - 80 hình thành và phát triển” bảo đảm hấp dẫn, thiết thực.

- Tăng cường quản lý tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc biên soạn, phát hành sách, ấn phẩm tuyên truyền; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2.5. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, trọng tâm là tuyên truyền trên pa nô, áp phích, bảng điện tử; triển lãm, trưng bày chuyên đề; tổ chức các chương trình văn hóa - văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao,… trên mọi miền của đất nước với tinh thần hướng về cơ sở chào mừng sự kiện.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các công việc tại mục III của Hướng dẫn.

2.6. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao

- Chỉ đạo hướng dẫn cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp; hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin Lễ kỷ niệm và các hoạt động kỷ niệm.

- Lập danh sách khách mời và đại biểu quốc tế dự Lễ kỷ niệm theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025.

2.7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp quốc gia.

2.8. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm tại mục III của Hướng dẫn; chú trọng tới các hoạt động kỷ niệm trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

- Chủ trì, phối hợp với tỉnh Tuyên Quang triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan.

2.9. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- Phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

- Chuẩn bị và lựa chọn bài phát biểu của đại diện thế hệ trẻ là đại biểu Quốc hội tại Lễ kỷ niệm (có phương án dự phòng).

2.10. Hội Nhà báo Việt Nam

- Phối hợp Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) tập trung chủ đề 80 năm Quốc hội Việt Nam.

- Chỉ đạo các liên chi hội, chi hội cơ sở tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; nâng cao trách nhiệm chính trị của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong tuyên truyền về sự kiện.

3. Các cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỷ niệm sự kiện với nội dung phong phú, hấp dẫn và hình thức đổi mới, sáng tạo; tăng cường tuyên truyền những tác phẩm văn học nghệ thuật, tranh ảnh, thơ ca tiêu biểu sống mãi với thời gian của các văn nghệ sĩ viết về Quốc hội và những tác phẩm được sáng tác mới chào mừng sự kiện.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm; tổ chức chiếu phim tài liệu, đưa tin về các hoạt động kỷ niệm và thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công tại mục III của Hướng dẫn.

- Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp sóng trực tiếp Lễ kỷ niệm từ Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

4. Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

- Tham mưu cho cấp ủy tổ chức các hình thức kỷ niệm phù hợp; căn cứ vào hướng dẫn và đề cương của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng hướng dẫn, đề cương hoặc tài liệu tuyên truyền về sự kiện đến cơ sở.

- Chỉ đạo Đài phát thanh - truyền hình địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng và phát sóng phim tài liệu “Biên niên sử truyền hình về Lịch sử Quốc hội Việt Nam”.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác cổ động trực quan, nhất là trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên đường phố, khu dân cư; thông tin trên các bảng điện tử, pa nô, áp phích, khẩu hiệu bảo đảm tính thời sự, ý nghĩa của sự kiện.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026)!

2. Vinh quang 80 năm Quốc hội Việt Nam!

3. Quốc hội Việt Nam - Cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

4. Quốc hội là biểu tượng sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam!

5. 80 năm Quốc hội Việt Nam gắn bó với Nhân dân, đồng hành cùng dân tộc!

6. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!

7. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng!

8. Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!

9. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

10. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

11. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

12. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG