Hà Giang nâng cao chất lượng dân số

(Mặt trận) -Từng bước khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; đảm bảo mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng; tiếp tục triển khai các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ dân số cấp xã, cộng tác viên thôn, bản... là những giải pháp ngành Dân số tỉnh Hà Giang đang tập trung đẩy mạnh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Các y, bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

Hiện nay, công tác dân số đã được chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có tính chất quyết định đến công cuộc phát triển của mỗi địa phương, đất nước. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, những năm qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Mục tiêu “Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” đã đi vào cuộc sống. Quy mô gia đình có từ 1 hoặc 2 con ngày càng nhiều, chất lượng dân số từng bước được nâng lên, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện và hiệu quả các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác…

Những năm qua, ngành Dân số tỉnh Hà Giang đã nỗ lực thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Ðến nay, các chương trình, đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được thực hiện rộng khắp; chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn được đẩy mạnh. Duy trì hoạt động 51 câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thu hút trên 7.000 lượt người tham gia. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thực hiện sàng lọc trước sinh được 1.842 ca; sàng lọc sơ sinh được 395 ca, tư vấn cho 9.540 lượt thai phụ, sản phụ về hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; cấp 160.000 phương tiện tránh thai các loại cho các huyện, thành phố; có 28.926 người áp dụng các biện pháp tránh thai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở Hà Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ðó là, kết quả giảm sinh chưa thực sự bền vững và không đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa có chiều hướng giảm. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tuy giảm nhưng còn ở mức cao; tầm vóc, thể lực của người dân chậm được cải thiện; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra…

Ðể xây dựng và thực hiện tốt chính sách dân số mới với trọng tâm “Dân số và Phát triển”, đòi hỏi sự vào cuộc và quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền; xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép chính sách dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động chính sách dân số và phát triển; triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số. Ðẩy mạnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Ðồng thời, quan tâm, chú trọng chăm sóc sức khỏe vị thành niên; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

T.K