(Mặt trận) - Ngày 23/12, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị.
|
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đến dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan thông tấn báo chí…
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trong năm 2022, ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, có những kết quả nổi bật, đột phá, những điểm mới so với năm 2021, được cán bộ, đảng viên và dư luận đánh giá cao như: Đã chủ động, tích cực triển khai 22 đề tài, đề án để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đã được ban hành, triển khai thực hiện 5 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn…), góp phần hoạch định chủ trương, đường lối; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và công tác Tuyên giáo; tổ chức thành công các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời nắm bắt nội dung các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn; chủ động, kịp thời trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tuyên giáo; phát hiện những nhân tố tích cực, mô hình hay, cách làm sáng tạo để biểu dương, nhân rộng và những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn để khắc phục; công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, khoa giáo, xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo đạt được nhiều thành tích ấn tượng, đạt hiệu quả cao…
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, năm 2022, mặc dù bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, song Ngành Tuyên giáo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ với nhiều thành tích ấn tượng, nổi bật; đã thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” và vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng; góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội; kinh tế phục hồi, phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.
|
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tại Hội nghị. |
Nhấn mạnh, năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đồng chí Lại Xuân Môn yêu cầu ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Với phương châm, khẩu hiệu hành động năm 2023 là: “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”, đồng chí Lại Xuân Môn đã chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, Ngành Tuyên giáo cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, định hướng lớn về công tác Tuyên giáo. Trong đó, thực hiện chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ 13 đề án đã có trong kế hoạch và những đề án bổ sung trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xây dựng chiến lược công tác Tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng kết 40 năm công tác tham mưu của ngành Tuyên giáo để góp phần tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Thứ hai, cần đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn kiện của Đảng. Tiếp tục đổi mới hình thức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; bảo đảm kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Sử dụng hài hòa hình thức trực tuyến với trực tiếp và tuyên truyền miệng.
Thứ ba, tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của công tác Tuyên giáo. Trong đó, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng “tự soi, tự sửa”; tập trung phân tích làm rõ, sâu sắc nội hàm tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; quản lý, theo dõi, xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là trên internet, mạng xã hội. Hướng dẫn, triển khai việc thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, kịp thời định hướng, dẫn dắt thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng trong việc thực hiện Quyết định số 238 năm 2020 của Ban Bí thư về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.
|
Quang cảnh Hội nghị
|
Công tác dư luận xã hội chủ động dự báo, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội. Thực hiện tốt việc nắm bắt dư luận xã hội đối với cán bộ, đảng viên cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, chủ động định hướng, quản lý các hoạt động báo chí - xuất bản; triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Định hướng các cơ quan báo chí chủ lực tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai có hiệu quả Quyết định mới của Ban Bí thư về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản. Chuẩn bị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí cụ thể về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Động viên, khuyến khích văn nghệ sỹ phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sức sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Trên lĩnh vực khoa giáo, hoàn thiện các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”…
|
Đại biểu tham dự Hội nghị
|
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ngành Tuyên giáo thống nhất, hiệu lực, hiệu quả
Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận và làm sâu sắc một số nội dung, trong đó có đánh giá kết quả dấu ấn nổi bật của ngành năm 2022 so với năm 2021; Những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện của ngành; Những đề xuất, kiến nghị.
Phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác Tuyên giáo
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi cùng các đại biểu bên lề Hội nghị. |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương toàn Ngành đã nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra và những nhiệm vụ mới phát sinh từ thực tiễn. Đồng chí cũng nhất trí với những nội dung được nêu trong Báo cáo tổng kết cũng như đồng tình với những ý kiến của các đại biểu tham luận tại Hội nghị. Trong đó, đặc biệt là những nội dung trọng tâm như: Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng xây dựng, ban hành các chủ trương, định hướng lớn về công tác Tuyên giáo; tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của cấp ủy các cấp; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của công tác Tuyên giáo.
Trên từng lĩnh vực cụ thể như: Công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; công tác báo chí xuất bản; công tác văn hóa, văn nghệ; công tác khoa giáo cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù còn có những hạn chế, khó khăn, song với những thành tựu nổi bật trong năm qua, ngành Tuyên giáo đã tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả trong hoạt động của công tác Tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh tới năm kiên định, bốn yêu cầu, ba nhóm tập trung, hai nhiệm vụ cần kiện toàn của ngành Tuyên giáo.
Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đây không phải là những vấn đề mới, song cần phải thường xuyên quán triệt, coi như là cẩm nang làm nòng cốt trong tư tưởng, hành động. Cụ thể:
- Năm kiên định gồm: Tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới. Tư tưởng đó phải được thấm sâu trong từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không cho phép ai được ngả nghiêng dao động với mục tiêu cao cả ấy và phải để nó trở thành bản lĩnh, niềm tin; Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Kiên định con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Kiên định những nguyên tắc cơ bản của Đảng; Kiên định phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
- Bốn yêu cầu gồm: Yêu cầu dứt khoát phải có tính đảng, tính chiến đấu, phải truyền cảm hứng xuống tới cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên. Công tác giáo dục và thuyết phục phải được nâng cao, đặc biệt là chú trọng tới tính thực tiễn, nêu cao vai trò trách nhiệm, từ đó mới chống được quan liêu trong tư tưởng, hành động; Yêu cầu phải triển khai toàn diện, đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm có khâu đột phá; Yêu cầu trong công tác luôn phải đặt quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; Chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả, không để vùng trắng về công tác tư tưởng.
- Ba tập trung gồm: Nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu về thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, công tác lý luận không thể chậm trễ và cần phải có dự báo được một số chiều hướng về tư tưởng, từ đó mới có giải pháp chủ động, mới có sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, xử lý tốt các tình huống phát sinh. Cần thẳng thắn chia sẻ thuận lợi, khó khăn để có giải pháp phù hợp vì lợi ích chung; Đổi mới công tác học tập nghị quyết để các nghị quyết đi vào cuộc sống được nhanh chóng, kịp thời, phát huy hiệu quả thiết thực; Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như nâng tầm tham mưu đối với lĩnh vực khoa giáo của Đảng. Đây là những lĩnh vực được Nhân dân rất quan tâm và mang ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
- Hai kiện toàn gồm: Cần kiện toàn tổ chức bộ máy Tuyên giáo Trung ương và Tuyên giáo các cấp để đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả; Xây dựng quy chế làm việc nội bộ, quy chế làm việc giữa ngành Tuyên giáo với các bộ ngành, đơn vị.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe nhiều tham luận của các bộ, ngành và địa phương. Các tham luận đã làm rõ hơn thực trạng công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay cũng như những đề xuất để công tác Tuyên giáo phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản