Hiểu đúng về “pháo đài chống dịch”

(Mặt trận) -Nói “xã phường là pháo đài chống dịch” thực chất là nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

 Ảnh minh hoạ

Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, chủ trương và phương châm của Chính phủ đưa ra là: “Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch”. Phương châm này liên tục xuất hiện với tần suất lớn, mật độ dày trên các phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng và được các cấp lãnh đạo nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi trực tiếp đến chỉ đạo, kiểm tra, làm việc tại các cơ sở đang là “điểm nóng” của dịch bệnh.

Những ngày qua, câu nói trên được nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo, ngọn ngành, nhất là cán bộ cơ sở. Thế nên, khi lãnh đạo cấp cao gọi điện đột xuất một chủ tịch UBND cấp xã nhằm kiểm tra nhận thức, trách nhiệm của cán bộ cơ sở đối với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn, thì người cán bộ này chưa hiểu bản chất thế nào là “Lấy xã, phường là pháo đài chống dịch”.

Vậy, pháo đài là gì? Cần hiểu như thế nào về người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?

“Pháo đài” là một thuật ngữ quân sự, chỉ nơi xây dựng kiên cố ở một địa điểm-vị trí cao, có đặt súng lớn để bảo vệ một địa phương, một địa thế xung yếu. Trong chiến tranh, chúng ta đã xây dựng nhiều pháo đài được bố trí ở nhiều làng xã, tạo thành thế trận chiến đấu liên hoàn, “thiên la địa võng” nhằm đẩy lùi, ngăn chặn các đợt càn quét, tiến công của quân địch, nhờ đó mà giữ vững, bảo đảm an toàn các cụm chiến đấu làng xã, góp phần bảo vệ cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân ở cơ sở.

“Chiến sĩ” là một thành phần trong lực lượng vũ trang (bao gồm: quân đội, công an và dân quân tự vệ). Ngoài ra, chiến sĩ còn được hiểu là người theo đuổi, phục vụ sự nghiệp chính nghĩa và chiến đấu, hy sinh vì những lý tưởng cao cả. Đảng viên cộng sản thường được gọi là “chiến sĩ cách mạng” hay “chiến sĩ cộng sản” với ý nghĩa như vậy. 

“Trung tâm” là chỗ chính giữa, trọng yếu, giữ vị thế quan trọng hàng đầu và có khả năng tác động, lan tỏa đến các nhân tố xung quanh. Còn “chủ thể” là bộ phận chính, giữ vai trò chủ đạo. 

 

Việc chủ trương “lấy xã, phường là pháo đài phòng, chống dịch” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hệ thống chính trị và mô hình quản trị ở Việt Nam. Vì xã, phường là nơi cứ trú của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống chính trị ở xã, phường là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Nói đến “xã phường là pháo đài chống dịch” thực chất nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. 

“Người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch” nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”. Vì nhân dân là thành phần đông đảo nhất trong xã hội. Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh dời non lấp bể, sức mạnh “đập đá vá trời”, do đó việc huy động sức dân, làm cho mọi người dân đồng tình, ủng hộ và chủ động, tích cực, tự giác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, mà còn góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Muốn xã, phường thật sự trở thành pháo đài chống dịch hiệu quả thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền phải biết xây dựng các phương án, kế hoạch “tác chiến” chống dịch một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; đồng thời biết bố trí, sử dụng các lực lượng, đội hình chống dịch một cách hợp lý; có sự phân công, phối hợp rõ ràng, hiệu quả của các thành phần tham gia chống dịch gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trên từng vị trí công tác. 

Mặt khác, để mỗi người dân trở thành một chiến sĩ phòng, chống dịch thì yêu cầu cán bộ cơ sở (xã/phường, thôn/bản, khu/tổ dân phố) phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn nhân dân hiểu biết và nắm được các kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng trên địa bàn cư trú.   

Ý chí chính trị của chúng ta là bằng mọi cách để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống của người dân và mọi hoạt động của xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Nhưng ý chí chính trị muốn thành công phải được thông qua/thể hiện bằng năng lực quản trị và năng lực kỹ trị. Nói một cách cụ thể hơn, để phòng, chống dịch hiệu quả ở địa bàn cơ sở, thì đội ngũ cán bộ phải thường xuyên được cập nhật, tiếp cận những kiến thức, kỹ năng cơ bản về khả năng quản trị khủng hoảng thảm họa dịch bệnh, từ đó có cơ sở để xây dựng xã, phường trở thành pháo đài chống dịch và có cách tác động, giáo dục, thuyết phục để người dân trở thành chiến sĩ biết cách phòng, chống dịch một cách phù hợp, thiết thực. 

Tựu trung lại, “lấy xã, phường là pháo đài chống dịch” hàm ý mong muốn và nhắc nhở xã, phường ở nơi có dịch thì phải biết phát huy sức chiến đấu tại chỗ để sớm đẩy lùi, tiêu diệt “giặc COVID-19”; còn đối với các xã phường đang ở “vùng xanh” thì kiên quyết phải giữ vững vành đai an toàn, không để dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan vào cộng đồng. Đó là cái đích tối thượng của pháo đài chống dịch ở địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn./.

Theo Phúc Nội - TG