Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách phải tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam

(Mặt trận) - Tại Hội thảo Văn hóa 2022, chiều 17/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh hội thảo có chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" - một hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển 

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã tạo dựng nên nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, được kế thừa, bổ sung, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội.

“Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Những năm qua, đặc biệt là những năm đất nước đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước; tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; sự chủ động, nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy,” ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy, bảo vệ các quyền về văn hóa phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng vị trí, vai trò của văn hoá chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa...

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sỹ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Đảng ta đã xác định: “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.“ Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh phải “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, môi trường..., kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.”

Khi bàn về nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, rất hệ trọng, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Thể chế, chính sách đúng đắn sẽ khơi thông nguồn lực to lớn

 

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. “Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội,” ông Võ Văn Thưởng nói.

Bác Hồ đã lý giải: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.”

Như vậy, văn hóa thấm sâu, chi phối toàn bộ đời sống xã hội, vào từng con người, từng gia đình và cộng đồng. Vì thế, thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, đồng thời phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này; phải phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn.

Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia-dân tộc làm trọng tâm. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép "lợi ích nhóm," lợi ích cục bộ trong pháp luật, chính sách.

Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận, nhưng cũng không được bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Những vấn đề đã rõ được kiểm nghiệm trong thực tiễn, có sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật, chính sách. Đặc biệt trong vấn đề văn hóa thì độ nhạy cảm, ý kiến xã hội về vấn đề này đôi lúc rất khác nhau, nếu chúng ta không bình tĩnh, không chắc chắn thì cũng dễ dẫn tới sự dễ dãi, nôn nóng, rồi cơ chế chính sách được hình thành không đảm bảo chất lượng.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc...; không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời phải khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa." Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa và giám sát việc thực hiện.

Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách; chú trọng thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn tham gia xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.